Cầu Hoàng Hoa Thám (nối quận 1 với quận Bình Thạnh) vốn đầu tư ban đầu từ 19 tỉ đồng đã lên 155 tỉ đồng do kéo dài thời gian - Ảnh: M.Đức |
Sáng 18-10, tại trụ sở UBND TP.HCM diễn ra cuộc họp thông qua dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách TP năm 2011. Theo dự thảo, trong năm tới, TP.HCM sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án lớn quan trọng của TP và tập trung vốn cho các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Ông Lê Hoàng Quân cho biết trong năm 2010, TP triển khai khoảng 1.300 dự án (cũ và mới) với tổng vốn đầu tư lên đến 23.000 tỉ đồng. Để có số tiền này, TP phải huy động rất nhiều nguồn bố trí cho các dự án.
Tuy nhiên Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đánh giá: tiến độ giải ngân các dự án khá chậm và sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan làm việc với “chủ đầu tư lớn nhất” của TP là Sở Giao thông vận tải để đẩy nhanh tiến độ các dự án, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Bà Hồng cho biết hiện một phần nguồn vốn đầu tư được khai thác từ nhà đất, nhưng dần dần nguồn này sẽ cạn, không thể khai thác mãi và dự báo trong năm tới nguồn vốn huy động đầu tư sẽ khó khăn hơn.
“Ngoài việc huy động vốn từ các nguồn, nên xem xét việc quản lý ngân sách vì tiết kiệm cũng là một cách để tạo nguồn vốn”, bà Hồng nói.
Chia sẻ với người dân vùng lũ ở các tỉnh miền Trung, ông Lê Hoàng Quân nói các địa phương này cần rất nhiều lương thực, thực phẩm cũng như những mặt hàng vật liệu xây dựng để sửa lại nhà sau lũ. Do vậy các đơn vị sản xuất hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng của TP phải xem xét, cung cấp hàng cho người dân vùng lũ với mức giá thấp nhất. Đó là cách để hỗ trợ người dân tại đây trong cơn khốn khó. |
Ông Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TP kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của dự án, không để vốn tồn đọng. Theo ông, vừa qua khi kiểm tra tại Khu công nghệ cao TP đã phát hiện đơn vị này còn 200 tỉ đồng chưa sử dụng, trong khi đó quận 9 cần tiền đền bù lại không có.
“Lẽ ra các đơn vị liên quan phải ngồi lại, tính toán để điều chuyển, sử dụng hiệu quả nguồn vốn” - ông lưu ý. Nhắc lại bài học kinh nghiệm từ dự án cầu Hoàng Hoa Thám, vì kéo dài 12 năm mà vốn đầu tư tăng vọt từ 19 tỉ lên hơn 155 tỉ đồng, ông đề nghị các sở ngành phải thay đổi cách làm việc. Phải xuống trực tiếp cơ sở nắm tình hình, như vậy mới sâu sát, giải quyết công việc tốt hơn.
Đề cập kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết đã giao các sở ngành liên quan kiểm tra mạng lưới bán lẻ nằm trong hệ thống bình ổn giá, việc đăng ký giá bán, đồng thời khảo sát nguồn hàng cung ứng. Kế hoạch này sẽ thực hiện thường xuyên từ nay đến Tết Nguyên đán, đảm bảo giá bán hợp lý cho người dân.
Ông Quân nhấn mạnh: các sở ngành phải dồn sức từ nay đến cuối năm để tập trung kế hoạch tết và không được chủ quan trong vấn đề này, đồng thời đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2010. Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài cho rằng kế hoạch bình ổn giá thời gian qua TP đã thành công, thể hiện sự chăm lo của TP với người dân nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Trong xu thế biến động giá như hiện nay, các ngành chức năng cần tính đến giải pháp lâu dài, căn cơ hơn.
Trước đó, trình bày dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách TP năm 2011, Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết trong năm tới TP phấn đấu tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn là 12%, so với dự kiến năm nay là 11,5%, thu nhập bình quân khoảng 3.130 USD/người (dự kiến năm nay khoảng 2.800 USD/người).
Dự thảo xác định: tiếp tục đẩy mạnh phát triển chín nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng như tài chính - tín dụng - ngân hàng, thị trường bất động sản, du lịch....
PHÚC HUY