Ông Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: V.Dũng |
Chiều 1-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt là quản lý thị trường vàng, giảm tình trạng đôla hóa... là những vấn đề đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể.
* Tuổi Trẻ: Theo nghị quyết của Chính phủ, sẽ có nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Xin thống đốc cho biết cụ thể nội dung của nghị định này?
Siết tín dụng bằng dự trữ bắt buộc Ngày 1-3, NHNN đã ban hành chỉ thị 01 về việc thực hiện các giải pháp tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, các ngân hàng phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. Trường hợp xây dựng kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 20%, các tổ chức tín dụng phải báo cáo NHNN để nơi này xem xét. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng giảm tốc độ và tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là cho vay bất động sản, chứng khoán. Đến ngày 30-6, tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến ngày 31-12 phải giảm xuống mức 16%. Trường hợp ngân hàng không tuân theo đúng quy định, NHNN sẽ áp dụng tỉ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai lần so với tỉ lệ dự trữ bắt buộc chung, đồng thời hạn chế phạm vi hoạt động trong sáu tháng cuối năm 2011 và năm 2012. Đến ngày 30-6, nếu tốc độ tăng tín dụng của ngân hàng vượt 20%, NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát tín dụng. NHNN cũng hạn chế việc ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như việc huy động và cho vay bằng vàng. A.H. |
Tất nhiên giữ vàng đã trở thành thói quen, tập quán của người Việt Nam..., tôi sẵn sàng lắng nghe thông tin từ các bên liên quan.
* Tuổi Trẻ: Việc tập trung đầu mối nhập khẩu vàng sẽ được thực hiện như thế nào?
- Đầu mối này có hai phương án.
Thứ nhất là NHNN giữ “hộp đen” đứng ra nhập luôn, sau đó về đấu thầu cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước. Tức là tôi nhập bao nhiêu anh không biết vì NHNN giữ “hộp đen” bí mật.
Thứ hai là chọn lựa một vài doanh nghiệp chuyên nghiệp, họ làm vệ tinh để nối liền chính sách của Chính phủ với thị trường. Chúng tôi sẽ chọn phương án tối ưu (chỉ thị của NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ban hành ngày 1-3 có nội dung “chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng” - PV).
* VnExpress: Vàng miếng trên thị trường tự do được hiểu như thế nào?
- Ví dụ như vàng miếng SJC, AAA... Trong xử lý chung, người dân yên tâm đây là tài sản bình thường.
* Đài truyền hình Việt Nam: Lộ trình tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do như thế nào, liệu việc này có dẫn tới hiện tượng lách luật bằng cách thay vì kinh doanh vàng miếng thì kinh doanh vàng dưới hình thức trang sức? Tới đây người dân sẽ được giao dịch vàng ra sao?
- Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ trong quý 2 năm nay trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nói tiến tới xóa bỏ nghĩa là sẽ có lộ trình đi mà không gây bất lợi cho nền kinh tế, kể cả quyền lợi của nhân dân. Một quốc gia không thể có nhiều phương tiện thanh toán, mà ở các khu đô thị hiện đã thanh toán với nhau bằng vàng miếng, mua món hàng này 30 lượng vàng thì thanh toán 30 lượng vàng... Còn việc tích trữ vàng bằng hình thức mua các sản phẩm đã chế tác thì không có vấn đề gì.
* Hãng tin Reuters: NHNN cho biết sẽ thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng đôla hóa, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, cụ thể ra sao? Liệu NHNN có áp dụng nâng dự trữ bắt buộc đối với USD?
- Đối tượng nào có tái tạo ngoại tệ thì được tiếp tục xem xét cho vay, còn những đối tượng không có tái tạo thì chuyển dần qua mua - bán. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, chúng ta tiến dần cân bằng xuất nhập khẩu để có nguồn ngoại tệ dồi dào, cung lúc nào cũng lớn hơn cầu. Về dự trữ bắt buộc, chính sách tiền tệ có nhiều công cụ, chọn lựa cái nào trong điều kiện cụ thể, ví dụ thanh khoản ngoại tệ đang cân bằng hoặc thiếu hụt một chút mà nâng dự trữ bắt buộc thì sẽ là “đổ dầu vào lửa”...
* Hãng tin Bloomberg: Xin thống đốc cho biết nội dung và lộ trình thực hiện đề án chống đôla hóa?
- Trong quý 2 này sẽ trình đề án lên cấp có thẩm quyền. Trước đây khi tôi mới về làm thống đốc NHNN đã có đề án chống đôla hóa, nhưng pháp lệnh ngoại hối quy định như hiện hành làm sao chống nổi, ví dụ cho phép người ta được nắm giữ, mang theo, rút ngân hàng tiền mặt..., thì phải điều chỉnh về mặt pháp luật.
* Sài Gòn Tiếp Thị: Hôm nay có hiện tượng một ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động lên 17%?
- Tôi đã nghe tin này, tuy nhiên chưa rõ địa chỉ cụ thể. Từ ngày 14-12-2010 đã có thống nhất lãi suất huy động của tất cả các tổ chức tín dụng là không quá 14%, kể cả khuyến mãi. Nếu có địa chỉ cụ thể thì tôi sẵn sàng xử lý. Nếu tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh nào tùy tiện nâng lãi suất thì đó là có hành động làm xáo trộn thị trường, không lành mạnh cho hệ thống.
* Hãng tin Dow Jones: Chính phủ Việt Nam yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, xin cho biết việc này được thực hiện như thế nào?
- Việc này không mới, năm ngoái đã thực hiện, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chấp hành tốt. Đến nay sau khi có yêu cầu nêu trên thì mấy hôm nay các tập đoàn và công ty con đã xem xét bán ngoại tệ. Việc này có tác động mạnh tới thị trường vì tính đến trưa 1-3 thì thị trường tự do đã giảm rất nhanh...
VÕ VĂN THÀNH ghi
Hội nghị thường niên Hội đồng thống đốc ADB sẽ diễn ra tại Hà Nội Ngày 1-3, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Haruhiko Kuroda và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã chủ trì cuộc họp báo về hội nghị thường niên hội đồng thống đốc của ADB sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 6-5 tại Hà Nội. Theo đó, hội nghị này sẽ có trên 3.000 đại biểu, bao gồm các nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng tài chính, các thống đốc ngân hàng trung ương và đại diện các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu... Hội nghị sẽ bàn về những vấn đề phát triển hiện nay mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt. Ông Kuroda cho biết hài lòng với việc ADB đã thông qua một khoản hỗ trợ tài chính trị giá 1 tỉ USD cho Việt Nam, là một phần của chương trình đầu tư trị giá 2,8 tỉ USD, giúp 3 triệu gia đình ở Việt Nam cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch, trong số này có 500.000 hộ gia đình nghèo lần đầu tiên được lắp đường ống riêng. V.V.T. |