“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Từ chất lượng bữa ăn đến hiệu quả điều hành của Chính phủ

 
“Với cùng một số tiền đi chợ, giữ được bữa ăn như cách đây 2-3 năm là rất khó. Lạm phát đang là lo lắng chung của toàn xã hội”

                                                                       TS. Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: TT.

“Với cùng một số tiền đi chợ, giữ được bữa ăn như cách đây 2-3 năm là rất khó. Lạm phát đang là lo lắng chung của toàn xã hội”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trò chuyện với VnEconomy chiều 11/11.

Đi từ những vấn đề vi mô và đời sống xã hội thực tế để đánh giá điều hành vĩ mô, kiến giải của ông Kiên đưa ra phần nào lý do Chính phủ lựa chọn giải pháp điều hành trong thời gian qua. Ông nói:

- Cái không ổn định, không bền vững về kinh tế, hơn đâu hết, thể hiện trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình và lo cho con đi học. Nó đáng lo ngại là bởi vì chất lượng bữa ăn của chúng ta ngày càng giảm, nhưng thu nhập của chúng ta không đáp ứng.

Cần có tiếng nói cảnh báo

Đối với gia đình ông thì cảm nhận ra sao?

Cảm nhận đầu tiên là ngân sách gia đình bị thâm hụt. Ngày xưa, gia đình 4 người thì tiêu cho tiền ăn khoảng 4 triệu đồng/tháng là đảm bảo. Đến bây giờ, 6 triệu/tháng để đảm bảo như thời 4 triệu năm 2007 là rất khó. Còn lại, những chuyện như cuối tuần muốn thăm bạn bè ở nơi xa, đến hè muốn đưa con cái đi đâu đó dài ngày là buộc phải tính toán kỹ.  

Bởi vì với một gia đình hai vợ chồng, hai con, giả sử không phải mua nhà, không phải mua xe máy, không phải mua tivi và đồ gia dụng đủ hết rồi, thì thu nhập 8 triệu đồng/tháng để sống ở Hà Nội là vẫn cực kỳ khó khăn.

Cái cảm nhận từ bữa ăn, cảm nhận chất lượng cuộc sống bị suy giảm, không đáp ứng được kỳ vọng của người dân không phải bây giờ mới có, mà có lẽ nó bắt đầu từ năm 2008. Đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế thấy là cần phải có tiếng nói cảnh báo.

Nhưng những năm vừa rồi, tăng trưởng kinh tế vẫn có, thu nhập bình quân đầu người vẫn tăng đấy chứ?

Nó có nghịch lý, bởi vì thứ nhất là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn tốc độ tăng lương, thứ hai là đầu tư của chúng ta cho hệ thống công cộng không tương xứng. Kết quả thu được trên tổng mức đầu tư chúng ta đưa ra và các công trình công cộng chúng ta đưa vào đã không phát huy hiệu quả như trong dự án khả thi. Thế nên người dân cảm nhận thấy ngay.

Trong bối cảnh như vậy, ông nhìn nhận việc Chính phủ điều chỉnh mục tiêu lạm phát, thay vì giảm tăng trưởng như thế nào?

Việc điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát của Chính phủ từ năm 2008 đến nay ngày càng sát với diễn biến thực tế trên thị trường. Đứng về cảm nhận của người dân, phải nói người ta thấy rất buồn vì chỉ tiêu ấy cứ nâng lên.

Nhưng đứng về mặt điều hành vĩ mô, chúng ta thấy là cách tiếp nhận, xử lý vĩ mô của Chính phủ đã nhuần nhuyễn hơn. Khi anh đã dự báo được tương đối chính xác tình hình thì các quyết sách của anh ngày càng tiệm cận đến mức hiệu quả.

Ở đây, mới nảy sinh một mâu thuẫn, là điều hành của Chính phủ tuy ngày càng nhuần nhuyễn, nhưng đời sống của người dân lại khó khăn. Điều này lý giải tại sao rất nhiều đại biểu Quốc hội đều muốn đẩy nhanh tái cơ cấu, vì đấy chính là nguyên nhân nội tại của nền kinh tế.

