“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tranh mua cổ phiếu... chia

 

Khi thị trường đi lên, các nhà đầu tư thích mua những cổ phiếu được chia tách nhiều (cổ phiếu thưởng)

Ảnh: H.THÚY

Việc chia tách cổ phiếu không làm tăng giá trị cổ phần, không tăng giá trị doanh nghiệp, mà chủ yếu giúp tăng tính thanh khoản, thế nhưng...

 

Trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 29-5, sàn TPHCM tiếp tục giảm, chỉ số VN-Index mất thêm 3,81 điểm, xuống còn 411,64 điểm; còn sàn Hà Nội, sau nhiều lần giằng co lên xuống, cuối cùng chỉ số HaSTC-Index tăng được 1,83 điểm, lên 144,13 điểm. Thị trường xập xình,  hàng loạt cổ phiếu mất giá mạnh, thế nhưng những cổ phiếu như: SFI (Công ty Cổ phần Đại lý vận tải SAFI), TRA (Công ty Cổ phần Dược Traphaco) và TCT (Công ty Cổ phần Cáp treo Tây Ninh)... sau nhiều ngày “nóng” vẫn tiếp tục tăng trần. Lý do: Các mã đang chờ ngày chia tách cổ phiếu với tỉ lệ cao nên đã thu hút nhiều nhà đầu tư đặt lệnh tranh mua.

Chia nhiều là... tăng “nóng”

Theo thông báo, đến ngày 4-6, TCT sẽ chốt danh sách không hưởng quyền chia cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 1:1 (100%). Do đó, trong 5 ngày qua, nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” đã tranh mua làm cho TCT tăng giá trần liên tục. Phiên giao dịch cuối tuần này giá TCT lên mức 148.000 đồng/cổ phiếu, tăng 7.000 đồng so với hôm trước. Còn cổ phiếu SFI, với nghị quyết tăng vốn điều lệ từ 27,6 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng, cổ đông sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu và nhận cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 1:2 (200%). Do được chia thêm nhiều cổ phiếu như vậy (chưa định ngày chốt) nên từ đầu năm đến nay SFI tăng giá cực “nóng”. Từ  chỗ ở mức đáy 31.000 đồng/cổ phiếu, nay giá SFI đã lên tới 112.000 đồng, tức đã tăng 261%. Còn cổ phiếu TRA, dù còn lâu mới chia cổ phiếu nhưng mấy ngày qua, giá TRA tăng liền 7 phiên (trong đó có 6 phiên tăng hết biên độ). Lý do: TRA vừa đưa ra thông tin lấy ý kiến cổ đông về việc năm 2009 sẽ không trả cổ tức bằng tiền mặt như nghị quyết mà chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu với tỉ lệ 2:1 (50%). Việc gửi thư xin ý kiến sẽ thực hiện trong quý II này. Như vậy, để được phép chia cũng có thể phải mất vài tháng nữa (vì còn xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) nhưng ngay bây giờ giá của TRA đã tăng rất mạnh.


Lỗ nặng cũng... siêu tăng


Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải dầu khí Vinashin (VSP) vừa thực hiện việc chia cổ phiếu theo tỉ lệ 135%. Nghĩa là nhà đầu tư mua 1 cổ phiếu trước ngày tách (ngày không hưởng quyền) thì được chia thêm 1,35 cổ phiếu mới. Như vậy, nếu tính gộp cả cũ và mới thì nhà đầu tư sẽ được 2,35 cổ phiếu (bằng 235%). Động thái chia kỷ lục này nên giúp những người mua VSP từ thời điểm trước khi chốt quyền và giữ đến nay đã gia tăng khá mạnh giá trị đầu tư. Trong suốt hai quý vừa qua VSP liên tục bị lỗ nặng (quý IV/2008 lỗ 58,1 tỉ đồng và quý I/2009 lỗ tiếp 111,6 tỉ đồng) và dự báo trong quý II này có thể còn tiếp tục bị lỗ. Thế nhưng bất chấp tình hình kinh doanh sa sút, thời gian qua giá cổ phiếu VSP vẫn chạy nhanh hơn nhiều so với những cổ phiếu có thu nhập ổn định ở mức cao. Vào thời điểm đáy tháng 2 vừa qua, giá VSP ở mức 32.900 đồng/cổ phiếu, trong phiên ngày 29-5, giá đóng cửa ở mức 45.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu tính cả phần đã chia thì giá trị một cổ phiếu (cũ) đã lên đến 105.750 đồng, tức tăng 221% (45.000 đồng x 2,35 cổ phiếu = 105.750 đồng). Mức tăng này cao gần 3 lần bình quân mức tăng toàn thị trường.

Không hiểu thì... sẽ thua

“Việc chia tách cổ phiếu thực chất không làm tăng giá trị cổ phần - chuyên gia tài chính Huy Nam cho biết - cũng không làm tăng giá trị doanh nghiệp, mà chủ yếu giúp tăng tính thanh khoản do thị giá điều chỉnh giảm”. Trước đây, khi thị trường đi xuống, việc chia cổ phiếu được khuyến cáo là pha loãng nên nhiều người không thích bởi dù được chia thì giá vẫn xuống theo thị trường. Nhưng khi thị trường đi lên, việc chia tách càng nhiều giá càng tăng mạnh, bất kể doanh nghiệp làm ăn lời hay lỗ. Trong một thị trường đầy nghịch lý như vậy, nếu nhà đầu tư không hiểu thì... sẽ thua.

Trần Phú Minh