“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

VN-Index lần thứ ba không vượt được 550 điểm:Chứng khoán thiếu thông tin hỗ trợ

Nhiều CTCK thông báo tăng lãi suất sử dụng dịch vụ cho vay cầm cố CK.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
(LĐ) - Ngày 17.11, điểm khá mới trên một số sàn giao dịch là truyền hình được mở kênh trong nước để NĐT có thể theo dõi trực tiếp phiên trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung phần lớn vẫn xoay quanh những điều thị trường đã biết từ lâu nhưng theo bình luận của một số NĐT, thông tin về chính sách nhập khẩu vàng hay kiểm soát quy mô tín dụng, tỉ giá có thể sẽ tác động đến thị trường.

Câu chuyện về thắt chặt tín dụng

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, trong 10 tháng đầu năm 2009, NHNN không phát hành thêm tiền để mở rộng tín dụng. Các tổ chức tín dụng phải sử dụng vốn huy động và vốn tự có để cho vay. Do tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, tín dụng có xu hướng tăng cao nên từ tháng 6.2009 đến nay, NHNN đã chủ động, thận trọng để kiểm soát quy mô và chất lượng tín dụng ở mức hợp lý.

"Việc kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN không dùng biện pháp hành chính. Nguồn huy động hiện đang giảm thấp và các NHTM phải tự vận động. Tháng 4-5-6 huy động bình quân 3%, nhưng nay chỉ 1% tháng. Tốc độ tăng tín dụng bình quân mỗi tháng của quý II là 4,24%/tháng, từ tháng 8 đến tháng 10 chỉ còn tương ứng 2,47%, 3,32% và 2,39%. Tốc độ tăng này sẽ còn thấp hơn trong 2 tháng cuối năm. Huy động thấp thì tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại", ông Giàu nói.

Đối với NĐT trên TTCK, những biểu hiện của việc thắt chặt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng rất cụ thể: Nhiều NĐT cho biết, đã nhận được thông báo từ các CTCK về việc tăng lãi suất sử dụng dịch vụ ứng trước tiền bán hay cho vay cầm cố cách đây vài tuần. Điều đó có nghĩa là vay mượn tiền từ hệ thống ngân hàng không còn dễ dàng nữa và muốn vay phải chấp nhận một mức phí cao hơn.

Mặc dù hiện tại việc sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT không còn nhiều, nhất là với những người đã thoát khỏi thị trường, nhưng việc hạn chế cho vay đã chứng tỏ các ngân hàng đang phải tự cân đối khả năng của mình, nhất là trong thời điểm cuối năm khi nhu cầu vốn thường tăng cao.
 
Xu hướng gia tăng lãi suất huy động vẫn đang tiếp diễn, nhưng mức chênh lệch lãi suất biên ròng ngày càng hẹp lại khiến lợi nhuận từ lãi của nhóm ngân hàng khó có thể khả quan những tháng cuối năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến CP ngân hàng tiếp tục bị "thất sủng".

Câu chuyện tỉ giá - NĐTNN lo ngại?

Theo phân tích của một NĐT chuyên nghiệp, hiện tại câu chuyện tỉ giá đang là vấn đề được các tổ chức quan tâm. Rủi ro tỉ giá không phải là chuyện nhỏ vì mức chênh lệch tỉ giá so với vài năm trước đã rất cao. NĐTNN đem USD vào đầu tư trong nước sẽ gánh chịu rủi ro này khi đổi ra được ít USD hơn. Một điểm ít được chú ý là giao dịch trái phiếu trên cả hai sàn đối với NĐTNN đã đóng băng từ tháng 9.2009 đến nay.

Báo cáo vừa công bố của HSBC cho rằng: "Mối lo ngại chính lúc này là tình trạng thâm hụt thương mại khi kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu. Tháng 10 vừa qua đã chứng kiến mức thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế tới 1,9 tỉ USD".
 
Theo Thống đốc NHNN, tỉ giá đang bị sức ép rất lớn: "So với 2008, xuất khẩu giảm nhanh (dự kiến 9,9%), FDI dự báo giảm 16,5%. 10 tháng đầu năm FII chảy ra khoảng 500 triệu USD. Kiều hối giảm từ 1-1,2 tỉ USD, khách quốc tế giảm 16,3% trong 10 tháng... Điều này gây sức ép lên tỉ giá".

Một điểm đáng chú ý được đưa ra là việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ không làm gia tăng thâm hụt thương mại, ảnh hưởng đến tỉ giá như nhiều người lo ngại. Thực tế vàng trong nước khá dồi dào. Từ năm 2005 đến 2008 nhập 279 tấn vàng trong khi mới cho xuất khẩu từ cuối năm 2008 đến nay chỉ có 37 tấn. Giá vàng trong nước vừa qua tăng không phải do chênh lệch cung cầu nên mức độ nhập vàng sẽ rất hạn chế.

Theo HSBC, mặc dù triển vọng tăng trưởng GDP năm 2010 vẫn ở mức khoảng 6,8% nhưng "không cho rằng NĐTNN sẽ sớm trở lại mạnh mẽ trong khi các chỉ số vĩ mô vẫn còn yếu". Thực tế trong hơn một tuần trở lại đây, NĐTNN vẫn tiếp tục mua ròng trên TTCK nhưng quy mô khá yếu. HSBC vẫn căn cứ vào chỉ số P/E 2009 khoảng 19,1 lần (thời điểm ngày 12.11) và cho rằng thị trường Việt Nam đang đắt hơn khu vực khi Thái Lan là 11,4 lần, Trung Quốc: 14,7 lần...

Câu chuyện về thanh khoản

Theo ý kiến của nhiều NĐT, nội dung cuộc chất vấn của Thống đốc NHNN có thể ảnh hưởng tùy nhận định của từng người. Đối với NĐT bi quan và cẩn trọng, những vấn đề liên quan đến tín dụng hay tỉ giá vẫn được quan tâm.

"Nhìn chung nội dung không mới, nhưng có một số thông tin khá nhạy cảm như quan ngại về tỉ giá. Điều quan trọng là những đánh giá và ý kiến của quan chức đứng đầu ngành ngân hàng đưa ra sẽ chính xác hơn những phân tích khác", một NĐT nhận xét.

Hiện tại mức độ thanh khoản của thị trường hàng ngày được NĐT chú ý hơn cả vì đánh giá của các bên đều phải thể hiện ra bằng hành động giao dịch. Nếu tính chung cả hai sàn, tính đến ngày 17.11 đã là phiên thứ 7 liên tiếp quy mô giá trị dưới mức 3.000 tỉ đồng. Thanh khoản yếu ngoài chuyện thiếu hụt đòn bẩy còn chứng tỏ phần đông của thị trường còn hết sức cẩn trọng. VN-Index đã ba lần không vượt được mức kháng cự 550 điểm, một phần vì dòng tiền chưa nhập cuộc mạnh, một phần vì không có thông tin hỗ trợ nào đáng kể. Khả năng giảm mạnh không nhiều, nhưng thị trường vẫn thiếu một chỗ dựa để bật lên rõ rệt.

Hoàng Nguyên