Theo báo cáo giám sát thì tổng nguồn vốn của 90 TĐ, TCty đến 31.12.2008 là 1 triệu 241 nghìn tỉ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của TĐ, TCty Nhà nước luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước, mà chủ đạo là các TĐ, TCty đã đóng góp 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu.
Theo đánh giá chung thì nhiều TĐ, TCty đóng vai trò là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về giải quyết công ăn, việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các TĐ, TCty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua.
Hiệu quả chưa tương xứng, nợ đáng báo động
Bên cạnh những thành tích nổi bật, bản báo cáo giám sát cũng chỉ rõ hàng loạt những tồn tại, hạn chế rất đáng lo ngại. Về hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo báo cáo có tới 45,05% các TĐ, TCty hoạt động hiệu quả thấp (tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%). Chính điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước.
So sánh với các loại hình doanh nghiệp khác như doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn FDI thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại TĐ, TCty còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực tài chính của Nhà nước, vị trí và vai trò trong nền kinh tế.
Không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu nhờ vào vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, năm 2006 có 38 TĐ, TCty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% số TĐ, TCty. Năm 2007 có 31 TĐ, TCty chiếm 32% số TĐ, TCty; năm 2008 có 31 TĐ, TCty chiếm 32% số TĐ, TCty có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần.
Tính đến 31.12.2008, một số đơn vị có tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là: Tổng Công ty Xây dựng CTGT 1 (21,6 lần); TCty Lắp máy Việt Nam (17,4 lần); TCty Xây dựng CTGT 4 (14 lần), TCty Thành An (13,9 lần); TCty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (12,9 lần); TCty cổ phần XNK và xây dựng Việt Nam (12,2 lần); TCty Xây dựng công trình giao thông 8 (12 lần); TCty Thủy tinh và Gốm xây dựng (11,3 lần), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Vinashin (10,9 lần)...
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31.12.2008, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn (gồm các tập đoàn: Dầu khí, Than khoáng sản, Caosu, Dệt may, Công nghiệp tàu thủy, Điện lực, Bưu chính Viễn thông, không tính Tập đoàn Bảo Việt) là 128 nghìn 786 tỉ đồng, tăng 20,54% so với cuối 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm.
Một số đơn vị có nợ lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ 66 nghìn 764 tỉ đồng, chiếm 51,84% tổng nợ tín dụng của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ 21 nghìn 477 tỉ đồng, chiếm 16,67%; Tập đoàn Vinashin nợ 19 nghìn 885 tỉ đồng, chiếm 15,44%.
Báo cáo cho biết, đây chủ yếu là nợ trung và dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và các kế hoạch phát triển. Cụ thể, nợ ngắn hạn chiếm 15%, nợ trung và dài hạn chiếm 85% tổng nợ của các TĐ.
Cũng theo báo cáo giám sát thì đa số các TĐ, TCty có số nợ phải thu lớn, tính đến 31.12.2008, số nợ phải thu đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2007, tổng số nợ phải thu của các TĐ, TCty là 185 nghìn 826 tỉ đồng, chiếm 38,26% vốn chủ sở hữu và 14,96% tổng tài sản của các TĐ, TCty.
Về chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến 31.12.2008 là 4 nghìn 168 tỉ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại các TCTD. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 15% tổng số nợ quá hạn.
Tập đoàn Vinashin có số nợ quá hạn là 3 nghìn 812 tỉ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của TĐ và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 TĐ. Nợ quá hạn của 9 nhóm TCty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là 1 nghìn 208 tỉ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng.
Đầu tư ra ngoài ngành...thua lỗ
Theo báo cáo có 47 TĐ, TCty tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng... với tổng số vốn đầu tư rất lớn, cuối năm 2006 là 6 nghìn 434 tỉ đồng, cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỉ đồng và cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo nhận định thì hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính chung là rất thấp, thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này. Năm 2008 thị trường chứng khoán suy giảm mạnh. Hầu hết các TĐ, TCty đều bị thua lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận. Tính đến hết tháng 12.2008, Tổng mức đầu tư của EVN vào lĩnh vực chứng khoán là 214 tỉ đồng; các TĐ góp vốn vào quỹ đầu tư của TĐ Dầu khí Việt Nam là 368,9 tỉ đồng; TĐ Caosu 271 tỉ đồng; TĐ Công nghiệp tàu thủy 144 tỉ đồng đều không phát sinh lợi nhuận.
Cũng theo kết quả giám sát thì nhiều TĐ chạy đua đầu tư ra ngoài ngành, vào chứng khoán, trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Điển hình là EVN, năm 2008, đơn vị này đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2 nghìn 146 tỉ đồng, trong khi từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện đơn vị còn thiếu 382 nghìn 931 tỉ đồng.
Mô hình tổ chức TĐ, TCty còn bất cập
Báo cáo giám sát cũng cho thấy nhiều TCty làm ăn thua lỗ, tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2 nghìn 797 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2008, TCty Lắp máy lỗ phát sinh 68,75 tỉ đồng, TCty Xây dựng CTGT 4 lỗ phát sinh 52,52 tỉ đồng, Tập đoàn Dệt May lỗ phát sinh 27,98 tỉ đồng...
Đáng chú ý, TCty Xây dựng đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hóa bị lỗ làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của TCty (việc mất phần vốn của Nhà nước ở các đơn vị thành viên làm cho phần vốn chủ sở hữu của toàn TCty bị âm trong 3 năm liên tiếp, năm 2006 âm 257.756 triệu đồng, năm 2007 âm 444.010 triệu đồng; năm 2008 âm 464.434 triệu đồng).
Theo nhận định chung thì việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại TĐ, TCty trên thực tế còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế...
Mô hình tổ chức của TĐ, TCty còn nhiều bất cập; quản trị doanh nghiệp còn hạn chế...Từ đó, UB TVQH đề nghị rà soát lại cơ chế chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, giám sát chặt chẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ, TCty.