“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Ủy ban thường vụ quốc hội: Đồng ý miễn giảm thuế

Chị Trần Thị Thùy Trang (ở Q.7, TP.HCM - trợ lý giám đốc của một công ty phân phối nhạc cụ) cho biết có thể sống được với thu nhập 12 triệu đồng/tháng cho riêng cá nhân mình. Tuy nhiên, nếu phải chi thêm cho hai người phụ thuộc (bố và mẹ) thì cuộc sống có phần chật vật - Ảnh: T.T.D

 Ngày 13-7, phát biểu kết thúc phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc miễn, giảm và giãn thuế theo đề nghị của Chính phủ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói: “Nhìn chung các ý kiến đều đồng tình về chủ trương, theo đó sẽ trình Quốc hội xem xét việc này trong kỳ họp tới đây, vì thẩm quyền quyết định là của Quốc hội”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết Chính phủ đã thực hiện gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nay tiếp tục mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội (đường, trường, điện, thủy lợi, y tế...) và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.

Miễn, giảm thuế

Đánh thuế bảo vệ môi trường với túi nilông

Cùng ngày, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình về dự án nghị quyết ban hành biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định mức thuế đối với túi nhựa xốp (túi nilông) là 40.000 đồng/kg (nằm trong khung thuế suất 30.000-50.000 đồng/kg).

Hiện nay xăng, dầu, mỡ nhờn đang chịu phí xăng dầu. Khi Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực sẽ không thu phí xăng dầu mà chuyển sang thu thuế bảo vệ môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu và mỡ nhờn dự kiến bằng với mức phí xăng dầu hiện hành.

Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN năm 2011. Lãnh đạo Bộ Tài chính nói tổng số doanh nghiệp thuộc diện được giảm 30% số thuế phải nộp năm 2011 khoảng 303.200 doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho giảm 50% mức thuế khoán - gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN - từ quý 3-2010 đến hết năm 2011 đối với các cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. “Điều kiện để các hộ, cá nhân, tổ chức này được giảm thuế là phải giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2010” - ông Vũ Văn Ninh nói.

Về thuế TNCN, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép miễn thuế TNCN từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2012 đối với hai nhóm đối tượng: thứ nhất, cổ tức được chia cho cá nhân (trừ cổ tức của các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư tài chính, các tổ chức tín dụng) từ hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp; thứ hai, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên giá trị chuyển nhượng).

Bên cạnh hai nhóm đối tượng liên quan đến cổ tức và chuyển nhượng chứng khoán, Chính phủ còn đề nghị miễn thuế TNCN từ ngày 1-8-2011 đến hết ngày 31-12-2011 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế (từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh) đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 (bậc có thuế suất 5%) của biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Luật thuế TNCN. Cụ thể các cá nhân thuộc diện được miễn thuế bao gồm: cá nhân (không có người phụ thuộc) có thu nhập từ trên 4 triệu đồng đến 9 triệu đồng/tháng; cá nhân có một người phụ thuộc có thu nhập từ trên 5,6 triệu đồng đến 10,6 triệu đồng/tháng; cá nhân có hai người phụ thuộc có thu nhập từ trên 7,2 triệu đồng đến 12,2 triệu đồng/tháng...

Quá ít!

Mặc dù tán thành với Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét thông qua một số giải pháp miễn, giảm thuế, tuy nhiên theo ông Phùng Quốc Hiển (chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội), nhiều ý kiến trong ủy ban này cho rằng cần cân nhắc thêm việc áp dụng các giải pháp đó.

Đơn cử, do số tiền thuế TNCN phải nộp ở bậc 1 không cao nên việc miễn thuế sẽ không mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người nộp thuế. Ước tính mỗi tháng người nộp thuế chỉ được giảm số tiền không đáng kể. Ví dụ, một người có mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, sau khi trừ bảo hiểm xã hội, các khoản chi phí khác (khoảng 1 triệu đồng), trừ cho người nộp thuế 4 triệu đồng, trừ cho hai người phụ thuộc 3,2 triệu đồng, khoản thu nhập tính thuế còn lại là 1,8 triệu đồng. Với thuế suất bậc 1 là 5% thì số thuế TNCN phải nộp sẽ chỉ là 90.000 đồng.

“Việc miễn thuế TNCN đối với thu nhập đến mức phải chịu thuế ở bậc 1 như phương án Chính phủ đề xuất chỉ mang tính động viên, sức lan tỏa của chính sách không lớn... không giúp nhiều cho các cá nhân vượt qua khó khăn vì mức thuế được miễn quá ít” - ông Phùng Quốc Hiển nói.

Ví dụ về cách tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành và theo đề nghị của Chính phủ.

Cần hỗ trợ trực tiếp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền bày tỏ sự đồng tình với đề nghị giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp được Chính phủ gia hạn nộp thuế trong năm 2011. Ông Hiền nói: “Thực tế đã có những doanh nghiệp xin ngừng sản xuất để không phải nộp thuế. Việc chờ đợi ngân hàng giảm lãi suất là không đơn giản, không thể một lúc xuống ngay được hoặc bằng ý chí đưa lãi suất xuống được. Trong khi đó, dự báo sáu tháng cuối năm vẫn chưa hết khó khăn, do vậy giải pháp giảm thuế là kịp thời và cần thiết”.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết Ủy ban Tài chính và ngân sách đề nghị chỉ xem xét miễn thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, không miễn đối với toàn bộ doanh nghiệp thuộc diện gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) phân tích nhóm doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Chính phủ đưa nhóm này vào diện được gia hạn nộp thuế và đề nghị giảm 30% thuế được gia hạn là cần thiết.

Về đề nghị giảm 50% mức thuế khoán, bà Trương Thị Mai nói: “Vừa qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM đã vận động các hộ gia đình kinh doanh nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê không tăng giá, do vậy nếu Nhà nước có chính sách giảm thuế, các hộ này sẽ thấy được sự chia sẻ rất lớn. Tuy nhiên về lâu dài, nếu Nhà nước muốn hỗ trợ công nhân, sinh viên... thì nên có giải pháp hỗ trợ trực tiếp chứ không nên đưa chính sách xã hội vào thuế”.

Trước lo ngại việc giãn, giảm và miễn thuế sẽ có tác động đến ngân sách nhà nước, ông Hà Văn Hiền cho rằng tổng hợp chung ngân sách dành cho thực hiện các chính sách giãn, giảm và miễn thuế chỉ trên 13.000 tỉ đồng, trong khi đó thu ngân sách những năm vừa qua kể cả thời điểm kinh tế khó khăn nhất cũng vượt thu hàng chục ngàn tỉ đồng, nên việc giãn, giảm và miễn thuế sẽ không ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách năm 2011.

Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội khóa XIII xem xét, quyết định ban hành nghị quyết một số giải pháp về thuế với các nội dung như nêu trên, tại kỳ họp thứ nhất khai mạc ngày 21-7 tới đây.

V.V.THÀNH