“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Đuổi theo giá USD

Ngày 17-2, chênh lệch tỷ giá USD giữa chợ đen và ngân hàng
trở lại mức 1.100 đồng/USD.

 

Hôm qua (17-2), thị trường ngoại tệ tự do chứng kiến ngày thứ 3 liên tiếp (không kể hai ngày nghỉ) tỷ giá VND/USD tăng. Mức tăng cộng dồn, kéo khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá ở chợ đen so với ngân hàng lên tới 1.100 đồng/USD, gần bằng mức chênh lệch trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 9,3%. Điều gì đang diễn ra?

Hôm qua, mặc cho tỷ giá liên ngân hàng giảm 15 đồng/USD, xuống còn 20.683 đồng/USD, giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng chạm mốc 22.000 đồng/USD.

Cùng với sự điều chỉnh giảm của giá USD tham chiếu, các ngân hàng cũng đồng loạt đưa giá USD giảm 15 đồng/USD. Giá bán được niêm yết phổ biến ở mức 20.890 đồng/USD, giá mua cũng dao động quanh 20.535 - 20.880 đồng/USD.

Trong khi đó, trên thị trường tự do đã xảy ra tình trạng loạn giá và ngưng giao dịch tại một số điểm thu đổi ngoại tệ. Đến cuối ngày, giao dịch được thực hiện quanh mức giá 21.910 - 22.000 đồng/USD, tăng lần lượt 110 - 120 đồng mỗi USD ở chiều mua và bán so với ngày trước đó, bỏ xa giá niêm yết tại các ngân hàng tới 1.100 đồng/USD.

Lý giải về tình trạng tăng tỷ giá trên thị trường tự do, một chuyên gia ngân hàng, nói: “Do chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và ngân hàng tồn tại quá lâu nên khi có quyết định tăng tỷ giá của NHNN, tạo tâm lý thị trường té nước theo mưa. Những người găm giữ USD thì kỳ vọng tỷ giá còn tăng, trong khi đó tình trạng thiếu hụt USD là có thật, bởi Việt Nam luôn nhập siêu”.

Còn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định, việc điều chỉnh tỷ giá có mục đích khơi thông thanh khoản trên thị trường, kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời giảm nhập siêu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện đã xảy ra phản ứng phụ ngoài tầm kiểm soát. Đó chính là mục tiêu khơi thông thanh khoản không đúng như kỳ vọng.

Thực tế cho thấy, những người nắm giữ USD lại tiếp tục găm vì mục tiêu lợi nhuận, còn những người không có USD lại chuyển sang mua USD về cất giữ thay vì gửi tiền tại các ngân hàng. Điều này khiến cho nguồn cung USD càng giảm mạnh, trong khi cầu lại tăng, thêm vào đó là áp lực về nhu cầu USD cho nhập khẩu đã đẩy tỷ giá tăng.

Cách nào ổn định tỷ giá?

Trả lời câu hỏi trên, vị chuyên gia ngân hàng trên cho biết: “Trước mắt, để ổn định thị trường, NHNN cần có động thái can thiệp kịp thời, bán ngoại tệ theo giá niêm yết của ngân hàng. Bên cạnh dó, phải tăng cường kiểm soát, buộc các ngân hàng thương mại phải thực hiện đúng quy định về kết hối ngoại tệ, để buộc các doanh nghiệp xuất khẩu khi thu được ngoại tệ về phải bán cho ngân hàng theo đúng quy định.

“Thực tế hiện nay, do sợ khách hàng bỏ đi ngân hàng khác, nhiều ngân hàng thương mại không thực hiện nghiêm quy định trên. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ găm giữ luôn, nguồn cung ngoại tệ càng khan. Về lâu dài, Chính phủ cần thực hiện triệt để việc chống tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Chứ cứ để việc thanh toán bằng ngoại tệ tràn lan ngay ở Việt Nam thì rất khó kiểm soát”, ông nói.

Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, để ổn định tỷ giá, thứ nhất phải giảm nhập siêu bằng cách tăng cường các hàng rào kỹ thuật; kèm theo đó là giảm bội chi ngân sách, giảm quy mô đầu tư cho các dự án, rà soát chặt chẽ để tìm ra dự án nào thật sự hiệu quả mới thực hiện.

Ngoài ra, không nên tiếp tục tăng lãi suất tiền đồng Việt Nam, bởi lãi suất cao sẽ kéo lạm phát tăng, khiến tỷ giá tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, cần chú trọng ổn định tâm lý thị trường. “Thực hiện đồng bộ các chính sách về tiền tệ, tài chính, đầu tư, xuất nhập khẩu và tâm lý xã hội sẽ giúp kìm cương tỷ giá và ổn định nền kinh tế” - ông Dương nói.

Diễn biến thị trường sau 5 ngày điều chỉnh tỷ giá

Ngày 11-2: Sau quyết định điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% lên mức 20.693 đồng/1USD vào buổi sáng, đến chiều 11-2 giá USD trên thị trường tự do vọt lên mức 21.400 đồng và 21.550 đồng/USD mua vào - bán ra.

Ngày 14-2: Sau hai ngày nghỉ cuối tuần, đến chiều 14-2, giá USD trên thị trường tự do tăng thêm 10 đồng, vọt lên 21.710 đồng/USD. Giá thu gom được đẩy lên 21.620 đồng/USD.

Ngày 16-2: Giá USD trên thị trường tự do tiếp tục phi mã, tăng thêm 100 đồng, đạt mức 21.850 đồng/USD bán ra. Giá mua vào cũng được đẩy lên 21.720 đồng/1USD.

Ngày 17-2: Giá USD thị trường tự do tăng thêm 70 đồng, đạt mức 21.950 đồng/USD mua vào và 22.050 đồng/USD bán ra. 

Giá vàng chạm 37 triệu đồng/lượng

Trong khi giá vàng thế giới không biến động nhiều, giá vàng trong nước ngày hôm qua tiếp tục dao động với biên độ mạnh, lập kỷ lục mới kể từ đầu năm 2011 khi đạt mốc 37 triệu đồng/lượng.

Lúc 9 giờ 43 phút, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 36,92- 36,99 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 250.000 - 240.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua và bán so với ngày hôm trước, sau 9 lần điều chỉnh, giá vàng SBJ lúc 9 giờ 45 phút cũng niêm yết ở mức 36,93 - 36,99 triệu đồng/lượng.

Đến cuối ngày, giá chỉ giảm nhẹ đôi chút. Cụ thể, mỗi lượng vàng SJC có giá 36,88 – 36,95 triệu đồng, giảm 40.000 đồng ở cả chiều mua và bán. Giá mua bán vàng miếng trên thị trường tự do cũng dao động quanh 36,90 - 37 triệu đồng/lượng.

Nguyễn Hiền


Nhóm P.V