“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Nhà cho người thu nhập thấp: Doanh nghiệp dọa trả lại dự án

 

 

 

 

 

 

.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xây nhà cho người thu nhập thấp chưa hấp dẫn các DN (ảnh minh họa). Ảnh:KỲ ANH

 Vẫn chưa có bất kỳ chủ đầu tư nào của 33 dự án xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển VN. Sự chờ đợi quá lâu, khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) “dọa” trả lại dự án cho địa phương.

Xây bằng vốn tự có

Sau hơn 8 tháng khi các cơ chế chính sách nhằm phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê và nhà ở cho người có thu nhập thấp (TNT) được ban hành, đến giữa tháng 1.2010, hướng dẫn cho vay vốn đối với các DN tham gia đầu tư xây dựng các dự án trên chính thức được Ngân hàng Phát triển VN (VDB) ban hành. Chưa đầy 4 tháng sau đó, Bộ Xây dựng xác nhận chủ trương đầu tư của 43 dự án trên cả nước với số vốn đề nghị cho vay gửi đến VDB lên tới 6.600 tỉ đồng.

Song cho đến thời điểm hiện nay, theo Phó TGĐ VDB – bà Đào Dung Anh, ngân hàng mới tiếp nhận hồ sơ của 4/11 dự án nhà công nhân KCN và 12/33 dự án nhà cho người thu nhập thấp. Trong số này, 2/4 hồ sơ vay vốn xây nhà cho công nhân không thuộc đối tượng vay vốn và 8/12 dự án xây nhà cho người TNT mới được thẩm định xong. Điều đáng nói trong số 8 hồ sơ xin vay vốn xây nhà cho người TNT nói trên, mới chỉ có 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị các bước để ký hợp đồng tín dụng.

Sau một thời gian dài và dù khẳng định không hề thiếu vốn, VDB đến nay vẫn chưa thể giải ngân bất kỳ đồng vốn nào cho các chủ đầu tư. Sự chậm chạp này theo nhìn nhận của VDB là chưa đáp ứng được yêu cầu, song lại bắt nguồn phần nhiều từ chính các DN. Bà Đào Dung Anh cho rằng, thực tế đến nay VDB mới chỉ nhận được 16 dự án để thẩm định. Toàn bộ 28 dự án còn lại hoặc do chủ đầu tư chưa liên hệ với VDB để chuẩn bị hồ sơ vay vốn hoặc chưa gửi hồ sơ vay vốn để ngân hàng thẩm định. “Ngoài các vướng mắc trong việc hoàn thiện hồ sơ khiến thời gian thẩm định kéo dài, có chủ đầu tư còn đơn phương rút lui khi hồ sơ xin vay vốn đã được thẩm định xong” – bà Đào Dung Anh cho biết.

Doanh nghiệp không đồng tình

Làm việc với VDB, hàng loạt chủ đầu tư lại không đồng tình với các giải thích của ngân hàng. Các quy định cũng như điều kiện phải đáp ứng nếu muốn vay vốn hỗ trợ tại VDB, theo một số DN gần như bắt chẹt. Do là đất được giao nên các DN không được cấp sổ đỏ làm tài sản thế chấp vay vốn trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (tài sản hình thành trên đất) có thể dùng thế chấp lại chỉ được cấp khi dự án hoàn thành. Chủ tịch HĐQT Cty CP đầu tư phát triển đô thị Sơn An - ông Nguyễn Khắc Sơn bức xúc, DN hiện đã tạm ứng cho các nhà thầu tới 33 tỉ đồng trong khi tổng vốn đầu tư dự án nhà cho người có TNT triển khai tại Đồng Nai là 55 tỉ đồng. “Chúng tôi phải vay vốn tại các NHTM với lãi suất 17-18%/năm để làm, nếu VDB không cho vay vốn hỗ trợ, chúng tôi sẽ tiếp tục vay và làm cho xong nhưng sẽ trả lại dự án xây dựng nhà ở công nhân cho UBND tỉnh” – ông Nguyễn Khắc Sơn thẳng thắn.

Gửi hồ sơ vay vốn đến VDB từ cuối năm 2009 nhưng đến nay, theo ông Bùi Đức Long – TGĐ Cty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon - DN vẫn chưa được giải ngân trong khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện để vay vốn. Một điều đáng nói là cho đến nay, Vincon đã bán được 300/1.000 căn hộ trong lô đầu tiên và đến tháng 4.2011 sẽ hoàn thành dự án. “VDB phải cho các DN một kế hoạch giải ngân cũng như tổng vốn hỗ trợ cụ thể, nếu không rất nhiều DN sẽ rút khỏi các dự án này” – ông Bùi Đức Long cũng khẳng định. Nếu không tiếp cận được vốn hỗ trợ, Vincon sẽ trả lại dự án xây dựng 2.000 căn hộ tiếp theo cho Đà Nẵng.

Việc phải vay vốn với lãi suất thị trường tại các NHTM để xây dựng nhà ở cho người có TNT theo các chủ đầu tư sẽ đi ngược với chủ trương. Bản thân DN triển khai dự án cũng đối mặt với thua lỗ khi giá bán phải đảm bảo chủ trương nhà ở cho người có TNT và khả năng của người mua. Dù có nhiều vướng mắc song đa phần các DN đều nhìn nhận, quy định về thế chấp tài sản bảo đảm tiền vay hiện là rào cản lớn nhất khiến DN không tiếp cận được vốn vay. Thừa nhận việc không giải ngân được cho bất kỳ dự án nào cũng là vướng mắc của VDB, song TGĐ VDB – ông Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn, vướng mắc về tài sản đảm bảo không phải lỗi của VDB và vượt tầm xử lý của VDB cũng như của Bộ Xây dựng. “Đây là vướng mắc liên quan đến luật và VDB sẽ không thể cho vay nếu không đúng quy định” – ông Nguyễn Quang Dũng nói.

Văn Nguyễn