“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Khơi thông dòng vốn đầu tư

Căn hộ dự án cao ốc Phố Đông Hoa Sen được chào bán đầu tháng 7-2010.

 Ảnh: TẤN THẠNH

Những con số khá lạc quan về kinh tế 6 tháng đầu năm đã được công bố nhưng hai lĩnh vực chính để đo “sức khỏe” của đầu tư là thị trường chứng khoán và bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc

Cần lạc quan một cách thận trọng. Đó là thông điệp chính mà các diễn giả đã đưa ra tại hội nghị đầu tư năm 2010 vừa diễn ra vào cuối tuần qua tại TPHCM.

 
Ngân hàng khó đạt tăng trưởng tín dụng
 
Theo Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Lê Đức Thúy,  lạm phát của tháng 7 và tháng 8 khoảng dưới 0,3%. Bốn tháng còn lại khoảng 0,5%. Tính chung, lạm phát cả năm khoảng 8%. “Tuy vậy, chúng ta không nên quá lạc quan mà phải lạc quan một cách thận trọng, bởi có nhiều vấn đề liên quan đến tiền tệ - tín dụng cần được tháo gỡ sớm trong một, hai tháng tới”. Ông Alan T. Phạm, Trưởng kinh tế gia Công ty Chứng khoán Vina (thuộc VinaCapital), cho rằng nguồn vốn chưa được khơi thông. Doanh nghiệp (DN) cần vốn nhưng lại chờ lãi suất giảm nhiều hơn. Ngân hàng cũng có cách “trốn” cho vay lãi suất thấp bằng cách bỏ tiền vào trái phiếu nếu như lợi nhuận biên chênh lệch không cao.
 
 “Doanh thu của ngân hàng sẽ khó khăn khi phụ thuộc nhiều vào tín dụng, đó cũng là lý do làm cho nền kinh tế chậm lại do thiếu vốn”- ông Alan T. Phạm khẳng định. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia lo ngại mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay khó đạt được. Bởi 6 tháng đầu năm, con số này chỉ hơn 10%. Ngoài ra, ông Thúy còn cho biết mức tăng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước - DN tư nhân thấp hơn so với cùng kỳ; đồng thời, hàng tồn kho của công nghiệp chế biến tăng 27,5% so với cùng kỳ cũng là một trong những lý do cản trở DN vay vốn.
 
Doanh nghiệp đói vốn
 
Trong khi các chuyên gia lo tăng trưởng tín dụng không đạt 25% trong năm nay thì DN bất động sản và các ngân hàng chưa đủ vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng lại băn khoăn chuyện đói vốn. TS Lê Chí Sĩ, Giám đốc chiến lược Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (ThuDuc House), cho rằng để thị trường bất động sản phát triển ổn định thì yếu tố nguồn vốn là quan trọng nhất. Thông thường, DN bất động sản vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20%, vốn từ khách hàng 20%, còn lại là đi vay nhưng cửa ngân hàng hiện nay rất hẹp.
 
 Mặt khác, cả ba hình thức trên đều rủi ro vì chưa có hành lang pháp lý và vướng mắc chính sách, bởi hình thức được xem là phổ biến như “hợp đồng góp vốn” vẫn chưa được pháp luật thừa nhận. Theo bà Đàm Bích Thủy, Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ VN, ngoài việc gõ cửa ngân hàng, thu hút vốn từ cổ đông, DN có thể tiếp cận nguồn vay tương đối dài hạn là phát hành trái phiếu. Dù lãi suất tương đối cao nhưng DN thường chỉ trả lãi, còn phần gốc sẽ được trả vào cuối kỳ.

Gỡ vốn qua chính sách tiền tệ

 
Vấn đề cốt lõi của dòng vốn hiện nay, theo ông Lê Đức Thúy, sẽ được tháo gỡ một phần nếu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một số cơ chế về chính sách tiền tệ như quy định về thị trường liên ngân hàng – chỉ cho phép các ngân hàng được sử dụng 20% vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng để cho vay; ngân hàng không được tính các tài khoản tiền gửi vãng lai, thanh toán của các ngân hàng bạn vào nguồn tiền tín dụng để cho vay vì vậy sẽ khó khăn. Chưa kể, tới đây sẽ nâng hệ số an toàn vốn (CAR) từ 8% lên 9% và việc quy định chi nhánh các ngân hàng nước ngoài cho vay trên vốn được cấp tại chi nhánh...

P.Đình

 

SƠN NHUNG