“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Siết quản lý không chỉ với vàng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

>> Giá vàng trong nước lao lên 33,45 triệu đồng/lượng
 >> Huy động bằng vàng tương đương 73.000 tỷ đồng

 Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư 22 hạn chế nghiệp vụ giao dịch vàng của các ngân hàng thương mại là một quyết định đúng.

Quyết định này nhằm khắc phục các hậu quả (không rõ đã được lường trước hay chưa) của một quyết định cũng do Ngân hàng Nhà nước ban hành cách đây 10 năm. Đó là Quyết định 432/2000/QĐ-NHNN ngày 3-10-2000 cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép hoạt động ngoại hối thực hiện thêm nghiệp vụ huy động vốn và sử dụng vốn bằng vàng, bằng đồng tiền Việt Nam (VND) đảm bảo giá trị theo giá vàng.

Chắc 10 năm trước, ai đó lập luận rằng người Việt Nam hay sử dụng vàng và, như thế, một nguồn vốn lớn đọng trong dân cư cần được huy động vào phát triển đất nước. Suy nghĩ đó là hợp lý. Tuy nhiên, những hậu quả không (hay đã được) lường trước của nó nay đã đến mức có thể gây nguy hại cho hệ thống ngân hàng, có thể làm tổn hại đến sứ mạng của ngân hàng trung ương là đảm bảo sức mạnh của đồng tiền quốc gia.

Thông tư 22 là giải pháp đúng để khắc phục, tuy vẫn mang tính giật cục, nước đến chân mới nhảy.
Thực ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết vàng cũng là loại ngoại tệ mạnh. Chính vì thế chỉ các ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối mới được huy động và cho vay vàng.

Vì sao nên nỗi vàng hóa?

Nhưng có lẽ không có đánh giá tác động phụ của Quyết định 432 trước khi ban hành và cũng chưa có đánh giá liên tục về các tác động phụ ấy trong mười năm qua. Chỉ đến khi các tác động phụ gay gắt đến mức không thể chịu nổi thì Ngân hàng NN mới ra tay giải quyết.

Quyết định 432 khuyến khích các ngân hàng huy động và cho vay vàng cũng như đảm bảo giá trị theo giá vàng, chuyển đổi một phần vốn huy động bằng vàng thành vốn VND để kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đấy là khuyến khích chính mà chính sách muốn tạo ra. Tính đến tháng 9-2010, số dư huy động vàng là gần 93 tấn (tương đương 73 ngàn tỷ đồng hay khoảng 4 tỷ USD). Đấy là minh chứng cho kết quả đúng của chính sách.

Thông tư 22 hạn chế nghiệp vụ giao dịch vàng là giải pháp đúng, nhưng vẫn giật cục
Thông tư 22 hạn chế nghiệp vụ giao dịch vàng là giải pháp đúng, nhưng vẫn giật cục . Ảnh: Hồng Vĩnh

uy nhiên, Quyết định 432 cũng tạo ra các hệ lụy khác. Thí dụ, nó càng làm cho người ta cảm nhận rõ ràng hơn tính ngoại tệ của vàng và có thể đầu cơ, mua bán kiếm lời. Có thể nói, một phần của thị trường tiền tệ (một thị trường tinh vi, ẩn chứa nhiều rủi ro và cần được chuyên môn hóa cao) đã được dân chúng hóa chứ không được chuyên nghiệp hóa.

Sự nở rộ các sàn vàng mấy năm vừa qua là một biểu hiện rất rõ của tác động phụ, khuyến khích đầu cơ, của Quyết định 432. Nó cũng khiến người dân bớt tin vào đồng tiền nội địa, đồng Việt Nam, làm cho nền kinh tế vốn đã bị đô la hóa cao nay lại bị vàng hóa thêm nữa.

Nền kinh tế Việt Nam bị vàng hóa đến mức Việt Nam, một nền kinh tế nhỏ lại trở thành nước đứng thứ năm thế giới về xuất nhập khẩu vàng, và mỗi hành động liên quan đến việc cho phép xuất nhập khẩu vàng của Việt Nam có ảnh hưởng mạnh đến giá vàng thế giới (tương tự theo kiểu hạn chế xuất gạo).
Sau vàng phải đến lượt USD.

Đó là chỉ nhắc đến vài tác dụng phụ mà Quyết định 432 đã gây ra. Phần lớn các tác dụng phụ do chính sách gây ra có thể lường trước nếu được phân tích, tranh luận một cách xây dựng. Nếu các nhà hoạch định chính sách chịu khó lắng nghe thì có thể đưa ra các chính sách có chất lượng hơn hay hiệu chỉnh một cách kịp thời, chứ không để sau 10 năm mới sửa một cách giật cục, như cách Thông tư 22 “sửa” quyết định 432.

Mọi chính sách đều có các tác động phụ. Chúng có thể lường trước hay khó có thể lường trước. Chúng cũng có thể tốt hay xấu. Chính vì thế, việc mổ xẻ, phân tích, tranh luận về các chính sách từ khi mới hình thành ý tưởng trong khi soạn thảo, ban hành và thực hiện, là rất quan trọng. Chỉ thế mới có thể nâng cao chất lượng chính sách, có thể nhanh chóng điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế.

Chính sách nào cũng tạo ra các khuyến khích thúc đẩy các tác nhân trong xã hội hoạt động (chủ yếu vì lợi ích của chính mình). Chính sách tốt là chính sách thúc đẩy các tác nhân kinh tế hoạt động theo các mục tiêu mà chính sách đề ra. Ngược lại là chính sách tồi.

Không ngân hàng trung ương của quốc gia nào không đặt việc bảo vệ sức mạnh của đồng tiền quốc gia làm mục tiêu hàng đầu. Không chỉ với vàng mà cả với USD nữa cũng cần các biện pháp mạnh để chống đô la hóa khá phổ biến hiện nay.

Đến nay, có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay bằng vàng; cuối tháng 9-2010, số dư huy động bằng vàng là 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng cho vay chỉ chiếm 60% so với vốn huy động bằng vàng.

Việc ban hành Thông tư 22, theo hướng thu hẹp huy động và cho vay bằng vàng, là việc làm tiếp theo của các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm nay, như cấm hoạt động đối với các sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, cho phép nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng chống nhập lậu vàng. 

Nguyễn Quang A