Công ty CP bánh kẹo Biên Hòa vừa đầu tư dây chuyền sản xuất bánh Hura này, nay sắp di dời, thiệt hại không lường. Ảnh: Ngô Sơn
Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (Đồng Nai) là KCN được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam. Việc chuyển đổi công năng KCN là vấn đề chưa hề có tiền lệ ở Việt Nam. Theo đề án do Tổng Cty Phát triển KCN Sonadezi lập thì sang năm 2011 sẽ bắt đầu thực hiện việc chuyển đổi công năng KCN này.
Năm 2007, Lao Động đã có bài cảnh báo nhưng đến tận giờ này, những phương án do Sonadezi đưa ra sau nhiều năm xây dựng vẫn khiến cả trăm DN ở đây lo sợ bị bại sản...
Biến khu công nghiệp thành đô thị...
KCN Biên Hòa 1 (trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hoà) nằm ở phường An Bình, thành phố Biên Hoà, giáp sông Đồng Nai, được xây dựng từ năm 1963 trên diện tích 323ha và là KCN được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam.
Với các phương án mà Sonadezi vừa đưa ra mới đây thì 1 sẽ bị xóa sổ, thay vào đó là khu tài chính và với hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, khách sạn cao cấp và khu chung cư cao cấp có đầy đủ tiện ích, cao ốc văn phòng, nhà hàng, siêu thị, hồ bơi, sân tennis, trường đại học.
Lộ trình chuyển đổi được thực hiện thành 3 giai đoạn - bắt đầu từ 2011 và dự kiến hoàn tất vào năm 2022 - với tổng giá trị dự kiến khoảng 12.660 tỉ đồng. Nơi ở mới của các doanh nghiệp sẽ là KCN Giang Điền, được đánh giá là đắc địa khi nằm gần các tuyến đường cao tốc và sân bay quốc tế Long Thành sắp sửa được xây dựng.
Tiền hỗ trợ như muối bỏ biển...
Khi chuyển đổi, sẽ có hơn 100 DN ở đây phải di dời. Tuy nhiên, theo chính khảo sát của cơ quan chức năng tại 75 DN thì có tới 44% DN không muốn di dời và 25% số còn lại muốn được tự đầu tư chuyển đổi công năng khu đất theo quy hoạch chung.
Về nguyên nhân, theo các DN thì các phương án mà Sonadezi đưa ra tại cuộc họp mới đây giữa DN với Ban chỉ đạo Dự án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 chưa lường hết sự thiệt hại của DN. Điển hình, tài sản của Cty CP đường Biên Hòa tới 120 tỉ đồng, việc di chuyển máy móc thiết bị 1 nhà máy đường phải tốn cỡ 20 tỉ đồng. Trong khi đó, việc chỉ hỗ trợ tối đa cho DN... 500 triệu đồng thì DN thiệt hại thê thảm là chắc chắn.
“Đau” nhất là các DN vừa mới đầu tư vào KCN Biên Hòa 1. Cụ thể, Cty hóa chất Biên Hòa có 3 nhà máy tại KCN Biên Hòa 1, trong đó một nhà máy vừa chuyển từ Q. Tân Bình - TPHCM về đây. "Đặc thù của ngành là sản xuất hóa chất, không có khái niệm di dời nhà máy mà phải đầu tư mới hoàn toàn, số tiền rất lớn. Nên nói là di dời, chứ thực tế chúng tôi lại phải đầu tư cùng lúc 3 nhà máy mới. Trong thời gian di dời, chắc chắn DN không giữ được khách hàng, những thiệt hại này chưa thấy đặt ra trong phương án di dời, hỗ trợ" – đại diện Cty hóa chất Biên Hòa bức xúc!
Nhiều DN khác - điển hình như Cty cơ giới 9 - cho rằng, phần lớn tài sản cố định DN đã khấu hao xong, giá trị tài sản còn lại trên giấy tờ không đáng kể, vì vậy khoản bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định không đủ để DN xây dựng nhà máy mới.
Mất khách hàng, tan lao động
Đại diện Cty dây đồng Việt Nam CFT cho rằng, DN không thể vừa sản xuất lại vừa di dời mà phải ngừng hẳn ít nhất 18 tháng để lắp đặt máy móc. Chưa nói thời gian di dời, thời gian ngừng sản xuất, DN tất yếu sẽ mất khách hàng. Mà khách hàng của Cty là nhà phân phối, cung cấp, nhà thầu công trình chứ không phải là người tiêu dùng thông thường. Trong trường hợp để giữ các đơn hàng nhằm duy trì “sự sống” cho DN, phải nhập khẩu sản phẩm của các đối tác liên doanh để phân phối thì DN có được hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu không? Việc mất khách hàng liệu có khoản bồi thường nào thỏa đáng?
Ở các KCN miền Nam hiện nay, tình trạng khan hiếm nguồn lao động lớn; đặc biệt ở KCN Biên Hòa 1, với sự tồn tại lâu đời, lại ở ngay “trung tâm” tam giác kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ nên có lực lượng lao động cao cấp nhiều mà điển hình là Cty cơ giới 9 hiện có gần 1.000 cán bộ công nhân viên và 3 khu cư xá trong KCN Biên Hòa 1. Vì vậy, đại đa số các DN nhìn thấy trước rằng khi di dời về KCN Giang Điền hay các KCN khác, khoảng cách phải di chuyển xa thêm từ 20 đến 60km thì chắc chắn nguồn lao động, đặc biệt người có trình độ chất xám, tay nghề cao có nguy cơ rơi rụng.
“Những Cty may mặc, thực phẩm có lượng lao động lớn chắc chắc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Di dời nhà máy, nhưng chúng tôi không cách gì di dời hàng ngàn lao động vì hiện còn phải đi “săn” và tìm mọi cách giữ chân họ! Mà nhà máy không người làm thì... thành nhà máy chết!” - một DN bức xúc!
Ngô Sơn