Không thể xử lý ngày một ngày hai

Theo lý thuyết tiền tệ, tổng tăng cung tiền và  vòng quay tiền tệ bằng tổng tăng trưởng và  lạm phát. Nếu nói như thế, để giữ chỉ tiêu lạm phát như Quốc hội đề ra, Chính phủ có thể giảm cung tiền (M2), nhất là chỉ tiêu này do Chính phủ đưa ra, chứ sao lại điều chỉnh lạm phát?

Cần nhìn vào thực chất nền kinh tế. Chúng ta có gần 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên đất nước Việt Nam, nhưng trong đó chỉ có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp theo tiêu chuẩn thế giới ở vào tầm trung và lớn, còn lại hơn 400 nghìn doanh nghiệp là nhỏ và vừa.  

Và đặc thù của một nước phát triển từ nông nghiệp lên công nghiệp hóa là tích lũy vốn tư bản để phát triển công ty còn rất nhỏ.  

Các nước họ làm được bởi họ có nhiều trăm năm tích lũy nguyên thủy. Nếu chúng ta nhớ lại thì thời kỳ tích lũy nguyên thủy ở châu Âu rất tàn bạo. Trong tay tôi hiện còn bản quy chế làm việc của một doanh nghiệp Đức, từ năm 1910, họ quy định người công nhân làm việc 11 tiếng bao gồm cả ăn cơm trưa. Người công nhân cũng phải mang than đến để sưởi vào mùa Đông và bỏ ra 30 phút mỗi ngày vệ sinh nhà máy. Có thể nói đó là những quy định hết sức ngặt nghèo.

Như thế để hiểu, chỉ có bóc lột tư bản sống mới có tích lũy ra nhiều giá trị thặng dư. Bây giờ, chúng ta không có những quy định như thế nữa nên để tích lũy vốn, các doanh nghiệp của chúng ta phải cần nhiều thời gian hơn.

Và các doanh nghiệp của chúng ta lại hoạt động chủ yếu dựa trên vốn vay các ngân hàng, nếu bây giờ chúng ta bóp dòng tiền lại như cuối năm 2008, đầu 2009 thì các doanh nghiệp sẽ kêu ngay.

Vấn đề ở chỗ đấy. Cho nên, để các doanh nghiệp hoạt động được, để người lao động có việc làm thì phải mở cung tiền tệ.

Như thế thì nó đẩy đến một mâu thuẫn là mở M2 ra thì theo lý thuyết tiền tệ, mở tiền bên này thì tăng trưởng là lạm phát bên kia phải tăng. Nó là một phương trình cân bằng.

Tức là dù đắn đo, lo lắng trước bữa  ăn của người dân, chúng ta vẫn phải chấp nhận tình thế hiện nay?

Không phải là chấp nhận, mà là để xử lý vấn đề này không phải ngày một ngày hai.  

Có nghĩa là ông cho rằng công tác điều hành như thời gian vừa qua là phù hợp với tình hình thực tế?

Tôi cho rằng điều hành vừa rồi là phù hợp quy luật. Nhưng sự chủ động can thiệp của Chính phủ vào nền kinh tế thì đang gặp khó khăn.

Ví dụ, chúng ta cùng thống nhất phải nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức như thế, nhưng tác động của anh vào thị trường, vào hệ thống an sinh xã hội như thế nào?

Chẳng hạn, Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nông dân trong năm 2008 là rất hợp lý. Nhưng bây giờ, chúng ta nhìn lại, đến năm 2010, việc thực thi các chính sách ấy chưa thật hiệu quả, nó không tạo ra sức đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn là mục đích khi ấy.

Quay trở lại chủ đề luôn lặp đi lặp lại là cá tra, basa xuất khẩu, luôn là điệp khúc giá được thì sản lượng không còn, giá thấp thì sản lượng ê hề. Chính phủ lập quỹ bình ổn giá cá tra, basa lên tới nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả của nó đang còn phải đánh giá. Hay mới đây là tạm trữ lúa vào tháng 7/2010…

Chúng ta đều thấy là Chính phủ ra được các quyết sách đúng, nhưng từ những quyết sách ấy cho đến lúc người dân được hưởng thì nó trễ mất vài tháng. Ví dụ như phải cần 60 ngày dân giữ lúa, thì trong khi đó kho không có, con vẫn phải đi học, nhà vẫn có việc phải tiêu, dân vẫn phải bán.

