“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tính toán hậu kích cầu

Tính toán hậu kích cầu

Dù đã tính toán, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cho giai đoạn hậu kích cầu - không còn được bù 4% lãi suất vay vốn - nhưng các doanh nghiệp cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên có bước đệm để doanh nghiệp thích nghi dần.

Diễn biến lãi suất vay VND trong thời gian qua - Ảnh: Thanh Đạm - Đồ họa: Vĩ Cường

Hầu hết doanh nghiệp đều đã tính toán phải tiết giảm chi phí để giá thành sản xuất không tăng khi không còn được bù lãi suất vay vốn.

Lập kịch bản ứng phó

Bà Ngô Thị Báu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty dệt may Nguyên Tâm, cho biết ngay lúc này công ty đã lên phương án kinh doanh thời hậu kích cầu. Trường hợp gói kích cầu chấm dứt thì phải thận trọng hơn để xem xét phản ứng của người tiêu dùng. Vì khi đó chi phí lãi vay và một số chi phí khác sẽ tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên. Trong khi đó những chính sách hỗ trợ làm bệ đỡ cho sức mua như miễn thuế thu nhập cá nhân không còn, vay tiêu dùng cũng bị siết lại, chắc chắn sức mua cũng bị ảnh hưởng.

Để hạn chế tối đa việc phải tăng giá sản phẩm thì ngay thời điểm này phải tính toán để tiết giảm chi phí. Bà Báu cho biết để guồng máy hoạt động hiệu quả hơn, công ty đã tăng lương gấp rưỡi nhưng giao việc tăng gấp đôi. Song song đó đầu tư thêm máy móc, giảm bớt những công đoạn thủ công để nâng cao năng suất. Chi phí cho hoạt động điều hành như điện thoại, điện, văn phòng phẩm... vẫn phải tiết kiệm triệt để.

Còn ông Nguyễn Băng Tâm, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex), cho biết tính toán giảm được đồng nào hay đồng ấy để hạ giá thành, như đưa xưởng sản xuất ra vùng ven để tận dụng nhân công giá thấp, tái đào tạo tay nghề cho người lao động để giảm tối đa sản phẩm lỗi, thương lượng lại giá mua nguyên phụ liệu...

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa VN Đào Duy Kha cũng chủ trương không đợi nước đến chân mới nhảy. Thị trường tiêu thụ đã khả quan nhưng để có giá cả cạnh tranh là bài toán khó. Với đặc trưng ngành nhựa là sử dụng ít nhân công, tiết kiệm chi phí chủ yếu rơi vào quá trình sản xuất, vì vậy phải tập trung giảm tối đa chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển và chi phí bán hàng. Nếu tính toán khéo thì dù lãi suất tăng lại do không còn bù lãi suất nhưng giá thành chỉ nhỉnh hơn một chút so với trước và khả năng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.

Cần có bước đệm

Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, khi kết thúc gói kích cầu ngắn hạn cũng nên tổng kết, đánh giá và chuyển sang biện pháp mới. Cũng cần tìm xem đối tượng nào chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp để có biện pháp hỗ trợ.

Có ý kiến cho rằng khi kết thúc bù lãi suất nên giảm trần lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay còn phụ thuộc nhiều yếu tố: lạm phát, lượng vốn huy động... Thực tế hiện nay các ngân hàng đang chạy đua huy động vốn để hút vốn nhưng vẫn rất khó khăn. Điều chỉnh lãi suất cho vay trong điều kiện hiện nay không phù hợp. Thực tế thời gian qua Nhà nước muốn kích cầu nên giữ trần lãi suất chứ lãi suất theo nguyên tắc nên điều tiết theo cung cầu vốn của thị trường, hài hòa lợi ích của người gửi tiền và người đi vay. Trong điều kiện hiện nay cũng phải chấp nhận người gửi tiền bị thiệt thòi, nhưng không vì thế giảm trần lãi suất gây hiệu ứng không tốt cho thị trường.

Còn theo TS Trần Du Lịch, phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, dừng hỗ trợ lãi suất có thể thực hiện hai phương án, giữ đối tượng hỗ trợ lãi suất như cũ nhưng giảm lãi suất hỗ trợ xuống còn 2% hoặc giảm đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ông Lịch đề nghị nên áp dụng cả hai phương án, tức vừa giảm đối tượng vừa giảm lãi suất. Đối tượng hỗ trợ lãi suất vốn lưu động chỉ nên tập trung vào doanh nghiệp đang rất khó khăn trong trả lương cho công nhân, thu mua nông sản, xây dựng các công trình nhà ở xã hội. Đến cuối năm nên chấm dứt hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Riêng với hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới công nghệ vẫn có thể tiếp tục. Vì đây là điều kiện cần để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động rất cần thiết ngay cả khi nền kinh tế ổn định.

Cũng theo ông Lịch, bản thân từng doanh nghiệp cần nhận thấy những điểm yếu trong quá trình phát triển. Thế giới cũng như tại VN sẽ diễn ra cuộc sàng lọc nghiệt ngã. Do đó bên cạnh tận dụng vốn rẻ để sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm mới, doanh nghiệp nên tận dụng giá rẻ của máy móc thiết bị trên thị trường để đầu tư đổi mới công nghệ... Ngoài ra, Chính phủ cũng nên có một kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trung hạn đến năm 2010, đóng vai trò định hướng và tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn sau đó.

* Bà Đặng Thị Thúy Ngần - phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vật tư và giống gia súc, lo ngại giá thành sản phẩm sẽ tăng khi không còn được hỗ trợ vì mọi chi phí đều tăng. Khi ấy gánh nặng sẽ dồn lên vai người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ gặp khó khi người tiêu dùng không còn mạnh tay mua hàng.

* Ông Lê Văn Quang - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty thủy sản Minh Phú, cũng lo ngại khi không còn được bù lãi suất, đường đi của thủy sản xuất khẩu sẽ khó khăn hơn vì sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Indonesia... đang rẻ hơn gần 20%.

A.HỒNG - M.KHANH