Tháng 5, giá trị xuất khẩu kim loại quý, đá quý ước đạt 60 triệu USD, tăng gấp 4 lần tháng trước, nâng kim ngạch từ đầu năm lên hơn 2,6 tỷ USD. Tuy nhiên, đà tăng này không còn đủ sức duy trì thế xuất siêu vốn rất mong manh của Việt Nam.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này cao gấp 33 lần.
Một nguồn tin từ Hiệp hội Kinh doanh vàng bạc đá quý cho hay, lượng vàng miếng xuất khẩu trong tháng 3 và tháng 4 lên đến gần 70 tấn, gần bằng kim ngạch nhập khẩu của cả năm ngoái. Cũng theo nguồn tin này, có thể lượng vàng dự trữ trong dân không còn nhiều, nên giao dịch vẫn trầm lắng cho dù giá lên cao kỷ lục.
Trong biểu số liệu xuất nhập khẩu do Tổng cục Thống kê công bố hôm nay, vàng miếng vẫn được xếp chung vào nhóm hàng kim loại quý, đá quý, cho dù gần đây nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nên tách ra bởi vàng miếng là một phương tiện thanh toán, không phải hàng hóa. Các chuyên gia này cho rằng, đưa vàng miếng vào danh sách các mặt hàng xuất khẩu có thể tạo cái nhìn không thực tế về tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Trong hai tháng 3 và 4, vàng miếng là một nhân tố giúp giữ cán cân thương mại ở thế xuất siêu.
Tuy nhiên, tháng 5, cán cân thương mại đã xoay chiều. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,4 tỷ USD, cao hơn tháng trước gần 200 triệu USD, song nhập khẩu tăng 450 triệu USD lên 5,9 tỷ USD. Tính chung cả 5 tháng, Việt Nam thu 22,86 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu, trong khi chi gần 24 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa dịch vụ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước giảm 6,8% so với cùng kỳ. Ngoài kim loại quý và đá quý, có thêm 3 nhóm hàng nông sản gồm chè, gạo và sắn vẫn tăng trưởng kim ngạch (trên 10%). Tất cả các nhóm hàng còn lại đều giảm kim ngạch so với cùng kỳ. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 44%, cho dù lượng xuất vẫn tăng 22,5%. Dệt may giảm nhẹ 1,8%; giày dép giảm 10,1% và thủy sản giảm 9,1% kim ngạch.
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng giảm tới 37% so với cùng kỳ, song nếu tính riêng tháng 5 so với tháng tư đã có dấu hiệu phục hồi. Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các nhóm hàng từ tiêu dùng cho tới nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị đều nhích lên hoặc tăng mạnh so với tháng 4. Điển hình là nhập khẩu giấy (tăng 33%); sợi dệt (20,3%); điện tử, máy tính linh kiện (tăng 12%) và máy móc, thiết bị (tăng 16%). Nhập khẩu ôtô xe máy nguyên chiếc cũng tăng trở lại, lần lượt tăng 14 và 18% so với tháng 4.