Có những cái biết được chiến lược, biết được giải pháp, nhưng không phải đã đi vào cuộc sống ngay. Đó mới là các vấn đề các đại biểu Quốc hội muốn trao đổi với Chính phủ, vì sao biết là đúng mà nó chậm như thế. Đấy cũng là một trong những khâu mà cải cách hành chính cần đẩy nhanh hơn.

Ông có nói nhiều chính sách là tốt nhưng khi thực hiện không đạt được như kỳ vọng. Quay trở lại lý thuyết tiền tệ ở trên, giữ chỉ tiêu M2 và “hy sinh” lạm phát có phải là một lựa chọn chính sách đúng?

Nếu không có tăng CPI, chúng ta đều biết là nền kinh tế mất động lực tăng trưởng. Nhưng có một điều đang làm các đại biểu Quốc hội băn khoăn. Tăng GDP thì đầu tư công được tăng lên để hỗ trợ an sinh xã hội và cho môi trường. Nhưng lại phải nhìn vào CPI, bởi vì CPI phải căn cứ vào tổng phương tiện thanh toán đưa vào thị trường và tăng trưởng tín dụng…  

Với chúng ta, hiệu quả nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều thấp, giá trị gia tăng gần như không có, chỉ có giá trị thặng dư từ lao động sống, nếu bỏ qua cái này thì không còn gì. Điều này áp vào các doanh nghiệp dệt may với cá tra, basa của chúng ta rất là chính xác.  

Nhìn vào đó mới thấy cái khó là khó chung, mỗi khâu yếu một chút, kìm lại vòng quay đồng tiền. Nếu một đồng quay được 3 vòng thì tổng dư nợ tín dụng chắc chắn sẽ ít đi. Nhưng nếu anh chỉ quay được 1,5 vòng thì phải bơm gấp đôi lượng tiền mới tương đương bằng 3 vòng như thế. Đó là mâu thuẫn, hiệu quả thấp thì phải bơm nhiều tiền.

Đừng dị ứng tái cơ cấu

Nói đến hiệu quả thấp, tức là lại quay trở lại với vấn đề tái cơ cấu?

Nhiều người cứ dị ứng với cụm từ “tái cơ cấu”, chứ thực ra, chúng ta đã tái cơ cấu nhiều lần rồi.

Năm 1986, chúng ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang coi trọng cung cầu với đột phá khẩu là nông nghiệp. Đến năm 1997, đến khi ta ổn định được nông nghiệp, xuất khẩu được nông sản rồi, cộng thêm khủng hoảng tài chính từ Thái Lan, chúng ta mới lại tái cơ cấu một lần nữa là hướng tới xuất khẩu.

Toàn bộ thời gian từ 1997 đến 2010, doanh số tăng của chúng ta về xuất khẩu chủ yếu là ở giai đoạn này. Các tổng công ty 90, 91 là hình thành trong giai đoạn ấy, để đảm bảo được xuất khẩu. Thế thì đến bây giờ, xuất khẩu đã đến một mức nào đó rồi, chúng ta cần rút ra một bài học là phải thay đổi một lần nữa.

Một điểm đến bây giờ tôi thấy rất ít người nói, tức là hàng dệt may, hàng da giày, thủy sản… của Việt Nam vào Mỹ sẽ ngày càng khó khăn, bởi vì họ nâng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm lên.  

Năm 2000, chúng ta có cả một liên hiệp sản xuất xe đạp, mỗi năm xuất vào châu Âu 1,5 triệu sản phẩm, nhưng khi bị áp thuế chống bán phá giá thì tụt xuống chỉ còn mỗi năm 120 nghìn xe. Trong liên hiệp xí nghiệp ấy, nhiều doanh nghiệp đã “chết”.

Không phải anh cứ có khả năng mà thế giới họ đã chấp nhận, như cá tra, cá basa, như tôm… Họ “đánh” vào tên, vào chủng loại, đến chất lượng, rồi lao động trẻ em, trợ giá… cứ thế thì mình thua.  

Những cái như thế chúng ta phải học để tránh, và học thì phải tái cơ cấu.
▪  ANH QUÂN