“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tiền sẽ đổ vào chứng khoán

Nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm tiếp trong thời gian tới để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Techcombank.
 Ảnh: HỒNG THÚY

Kinh tế đang khá lên, nhiều dòng tiền đang chực chờ, khi lãi suất tín dụng giảm xuống như kỳ vọng thì chứng khoán hy vọng sẽ bật lên

Phiên giao dịch chứng khoán ngày 28-6, mặc dù có nhiều thông tin tốt hỗ trợ nhưng chứng khoán vẫn lình xình, chỉ số VN-Index chỉ tăng được 0,43%, còn HNX-Index tăng 0,47%, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 2.607 tỉ đồng, giảm nhẹ so với phiên liền trước. Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào dòng tiền sắp tới sẽ đổ vào thị trường mạnh hơn khi Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa mới họp với lãnh đạo các NH thương mại bàn cách quyết tâm hạ nhanh lãi suất tín dụng từ đầu tháng 7.

 
 
Lãi suất tiếp tục giảm
 
Theo đó, các NH thương mại quy mô lớn sẽ hạ lãi suất cho vay xuống 12% - 13%/năm (sau khi đã giảm khá nhiều trong mấy tháng qua), đồng thời theo lộ trình trong 3 tháng tới, các NH thương mại sẽ hạ dần lãi suất huy động từ 11,5% hiện nay xuống còn 10,5%. Việc giảm nhanh lãi suất đang khả thi vì mấy tháng qua chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng thấp, dư địa tín dụng còn nhiều.
 
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 25%, trong 6 tháng đầu năm mới đạt 10,5%, phần còn lại của nửa cuối năm là 14,5%. Sau nhiều tháng cầm chừng, trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã mạnh lên. Giới đầu tư kỳ vọng việc giảm lãi suất sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn, tăng hiệu quả hoạt động và lợi nhuận trong thời gian tới.
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, GDP cả nước tăng khoảng 6,2%, chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng tháng này chỉ ở mức 0,22%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khá mạnh, dư nợ nước ngoài trong hạn mức an toàn... Bức tranh kinh tế vĩ mô đang “hồng” lên so với năm trước nhưng chứng khoán vẫn trầm lắng, giá trị giao dịch hằng ngày đạt thấp.
 
 Trong thời gian nửa đầu năm, trên sàn TPHCM, bình quân chỉ đạt 1.890 tỉ đồng/phiên; còn trên sàn Hà Nội chỉ đạt bình quân 1.200 tỉ đồng/phiên, thấp hơn nhiều so với những tháng cuối năm 2009. So với ngày đầu năm, chỉ số VN-Index hiện thấp hơn 1,9%, HNX-Index kém hơn 10,4%. Nguyên nhân chính được các chuyên gia cho rằng đó là do vốn đổ vào chứng khoán còn hạn chế.
 
Nhiều dòng tiền đang hướng vào
 
Giá cổ phiếu trên hai sàn đang ở mức hấp dẫn, được xếp vào tốp thấp nhất thế giới. Nhiều cổ phiếu có chỉ số tài chính lành mạnh,  tương lai hoạt động tốt nhưng P/E năm nay ước tính chỉ ở mức 5 – 7 lần, bằng một nửa so với mức trung bình những năm trước. Trong khi nhà đầu tư trong nước chê cổ phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn cần mẫn mua ròng. Chỉ tính trên sàn TPHCM, trong 6 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 6.500 tỉ đồng, cao gấp hai lần so với cả năm trước. Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam nên họ tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán.
 
Tổng cục Thống kê cho biết từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu khoảng 36 tấn vàng (trị giá khoảng 1,3 tỉ USD). Như vậy, một lượng tiền lớn chuyển hóa từ vàng đang tiếp ứng cho nền kinh tế, trong đó có một phần đang chờ đổ vào chứng khoán. Mặt khác, do thị trường bất động sản ế ẩm, nhà đầu tư vẫn ôm tiền, nếu khi thấy chứng khoán có tín hiệu “xanh” thì một phần dòng tiền từ kênh này cũng sẽ tiếp ứng cho chứng khoán.
 
Chuyên gia tài chính Huỳnh Anh Tuấn nhận xét đến nay nỗi lo từ khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã nguôi dần, việc Trung Quốc siết chặt tín dụng để hạn chế bong bóng nhà đất cũng đang bị lãng quên. Còn trong nước, nền kinh tế vĩ mô đang khá lên, nhiều dòng tiền đang chực chờ, khi lãi suất tín dụng giảm xuống như kỳ vọng và kinh tế thế giới ổn định thì chứng khoán hy vọng sẽ bật lên.
Trần Phú Minh