“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Trao "thẻ vào đời" cho sách giáo khoa

 "Dự kiến này thể hiện sự cởi mở, đổi mới trong tư duy giáo dục. Nên chăng, tổ chức cuộc thi xây dựng chương trình, rồi mới thi viết sách. Sách đạt chất lượng sẽ "phát thẻ vào đời". Chính các thầy cô giáo sẽ thẩm định được bộ sách nào có giá trị". 

PGS Trần Hữu Tá, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet về dự kiến “chống độc quyền” làm sách giao của Bộ GD-ĐT.

Tôi cho rằng, đây là một dự kiến đáng được ủng hộ. Nó thể hiện sự cởi mở, đổi mới trong tư duy giáo dục, thể hiện một quyết tâm muốn phấn đấu để hòa nhập vào dòng chảy của giáo dục thế giới nói chung, đặc biệt với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. 

Không nước phát triển nào lại chỉ có một bộ sách giáo khoa (SGK) như chúng ta hiện nay. Nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc cũng có tới 12 bộ SGK. 

Hay như khi qua Pháp, tôi có nhờ một giáo sư kiếm cho tôi một bộ SGK về trung học chuyên khoa ngữ văn.   

Vị này cười và nói: muốn bộ ở đâu, vùng nào, tác giả là ai… lúc đó tôi mới thấy mình lạc hậu. 

Mặt khác, trước nay chúng ta nêu lên nhiều băn khoăn, chỉ ra vô số bất cập của SGK chính là vì chúng ta chỉ có một bộ. Với một phương thức tổ chức tưởng là chặt chẽ, nhưng kỳ thực là nó rất cũ và bản thân nó hàm chứa những sai sót không thể khắc phục nổi. 

Không thể tưởng tượng được, hiện nay có cuốn SGK đến mười mấy người viết! Không những thế, có cuốn, bài tổng quan đầu sách và bài tổng kết cuối sách “đá” nhau, chẳng thấy vai trò chủ biên. 

Vì vậy, với cách làm hiện nay sẽ không bao giờ có một bộ SGK thực sự tốt như ta mong muốn và không bao giờ chúng ta phát huy được chất xám, kho kinh nghiệm của các đồng nghiệp tại các trường phổ thông cũng như của các nhà nghiên cứu. 

Tôi ủng hộ dự kiến của Bộ GD-ĐT về chống độc quyền SGK vì việc làm đó là cần thiết. 

Chương trình vẫn chưa phải là gốc  

Để có những bộ SGK tốt, phải có một chương trình tốt. Nên chăng Bộ GD-ĐT tổ chức một cuộc thi xây dựng chương trình. Đồng thời, kêu gọi những tập thể khoa học, đơn vị nghiên cứu hoặc những tri thức đầu ngành vào tham gia xây dựng. 

Chương trình của từng bộ môn nên là sự liên thông của toàn bộ cấp phổ thông chứ không chỉ là của từng cấp học cụ thể. 

Hiện nay, chương trình chủ yếu mới có sự liên thông ở từng cấp học. Nó vẫn là chặt khúc, cho nên có sự lặp đi lặp lại, chồng chéo, dẫm đạp lên nhau. Và cuối cùng hiệu quả của việc bồi dưỡng tri thức văn hóa đến học trò bị hạn chế. 

Nhưng tôi nghĩ, chương trình chưa phải là gốc. 

Muốn có chương trình tốt thì phải xác định được mục tiêu của toàn ngành giáo dục, của từng cấp học, của từng bộ môn. 

TIN LIÊN QUAN
Từ đó, có điều kiện tổ chức thi xây dựng chương trình của từng môn học. Thi đua có được nhiều bộ sách giáo khoa tốt. 

Nếu không, sẽ biến trẻ con thành vật thí nghiệm, nhà trường thành nơi tiêu thụ hàng thứ cấp. 

Ngoài ra, phải có sự thẩm định công bằng, nghiêm túc. Các tập thể biên soạn ấy, ít hay nhiều người không quan trọng, nhưng họ phải được bảo vệ sản phẩm của mình. 

Sau đó, sẽ chọn ra những bộ SGK tốt để trao giải và phát "thẻ vào đời" cho những bộ sách này. 

Tổ chức cuộc thi sẽ làm cho mọi người thấy sự dân chủ trong giáo dục, phát huy được chất xám của đông đảo những nhà sư phạm, những thầy cô giáo yêu nghề… 

Đó là cách tự nhiên thổi một sức sống, một luồng sinh khí vào hoạt động giáo dục khiến cho tất cả những người trong ngành hào hứng. 

Họ hào hứng vì được chứng kiến một triển vọng tốt đẹp và họ được dạy những cuốn sách mà họ ưng ý. 

Sau một thời gian giảng dạy thì chính những người giáo viên này sẽ là những người đánh giá chính xác nhất cho việc bộ sách nào hay, bộ sách nào dở, bộ nào nên bỏ và bộ nào nên dùng. 

  • Đoàn Quý (ghi)