“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:Loại bỏ rào cản để phát triển kinh tế tư nhân

              TS Lê Đăng Doanh

 Văn phòng Trung ương Đảng vừa tổ chức hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế tư nhân. Tiền Phong trò chuyện với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương xung quanh việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Nhìn lại sự phát triển của kinh tế tư nhân, ông thấy sao?

Kinh tế tư nhân của chúng ta đã phát triển, tạo được công ăn việc làm và trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận kinh tế tư nhân phát triển vẫn còn chậm và thiếu những doanh nghiệp được chuẩn bị, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Xét trên những doanh nghiệp tư nhân được đăng ký thì nhóm này mới tạo ra được khoảng 7% số việc làm, khoảng 11% GDP và khoảng 25% sản lượng công nghiệp.

Đến nay, kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 38 - 39% GDP, trong đó khoảng 28% là thuộc kinh tế hộ gia đình. Khoảng 3 triệu hộ phi nông nghiệp, 12 triệu hộ nông nghiệp.

Kinh tế hộ gia đình của chúng ta có điểm yếu là không đủ trình độ công nghệ, không gắn với hội nhập kinh tế. Kết quả điều tra kinh tế hộ gia đình ở Hà Nội cho thấy, khu vực này chỉ có khoảng 5 - 6% kết nối được với doanh nghiệp lớn.

Tôi biết những hộ gia đình cung cấp nem cuốn cho khách sạn lớn ở Hà Nội và được khách sạn bán giá 5,9 USD/cái. Qua đó, chúng ta thấy được khối kinh tế hộ gia đình đã giúp thoát đói, nhưng vẫn chưa đủ sức để thoát nghèo và làm giàu.

Với quy mô hiện nay thì khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa xứng tầm, chưa có năng lực cạnh tranh ngang ngửa ở nước ngoài. Những doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam hiện nay trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý đang vẫn còn non kém.

Theo ông, tới đây phải có chiến lược gì để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm?

Nhìn lại thấy trong thời gian qua chúng ta mới đổi mới chính sách. Đến nay, muốn kinh tế tư nhân phát triển thì phải đổi mới về thể chế mà cụ thể là thể chế về kinh tế thị trường và có nguồn tài chính vững mạnh.

Các hiệp hội cũng phải có vai trò thật sự chứ không phải trở thành nhà dưỡng lão cho các quan chức về hưu - TS Lê Đăng Doanh

Thực tế có khoảng 64% doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng. Như vậy, kinh tế tư nhân không thể lớn lên được và cũng không khuyến khích được hộ gia đình đăng ký lập doanh nghiệp. Cho nên Việt Nam muốn phát triển phải đẩy mạnh phát triển khu vực ngân hàng, phải huy động được nguồn vốn tiết kiệm trong nước, đưa được nguồn vốn này đến người dân.

Muốn kinh tế tư nhân phát triển, ra được biển lớn thì những rào cản, hạn chế phải được loại bỏ. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách để nâng đỡ.

Đáng lo ngại hiện nay là sau khi phân cấp, thấy rõ là doanh nghiệp nước ngoài lấn át trong nước. Như lĩnh vực siêu thị chẳng hạn. Tại sao ở Hà Nội và TPHCM, rất nhiều khu đất vàng được giao cho nhà đầu tư nước ngoài mở siêu thị, còn doanh nghiệp trong nước bị chèn ép.

Nếu sang Nhật Bản, rất khó tìm thấy siêu thị nước ngoài. Vì Nhật có luật quy định muốn mở siêu thị phải trong bán kính 50 km không vướng siêu thị khác.

Như vậy cạnh tranh sao nổi. Chính sách đối với kinh tế tư nhân của chúng ta phải là chính sách chấn hưng dân tộc, đất nước. Sắp tới đây phải mở hơn nữa, cho kinh tế tư nhân tham gia, đầu tư hơn nữa vào giáo dục, khoa học công nghệ.

Kinh tế tư nhân có được thành công như ngày nay là nhờ Luật Doanh nghiệp. Để tạo bước tiến mới cho kinh tế tư nhân, về mặt thể chế tới đây cần sửa đổi, bổ sung ra sao, thưa ông?

Bản thân Luật Doanh nghiệp cũng có những hạn chế cần sửa đổi. Ví dụ Luật Doanh nghiệp hiện chưa đề cao việc bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số. Ở các nước, nếu cổ đông thiểu số bị lấn át thì có quyền kiện ra tòa. Phải sửa đổi để đảm bảo thiết chế dân chủ hơn nữa.

Thưa ông, về nguyên tắc muốn kinh tế tư nhân phát triển người dân phải được làm những những việc pháp luật không cấm, Nhà nước chỉ làm những việc mà tư nhân không thể làm. Nhưng hiện còn quá nhiều lĩnh vực tư nhân vẫn không được tham gia?

Đúng là như vậy. Tuy nhiên, hiện có xu hướng đáng lo ngại là cơ quan quản lý ngày càng be chắn, thắt chặt hơn sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, bằng việc đặt ra các giấy phép con.

Luật Doanh nghiệp khi ra đời đã xóa bỏ được 180 giấy phép con, chuyển đổi 286 giấy phép khác. Nhưng đến nay, giấy phép đã mọc thêm hơn 400 cái. Những giấy phép này được quy định trong luật, nghị định.

Điều này do bộ máy xây dựng luật pháp của Quốc hội chưa đứng ra đảm nhận việc soạn thảo mà vẫn dựa vào bộ máy của các bộ. Những cơ quan này lại xây dựng luật kiểu be bờ đắp đập, bảo vệ lợi ích của mình. Vì thế cần phải rà soát, triệt để xóa bỏ tình trạng đó.

Vậy phải làm gì để xóa được tình trạng nảy nở giấy phép con?

Phải để công chức sống được bằng lương. Thứ hai phải công khai minh bạch và quy trình soạn thảo phải đưa ra cho doanh nghiệp thảo luận. Các hiệp hội cũng phải có vai trò thật sự chứ không phải trở thành nhà dưỡng lão cho các quan chức về hưu.

Cũng cần đưa ra các luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân; luật của hiệp hội và luật về quyền đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản pháp luật. Làm sao, luật pháp phải xây dựng minh bạch để không ai có thể dựa dẫm vào nó để trục lợi.

Cảm ơn ông.

Nhìn lại thì thấy trong thời gian vừa qua chúng ta mới đổi mới chính sách. Đến nay muốn kinh tế tư nhân phát triển thì phải đổi mới về thể chế mà cụ thể là thể chế về kinh tế thị trường và có nguồn tài chính vững mạnh.

Bá Kiên - Phạm Tuyên
Thực hiện