“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Tập đoàn kinh tế nhà nước: Vẫn đang buông lỏng

 
Các tập đoàn kinh tế nhà nước là lực lượng sản xuất kinh doanh chính của kinh tế nhà nước.
(LĐ) - Các tập đoàn kinh tế nhà nước là lực lượng sản xuất kinh doanh chính của kinh tế nhà nước, nhưng các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đang bộc lộ hàng loạt khiếm khuyết.

Cả nước hiện đang có 8 tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKT), cùng một số TCty nhà nước tuy chưa được quyết định là TĐKT nhưng đã hoạt động, có đặc điểm của TĐKT. Các TĐKT nhà nước là lực lượng sản xuất kinh doanh chính của kinh tế nhà nước, nhưng các TĐKT nhà nước cũng đang bộc lộ hàng loạt khiếm khuyết mà hội thảo "TĐKT - lý luận và thực tiễn" (ngày 25.5) đã nêu ra để nhằm tìm hướng khắc phục.

Ra đời bằng quyết định hành chính

Theo các chuyên gia kinh tế, các TĐKT lớn của Nhà nước đều được hình thành từ quyết định hành chính trên cơ sở tổ chức lại TCty nhà nước, mà chưa có TĐKT nào được hình thành trên cơ sở các DN tự phát triển, tích tụ và tập trung vốn, đầu tư chi phối các DN khác bằng các biện pháp sáp nhập, mua cổ phần, góp vốn để hình thành các liên kết bền chặt và phát triển thành TĐKT; cũng chưa có TĐKT nào được thành lập do các DN độc lập tự nguyện liên kết với nhau để tạo thành TĐKT có tiềm lực kinh tế, tài chính đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; sau đó, tiếp tục sử dụng tiềm lực đó để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lĩnh vực hoạt động và đầu tư thâm nhập, thôn tính các DN khác để phát triển tập đoàn.

Việc triển khai và thành lập một số tập đoàn chưa hội đủ điều kiện cần thiết, kể cả không thực hiện đúng quy định pháp luật. Chẳng hạn: Việc cho phép vận hành mô hình có Cty con là Cty nhà nước, TCty, thậm chí vẫn còn để nguyên là Cty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị hạch toán độc lập. Cách làm này không phù hợp với các văn bản pháp luật về mô hình Cty mẹ - Cty con.

Việc quản lý, giám sát của Nhà nước đối với TĐKT nhà nước cũng đang tồn tại nhiều bất cập trong việc chưa xác định đầu mối chủ sở hữu. Cùng một lúc đang có nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện vai trò chủ sở hữu đối với TĐKT dẫn đến sự trùng lặp và chồng chéo.

Chưa có quy định về quản lý, giám sát đối với TĐKT nhà nước và TCty lớn, vì thế không kiểm soát được mục tiêu hoạt động, cơ cấu đầu tư, ngành nghề chính, mục tiêu trở thành các doanh nghiệp chủ chốt của kinh tế nhà nước, đảm bảo các lĩnh vực chiến lược, an ninh kinh tế của quốc gia.

Tiến sĩ Trần Xuân Lịch - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - nhận xét: "Hiện nay, TĐKT nhà nước đang chi phối các thị trường điện, than - khoáng sản, dầu khí, viễn thông, caosu..., nhưng quản lý nhà nước đối với TĐKT nhà nước có nhiều hạn chế. Hiện khu vực TĐKT nhà nước tiềm ẩn những nguy cơ của hạn chế cạnh tranh, độc quyền, thống lĩnh thị trường, hiệu lực quản lý nhà nước trong vấn đề này còn kém".

Đầu tư dàn trải


Bên cạnh việc chỉ ra kết quả đầu tư cho các TĐKT hiệu quả rất thấp, các số liệu công bố tại hội thảo cho thấy, TĐKT và TCty nhà nước đang có tình trạng đưa nguồn vốn khổng lồ của mình đem đầu tư dàn trải, đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng... mà không tập trung vào ngành kinh doanh thuộc thế mạnh của mình.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 70 TCty và TĐKT, đã có 28 TCty tham gia góp vốn thành lập Cty chứng khoán, ngân hàng thương mại, Cty quản lý quỹ, Cty bảo hiểm và bất động sản với giá trị vốn lên tới 23.344 tỉ đồng, bằng 8,7% vốn chủ sở hữu. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ là 1,1 lần vốn chủ sở hữu, TCty Thuốc lá 15,1%, TCty Đường sông Miền Nam 50,2%...

Các TĐKT và TCty nhà nước đã huy động vốn bên ngoài gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Một số TCty đã huy động nguồn vốn bên ngoài "khổng lồ" như TCty XD công trình giao thông 5 là 42 lần, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ là 21 lần...

Số liệu của BCĐ đổi mới và phát triển DN cho biết, tính đến 31.12.2007: 16 TĐKT và TCty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng số tiền 4.965 tỉ đồng; 9 TĐKT, TCty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán giá trị 316 tỉ đồng; 12 TĐKT, TCty đầu tư vào tài chính, bảo hiểm giá trị 6.518 tỉ đồng; 10 TĐKT, TCty đầu tư vào các quỹ đầu tư với giá trị 933 tỉ đồng; 13 TĐKT, TCty đầu tư 2.331 tỉ đồng vào lĩnh vực bất động sản. Như vậy, các tập đoàn, TCty đã đầu tư khoảng 15.063 tỉ đồng vào các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản.

Do các TĐKT nhà nước hiện đang nắm giữ nhiều nguồn lực của quốc gia, việc làm như vừa nêu đã dẫn tới chi phối thị trường, thu hẹp vai trò của các DN khác và khu vực kinh tế khác; gây nên tình trạng thiếu minh bạch trong vấn đề thể hiện vai trò là một chủ thể kinh doanh với vai trò là công cụ quản lý của Nhà nước.

Công Thắng