“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Cần cơ chế bảo hiểm cho nhà đầu tư

 
Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính VN (Vafi) vừa đề xuất xây dựng một cơ chế bảo hiểm cho tiền và CK của NĐT trong các tình huống CTCK giải thể, phá sản hay lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính mà không có khả năng đền bù thiệt hại cho NĐT.

Lường trước rủi ro

Vài năm qua đã có tình trạng một số CTCK giải thể hoặc không đủ tư cách thành viên phải “giải tán” tài khoản của khách hàng sang cho những CTCK khác. Tuy nhiên, mọi việc đều diễn ra “êm thấm” và không có thiệt hại nào cho NĐT. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu CTCK tách bạch tài khoản tiền của NĐT tạo cảm giác tiền của khách hàng được an toàn hơn trong ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tài sản của NĐT đã được bảo vệ trong những tình huống xấu.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Vafi, có nhiều tình huống mà CTCK có thể lâm vào tình trạng giải thể, phá sản và có thể làm mất vốn và tài sản của NĐT. Chẳng hạn, CTCK quản trị kém, vay nợ nhiều hoặc chiếm dụng vốn của NĐT dùng cho mục đích kinh doanh, khi khả năng tài chính kém, cộng với khả năng chiếm dụng vốn và tài sản NĐT xảy ra, khó có khả năng chi trả thì có thể dẫn tới một số NĐT bị mất vốn.

Trường hợp có khả năng xảy ra nhiều hơn là Cty không quản lý được các nhân viên dưới quyền, có thể xảy ra tình huống một nhóm nhân viên liên kết với nhau, chiếm dụng nhiều tài sản và tiền của NĐT để kinh doanh CK nhưng bị thua lỗ lớn trong khoảng thời gian dài. Khoản thua lỗ đó nếu lớn hơn tài sản của CTCK thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho NĐT?...

“Mặc dù hiện tại CTCK đã thực hiện tách biệt tài khoản tiền gửi của NĐT, nhưng điều đó cũng không loại trừ được rủi ro vì về cơ bản vẫn là tài khoản tổng. Mặt khác tài khoản CK vẫn do CTCK quản lý. Nếu có xảy ra tình trạng lừa đảo, lạm dụng tài khoản thì mặc dù đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự thì NĐT vẫn bị thiệt hại.

Thực tế các vụ lừa đảo lớn hay CTCK phá sản gây tổn thất cho NĐT tại VN vẫn chưa xảy ra, nhưng không thể khẳng định điều đó trong tương lai. Nếu CTCK phá sản theo đúng luật thì không có vấn đề gì, nhưng nếu CTCK phá sản mà có hiện tượng lừa đảo, chiếm dụng tài khoản của khách hàng thì xử lý thế nào? NĐT được bồi thường ra sao?” - ông Hải nói.

Cần một quỹ bảo hiểm

Hiện trong lĩnh vực ngân hàng, tiền gửi của dân được bảo hiểm bởi tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Dù ngân hàng có lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán thì tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo vệ. Cơ chế này cũng đã trở thành thông lệ tại các TTCK phát triển.

Theo luật sư Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Vafi - Mỹ tồn tại một Cty bảo vệ NĐT CK viết tắt là SIPC. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận với các thành viên là các nhà  môi giới, kinh doanh CK và một số tổ chức trung gian khác. Nhiệm vụ chính của SIPC là hoàn trả CK, tiền cho NĐT trong trường hợp Cty môi giới và kinh doanh CK bị phá sản; Cty gặp khó khăn về tài chính và tài sản của NĐT bị mất. Nguồn tài chính của SIPC chủ yếu do các thành viên của tổ  chức đóng góp.

Đài Loan cũng thành lập Trung tâm bảo vệ NĐT CK (SFIPC) với nguồn hoạt động do thành viên đóng góp. SFIPC có nhiệm vụ đại diện NĐT tham gia tranh tụng với CTCK, sở giao dịch hay trung tâm thanh toán bù trừ; chất vấn tình hình hoạt động tài chính của các tổ chức phát hành, các CTCK; cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư, kinh doanh CK và các sản phẩm tương lai.

Ngoài ra, SFIPC còn có các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo sự ủy nhiệm của Ủy ban CK. Hồng Kông cũng có Cty đền bù NĐT (ICC), có  nhiệm vụ tiếp nhận, đánh giá và đưa ra quyết định về yêu cầu bồi thường đối với các Cty môi giới trung gian. ICC liên lạc với NĐT, xem xét chấp thuận yêu cầu bồi thường, xác định mức bồi thường, thu thập thông tin và báo cáo liên quan và ra quyết đình bồi thường, lịch thanh toán và thực hiện việc bồi thường.

Theo luật sư Tuấn, tất cả các TTCK phát triển đều có định chế bảo vệ quyền lợi NĐT do nhà nước xúc tiến thành lập, VN cũng cần thành lập Cty bảo vệ  NĐT. Đây là nội dung cần xem xét đưa vào dự thảo Luật CK sửa đổi. Những nền tảng chung là cần quy định trong luật để thành lập và điều hành quỹ đền bù do một cơ quan công cộng quản trị. Quỹ thường có nguồn từ đóng góp của thành viên và Nhà nước hỗ trợ tài chính khi cần. Sau cùng, có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể qua đó một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Hoàng Nguyên