“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Việc thu hồi gần 900 tỷ đồng tại Vinaconex thực hiện như thế nào?

 Phiên đấu giá cổ phần Vinaconex ngày 1/11/2006 tại Sở giao dịch chứng  khoán Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Hoàng.
 
 
 
Cuối ngày 30/7, Vinaconex có thông tin giải thích về việc Thủ tướng chỉ đạo thu hồi một số khoản trị giá gần 900 tỷ đồng.

Ngày 29/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả thanh tra việc cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex); trong đó đề cập đến việc thu hồi các khoản cụ thể và giao nhiệm vụ cho các bộ ngành liên quan đề xuất các giải pháp xử lý một số vấn đề khác.

Cuối ngày 30/7, Vinaconex thực hiện việc công bố thông tin bất thường qua văn bản gửi tới cổ đông, nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Vinaconex đang niêm yết cổ phiếu tại đây với mã VCG). Theo Vinaconex, những kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng là thông tin quan trọng, cần thông tin đầy đủ và toàn diện hơn.

Với mục đích trên, Vinaconex giải thích khá chi tiết về các khoản tài chính liên quan, việc chấp hành các chỉ đạo cũng như một số vấn đề về cơ cấu cổ đông, nhà đầu tư chiến lược…

Cụ thể, về khoản vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 6.756.441.103 đồng và khoản vốn Nhà nước tăng thêm từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến khi chuyển thành tổng công ty cổ phần 73.433.812.185 đồng, Vinaconex cho biết: thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, ngay sau khi hoàn tất việc tăng vốn điều lệ năm 2008, Tổng công ty đã nghiêm túc thực hiện chuyển về tài khoản của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Về khoản 3.908.686.811 đồng (khoản Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 chưa nộp), gồm 3 khoản mục: Số tiền 2.471.098.000 đồng thuế sử dụng đất Nhà Q đã được nộp vào Chi cục Thuế quận Thanh Xuân ngày 16/10/2008. Số tiền chênh lệch giữa giá thành và giá bán của 30% Quỹ nhà Khu I9, công ty này đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội để xác định cụ thể. Công ty sẽ nộp số tiền này sau khi có quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Số tiền lãi chậm trả tiền sử dụng đất Khu I9, Công ty đã hỏi ý kiến đoàn Thanh tra Chính phủ trong quá trình làm việc về địa chỉ nộp số tiền này, nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Về khoản 3.388.440.000 đồng (giá trị quyền sử dụng của 513,4 m2 đất tại số 53 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội): Đây là khoản tiền thuộc nghĩa vụ của Công ty Cổ phần Vinaconex 2. Vinaconex 2 sẽ nộp ngay khoản tiền này sau khi nhận được kết luận chính thức và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Về khoản thặng dư bán cổ phần lần đầu 810.765.319.080 đồng: Quyết định số 56/2005/QĐ-TTg ngày 18/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa Vinaconex có quy định: “Giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước” và “Phần vốn tăng thêm do đấu giá cổ phiếu của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam được để lại nhằm tăng vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam”.

Vinaconex cũng khẳng định những chỉ đạo trên và các vấn đề liên quan đã được Tổng công ty đưa vào Bản cáo bạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. “Chính những thông tin này đã góp phần quan trọng trong việc chào bán hết số cổ phần dự kiến với giá đấu thành công đạt mức cao ở thời điểm đó, mang lại nguồn thặng dư lớn (810.765.319.080 đồng) cho Nhà nước, tạo điều kiện cho cổ đông Nhà nước tiếp tục đầu tư vào Vinaconex khi tăng vốn điều lệ”, văn bản công bố thông tin của Vinaconex đưa ra nhận định.

Cũng theo giải thích tại văn bản trên, do những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán nên khi chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ, hầu hết các cổ đông, kể cả SCIC, đều không thực hiện quyền mua cổ phần tăng thêm do giá cổ phiếu chào bán cao hơn giá giao dịch trên thị trường. Vì vậy Hội đồng Quản trị phải tìm kiếm đối tác khác ngoài các cổ đông hiện hữu để chào bán nhằm thu hút thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tránh khỏi thất bại trong đợt phát hành.

Tuy vậy, Vinaconex cũng chỉ bán được 35.094.934 trong tổng số 50.014.850 cổ phần chào bán theo hạn mức tối đa mà SCIC thỏa thuận để những người đại diện quản lý vốn biểu quyết thông qua quyết định của Hội đồng Quản trị về vấn đề này.

“Như vậy, mặc dù Vinaconex đã tăng được vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 1.850 tỷ đồng (thấp hơn so với số vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng) song do cổ đông Nhà nước, mà đại diện là SCIC, không thực hiện quyền mua nên việc sử dụng nguồn thặng dư nói trên để tăng vốn Nhà nước tại Vinaconex theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa thực hiện được”, Vinaconex giải thích.

Về việc rà soát lại các cổ đông chiến lược, Vinaconex cho biết đã có báo cáo tới các ban ngành chức năng liên quan; đã có văn bản yêu cầu các cổ đông chiến lược báo cáo giải trình. Điều mà tổng công ty này khẳng định là các cổ đông chiến lược của mình đều là các doanh nghiệp trong nước có uy tín, thương hiệu, hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng và có tầm chiến lược lâu dài cho hoạt động của Vinaconex sau cổ phần hóa…

Cũng trong văn bản giải thích trên, Vinconex cho biết, sau hơn hai năm hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh đều có sự tăng trưởng vượt bậc: doanh thu tăng gấp hơn 2 lần, lợi nhuận tăng gấp 5 lần, giá trị doanh nghiệp tăng gấp 1,5 lần, cổ tức mà cổ đông Nhà nước được hưởng là 216 tỷ đồng (tương đương với 42% tích lũy vốn của 17 năm phát triển trước đó với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước).