“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Sức mua cạn kiệt

Vàng và USD tăng nóng làm cho nhà đầu tư lo ngại không dám đổ thêm tiền mua cổ phiếu. Ảnh: HỒNG THÚY

Giá vàng, USD và hàng hóa tiêu dùng tăng nóng làm cho nhà đầu tư lo lắng nên giao dịch chứng khoán thêm èo uột

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 12-10, vì cầm cự không thành nên nhiều nhà đầu tư chán nản bán tháo, làm cho chỉ số giá trên hai sàn giảm khá mạnh: VN-Index mất 1,09% và HNX-Index mất tiếp 1,2%, giá trị giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 1.211 tỉ đồng. Đây là phiên thứ 2 thanh khoản xuống thấp nhất kể từ nhiều tháng nay và chỉ bằng 1/5 so với lúc thị trường sôi động.

 
Hai vấn đề nóng
 
Mặc dù giá nhiều mã cổ phiếu đã xuống thấp đến mức không ngờ nhưng vì bị ám ảnh bởi những vấn đề nóng đang ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô nên giới đầu tư lo ngại không dám đổ thêm tiền làm cho sức mua thị trường cạn kiệt dần, giá cổ phiếu thêm xuống thấp.
 
Vấn đề nóng nhất trên thị trường hiện tại là tỉ giá USD biến động mạnh (lên gần 20.000 đồng/USD), đồng thời giá vàng cũng lên mức cao chưa từng có làm cho nhiều nhà đầu tư hoang mang, vì vậy họ bán tháo cổ phiếu gom tiền về tài khoản để chờ cơ hội, còn người mua thì không vội giải ngân.
 
Khi tỉ giá USD tăng mạnh sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu tăng giá, kích hoạt hầu hết các mặt hàng trên thị trường lên theo. Hệ lụy của việc tăng giá USD còn ảnh hưởng sâu xa đến cán cân thanh toán quốc tế. Nếu ngân hàng không mua được nhiều USD để cân đối việc nhập siêu thì Nhà nước phải bán ngoại tệ dự trữ bù vào. Trong điều kiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn thấp nếu phải xuất để bù nhập siêu thì rất đáng lo ngại.
 
 
Trong mấy ngày qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá khá mạnh. Đặc biệt nhóm lương thực và thực phẩm tăng rất cao, đang ảnh hưởng xấu tới đời sống người tiêu dùng. Nhóm này chiếm 40% quyền số trong rổ tính chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng (CPI) nên sẽ tác động khá lớn đến lạm phát sắp tới. Sau nhiều tháng kìm giữ CPI ở mức thấp, đến tháng 9, chỉ số này lại tăng vọt lên, làm cho nhà đầu tư thêm lo lắng. Sang tháng 10 tình hình vẫn chưa sáng sủa.
 
Theo thông lệ, cứ đến cuối và đầu năm do áp lực tiêu dùng của lễ, Tết nên giá hàng hóa thường tăng cao, sẽ góp phần tăng thêm lạm phát. Điều đó càng tăng thêm nỗi lo cho nhà đầu tư làm cho thị trường chứng khoán thêm ảm đạm.
 
Dòng tiền, tín dụng gây khó thị trường
 
Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương kéo lãi suất tín dụng xuống thấp (huy động 10%/năm và cho vay 12%/năm) nhưng đến nay vẫn không thực hiện được. Lãi tín dụng cao góp phần đẩy giá thành sản phẩm tăng lên làm cho doanh nghiệp (DN) khó tiêu thụ hàng hóa, giảm lợi nhuận.
 
Đặc biệt, những đơn vị có hàng xuất khẩu rất khó cạnh tranh với sản phẩm các nước khác (vì lãi tín dụng của nước ngoài phần nhiều chỉ thấp bằng 1/3 ở Việt Nam). Đó là chưa kể trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm và nghệ thuật kinh doanh thương mại của họ cao hơn. Khi lợi nhuận DN giảm, nhà đầu tư không dám đẩy giá cổ phiếu tăng lên nên thị trường khó khởi sắc.
 
Khối ngoại đã đổ vốn vào khá lớn (từ đầu năm đến nay mua ròng 11.000 tỉ đồng) nhưng thị trường vẫn thiếu hụt dòng tiền. Trong đó một phần chính do một lượng vốn khổng lồ đã chạy vào ngành ngân hàng để tăng vốn điều lệ và tăng tỉ lệ an toàn.
 
Ước tính, chỉ riêng việc tăng vốn điều lệ để đạt hạn mức tối thiểu 3.000 tỉ đồng/đơn vị đã hút của thị trường mất 51.000 tỉ đồng. Ngoài ra, nhiều DN trên sàn như: ITC, REE, HPG, HAG, VCG, KBC... đã huy động tổng cộng hàng ngàn tỉ đồng tăng vốn điều lệ, bán trái phiếu đầu tư dự án.
 
Do nguồn vốn bị hút mạnh vào ngân hàng và DN nên tiền cung ứng cho kinh doanh chứng khoán bị teo lại khiến sức mua thị trường thêm cạn kiệt.
Trần Phú Minh