“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Giải phóng xăng dầu Dung Quất

 
 
Kiểm tra chất lượng xăng ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã nhất trí chia sẻ lợi ích với nhau, tăng mua sản phẩm của nhà máy này đến mức tối đa

Chiều 7-10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) về việc giải phóng hàng tồn kho cho Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (Báo NLĐ ngày 5-10 đã thông tin), tránh phải chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu làm tăng thêm gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế.

 
Tồn kho 175.000 m3 sản phẩm
 
Thông tin chính thức được ông Nguyễn Sinh Kháng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN), chủ đầu tư dự án NMLD Dung Quất, đưa ra tại cuộc họp này là Dung Quất đang tồn kho 175.000 m³ sản phẩm các loại.
 
Nếu từ nay đến cuối năm vẫn chạy hết công suất và không ký thêm được hợp đồng tiêu thụ mới, sản lượng tồn kho có thể lên đến khoảng 750.000 m³. Hiện nay, mỗi ngày NMLD Dung Quất sản xuất ra 20.000 m3 sản phẩm các loại, gồm xăng, dầu DO, FO... và xăng máy bay ZA1.
 
Nguyên nhân dẫn đến tồn kho là trong thời gian đầu vận hành, NMLD Dung Quất chưa ổn định công suất. Năm ngoái, NMLD Dung Quất đã không đạt sản lượng kế hoạch đề ra khiến các DN tiêu thụ rơi vào cảnh bị động.
 
Rút kinh nghiệm, năm nay, DN buộc phải ký hợp đồng nhập khẩu nhiên liệu với đối tác nước ngoài ngay từ đầu năm với số lượng bảo đảm tiêu thụ cho nền kinh tế cả năm.
 
 
Nhưng trong thực tế, sản lượng của NMLD Dung Quất năm 2010 lại tăng 20% so với kế hoạch đề ra trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao như dự báo. Điều này dẫn đến nghịch lý là xăng dầu trong nước tồn kho rất lớn nhưng DN vẫn phải chi ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu về tiêu thụ.
Có hai tình huống đặt ra: Tăng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước, giảm nhập khẩu hoặc giảm công suất nhà máy.
 
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã chỉ đạo các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu trong quý IV năm nay dãn kế hoạch nhập khẩu đối với các hợp đồng đã ký để tiêu thụ sản phẩm nội địa đang dư thừa.
 
Các DN lớn như Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex), Công ty Xăng dầu Quân đội... cần có trách nhiệm đi đầu trong việc bao tiêu sản phẩm nội địa. PVN chịu trách nhiệm làm việc, đàm phán với từng đơn vị tiêu thụ xăng dầu. Chậm nhất trước ngày 15-10, PVN và các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phải báo cáo với Bộ Công Thương về kế hoạch bao tiêu sản phẩm Dung Quất.
 
Các đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu và NMLD Dung Quất đã cơ bản nhất trí chia sẻ lợi ích với nhau, tăng sản lượng mua sản phẩm của Dung Quất đến mức tối đa có thể. Đối tác lớn nhất là Petrolimex đã đồng ý tăng sản lượng tiêu thụ.
 

9 tháng, chi 4,87 tỉ USD nhập xăng dầu

Tháng 9-2010, cả nước nhập khẩu khoảng 750.000 tấn xăng dầu, trị giá 454 triệu USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu đạt khoảng 4,87 tỉ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2009.

Xăng dầu các loại nhập về VN trong 8 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia...

(Nguồn: Bộ Công Thương)

“Đây là chia sẻ về lợi ích kinh tế nên có thể giữa các bên sẽ đưa ra một mức giá nào đó cho phù hợp với tình hình hiện nay. Cũng có thể Nhà nước phải can thiệp vào giá để giải quyết tình trạng này”- một lãnh đạo DN tiết lộ. Trường hợp tiêu thụ không kịp, hàng tồn kho không có chỗ chứa, Petrolimex sẵn sàng cho NMLD Dung Quất gửi hàng nhờ tại kho.
 
Đề nghị hàng đổi hàng
 
Một nghịch lý nữa là hiện nay, xăng máy bay ZA1 của Dung Quất đã xuất khẩu cho Công ty BP Singapore 4.500 tấn “để chứng minh sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng” nhưng VN vẫn phải nhập khẩu 100% sản phẩm này cung cấp cho các hãng hàng không nội địa và quốc tế có đường bay đến VN.
 
Tại cuộc họp, ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco), cho biết sẵn sàng mua hết sản lượng xăng máy bay ZA1 của NMLD Dung Quất. Năm nay, Vinapco đã bớt hạn ngạch nhập khẩu 200.000 tấn để dự định mua của Dung Quất nhưng chưa mua được vì sản phẩm của Dung Quất chưa làm thủ tục đăng ký để tiêu thụ nội địa.
 
Trong trường hợp không hoàn tất kịp thủ tục đăng ký trong tháng 10 như dự kiến, Vinapco đề xuất được áp dụng phương thức hàng đổi hàng để sử dụng vào mục tiêu khác. Cụ thể là Vinapco mua xăng ZA1 của NMLD Dung Quất để đổi cho các đối tác nước ngoài của Vinapco lấy nhiên liệu ZA1 hợp chuẩn về tiêu thụ trong nước.
 
Như vậy, NMLD Dung Quất giảm được hàng tồn kho, Vinapco giải được bài toán thiếu ngoại tệ nhập khẩu. Sau khi hoàn tất thủ tục tiêu thụ nội địa, Vinapco sẽ bao tiêu hết sản phẩm xăng ZA1 của NMLD Dung Quất.
Tô Hà