“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tình hình kinh tế VN: Một bộ phận qua đáy suy giảm

 

TS Lê Đăng Doanh
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm cho thấy nhiều ngành, lĩnh vực đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Liệu nền kinh tế VN đã vượt qua đáy suy giảm và bắt đầu phục hồi? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lê Đăng Doanh - Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) - phân tích:

- Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP của VN quý 2 đã cao hơn quý trước, từ 3,1% lên 4,5%. Sản lượng công nghiệp cũng tăng đáng kể, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản ấm lên, nhập siêu tăng trở lại, đặc biệt nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, xây dựng chứng tỏ sản xuất kinh doanh tại khu vực đó có phục hồi... Đó là những tín hiệu đáng mừng, phần nào thể hiện nội lực của nền kinh tế và năng lực của Chính phủ.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy sự hồi phục kinh tế VN thời gian qua chưa đều, nhiều lĩnh vực chưa thật sự qua đáy của suy giảm kinh tế. Xuất khẩu vẫn giảm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng đầu tư toàn xã hội giảm cả vốn đăng ký lẫn giải ngân so với năm trước. Chúng ta chưa có báo cáo rõ ràng về vấn đề việc làm nên theo tôi, đánh giá tình hình kinh tế sắp tới vẫn cần cẩn trọng, tỉnh táo, tránh chung chung.

* Nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu giảm có nghĩa một bộ phận sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi?

- Khó có thể khẳng định như thế, nhưng rõ ràng sản xuất xuất khẩu đang giữ vai trò hết sức to lớn trong nền kinh tế VN. Các doanh nghiệp ở khu vực này đóng góp cỡ 70% GDP, tạo nguồn thu ngân sách, nguồn công ăn việc làm rất quan trọng. Khi xuất khẩu chưa tăng trở lại có nghĩa một phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang phải sản xuất dưới công suất, gặp khó trong lấy lại sức cạnh tranh... Nghĩa là khó khăn chưa thật đi qua hết.

Giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian gần đây đã tác động mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.

* Thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề... vốn bị tác động rất mạnh của khủng hoảng nhưng chúng ta cũng chưa có số liệu cụ thể. Đời sống của nông dân cũng thế?

- Doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể phủ định đã bị tác động từ khủng hoảng kinh tế rất nặng. Nhiều làng nghề phải đóng cửa do không có đặt hàng. Mức độ hồi phục của các đơn vị này khó có thể nhanh hơn khu vực doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn được. Về đời sống bà con nông dân, khi nhiều mặt hàng nông sản khó bán hoặc phải bán giá thấp thì chắc chắn có ảnh hưởng. Khi kinh tế có một vài điểm sáng phục hồi, lợi ích có đến ngay với họ không, câu trả lời sẽ là chậm. Vì chúng ta chưa gắn kết chặt chẽ được nguồn lợi to lớn từ các hợp đồng xuất khẩu với sản xuất của bà con. Bà con thường được hưởng một phần không lớn. Các hiệp hội như xuất khẩu gạo, hiệp hội hạt điều, cà phê... nhìn kỹ đều là đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu chứ chưa phải của bà con.

Nên lợi nhuận lớn từ xuất khẩu còn khoảng cách rất xa mới tới người trực tiếp làm ra sản phẩm.

* Đã có nhiều ý kiến cảnh báo: lạm phát có nguy cơ quay trở lại. Ông nhận xét như thế nào về điều này?

- Chỉ số giá sáu tháng đầu năm so với tháng 12-2008 tăng 2,68% nhưng so với cùng kỳ năm trước đã tăng trên 10%. Chỉ trong nửa năm, cung tiền tăng tới 16-17% so với cùng kỳ năm 2008. Vốn kích cầu đã tung ra đến trên 360.000 tỉ đồng. Đây là nguy cơ lạm phát không thể bỏ qua. Đặc biệt giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng. Nên sắp tới việc ổn định kinh tế vĩ mô cần làm nhưng cụ thể hơn, theo tôi, phải xem xét hiệu quả của các doanh nghiệp độc quyền trong một số lĩnh vực. Như xăng dầu, giá thế giới tăng thì ta tăng nhanh theo hình mũi tên nhưng giá thế giới giảm, ta chỉ giảm theo hình chữ L chứ không phải chữ V. Điều này làm chi phí sản xuất của doanh nghiệp VN cao hơn các nước. Hiện tại giá xăng dầu của VN đã cao hơn Singapore và một số nước ASEAN.

* Để giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất, những nơi chưa qua đáy suy giảm, theo ông, phải làm gì?

- Chúng ta đã hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn lưu động, rồi giảm, giãn thuế... Nhưng việc cần làm hơn lúc này không phải là cho tiền nữa mà giúp họ tái cơ cấu doanh nghiệp. Nếu cách làm cũ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh kém, ta cứ cho tiền chưa hẳn đã là giúp nền kinh tế. Nếu hỗ trợ để họ đổi mới công nghệ, giảm tiêu thụ điện, đất đai, vốn, nước... trên một đơn vị sản phẩm, giúp tăng khả năng quản trị thì mở ra tương lai có tiền cho doanh nghiệp. Khi kinh tế suy giảm, công nhân về quê, những người cho thuê nhà, xe ôm, quán tạp hóa, cơm hộp... cũng khó khăn nhưng chúng ta lại chưa hề có khảo sát và hỗ trợ những người này. Theo tôi, phải tính đến họ.

Song bài toán quan trọng hàng đầu lúc này, theo tôi, khi khủng hoảng có những diễn biến rất nhanh và phức tạp, chúng ta cần có đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Đề án này phải nhanh, đúng chỗ và kịp thời để VN không bị lỡ bước khi các nước khác đi lên.

* Ông Nguyễn Đình Cung (viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):

Lạm phát sẽ khó trên 10%

Tình hình hiện tại khó có thể nói là khu vực dịch vụ du lịch đã được phục hồi, đặc biệt là với khu vực doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Các doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều vấn đề khác nhau và các tác động có thể ảnh hưởng theo dây chuyền. Trong tình hình thế giới chưa phải đã phục hồi hoàn toàn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu sẽ khó có thể xoay chuyển tình hình trong vòng vài tháng.

Về tình hình lạm phát, có ý kiến cho rằng trong năm 2009 sẽ khó lòng tăng cao trên 10% trở lại. Theo tôi, khi tăng trưởng kinh tế chúng ta chỉ ở khoảng 5% thì lạm phát lên đến trên 7-8% đã là cao. Với đà hiện tại lạm phát khó trên 10% nếu chúng ta quyết tâm giữ ổn định. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với các yếu tố như tăng giá dầu, vấn đề hậu giải ngân vốn kích cầu để giữ lạm phát ở mức hợp lý.

* TS Bùi Quang Tuấn (viện phó Viện Kinh tế VN):

Sẽ còn nhiều khó khăn

Theo tôi, nền kinh tế VN sắp tới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng quý 2 có cao hơn quý 1 nhưng không mạnh. Một số quan điểm lạc quan cho rằng chúng ta đã đi qua đáy của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, cần phân biệt quan điểm về đáy của khủng hoảng như thế nào? Nếu là đáy về tốc độ tăng trưởng thì có thể, vì tăng trưởng đã tăng lên. Nhưng về một số vấn đề khác như việc làm thì không phải như vậy. Theo tôi, số người mất việc làm hoặc khó khăn về việc làm năm 2010 có thể còn cao hơn năm 2009.

CẦM VĂN KÌNH  thực hiện