- Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm (HCTL) hiện nay, khi tại nhiều địa phương đang diễn ra nhiều HCTL đánh lừa người tiêu dùng theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”?
- Trước hết, phải thừa nhận, các hoạt động HCTL trong nước đang ngày càng phát triển về quy mô và hình thức. Riêng năm 2009 có hơn 300 HCTL được tổ chức trên toàn quốc, trong đó hơn 70% tập trung ở Hà Nội và TPHCM. Hiện nay có xu thế làm triển lãm chuyên ngành như triển lãm về đồ gỗ, thuỷ hải sản, điện, xây dựng… Đây là xu thế chung của thế giới và cũng là hình thức hiệu quả hơn với các doanh nghiệp khi tìm kiếm đối tác.
Hình thức hội chợ theo kiểu đông vui, vừa là hội, vừa là chợ trước đây đã không còn phù hợp tại các thành phố lớn mà chủ yếu diễn ra tại các địa phương, như là một hoạt động mang tính chính trị, thể hiện văn hoá vùng. Bộ Công Thương đã uỷ quyền cho sở Công Thương các địa phương được toàn quyền chấp thuận đăng ký tổ chức HCTL tại địa phương mình. Tuy nhiên, đây cũng chính là đất để nảy sinh những nhộn nhạo, “đánh bùn sang ao” của một số doanh nghiệp lợi dụng hội chợ để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc quảng cáo một đằng bán một nẻo.
Tôi cho rằng, để làm tốt công tác tổ chức HCTL, công tác hậu kiểm phải được tăng cường, trong đó có vai trò trách nhiệm, giám sát của sở Công Thương và các lực lượng chức năng địa phương phải được đặt lên hàng đầu. Có vậy mới có thể đảm bảo hội chợ, hay triển lãm ấy, quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm hại. Trên thực tế, một HCTL ở Cà Mau hay Sóc Trăng thì Bộ Công Thương không thể đi kiểm tra từng nơi được mà sở Công Thương tại các địa phương ấy phải chịu trách nhiệm về việc này.
|
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Đỗ Thắng Hải. |
- Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực HCTL cho rằng, dù hoạt động HCTL ở Việt Nam đã có bề dày 20 năm, nhưng cho đến thời điểm này cơ sở hạ tầng cho hoạt động XTTM này vẫn chưa có, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đây đúng là bất cập lớn nhất của chúng ta hiện nay, đặc biệt là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Hiện VN vẫn chưa có một nơi tổ chức HCTL cho xứng tầm quốc gia, chưa nói đến xứng tầm khu vực. Bất cứ chỗ nào cũng có thể làm nơi tổ chức HCTL, miễn là có diện tích tương đối lớn, như cung thiếu nhi, nhà văn hoá, thậm chí cả sân vận động…
Các HCTL lớn nếu tổ chức tại Hà Nội thì đều diễn ra tại Trung tâm HCTL Giảng Võ, nhưng thử nhìn lại cũng có thể thấy phần lớn diện tích đã được xẻ ra cho thuê dài hạn, các diện tích để dành cho triển lãm và các gian hàng phục vụ hội chợ rất ít.
Một hội chợ được đánh giá là lớn nhất của VN hiện nay là Vietnam Expo nếu so với khu vực thì cũng quá nhỏ bé về quy mô với số lượng gian hàng chưa đến 700 gian, các công trình phụ trợ đi kèm như nhà ăn, trung tâm thông tin, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo đi kèm thiếu và yếu…
Trong khi đó, chỉ một tỉnh miền núi như Nam Ninh (Trung Quốc), họ đã có những trung tâm triển lãm có sức chứa hơn 3000 gian hàng, quỹ đất để xây dựng các công trình phụ trợ hoành tráng với các trung tâm xúc tiến thương mại, khu chiêu đãi… riêng.
Theo tôi được biết, hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Văn hoá Thông tin và Du lịch làm đầu mối để xây dựng một trung tâm HCTL tại Mễ Trì (Hà Nội) nhưng đến nay đã mấy năm, đề án vẫn đang ở dạng phôi thai. Chính những bất cập này khiến những người tổ chức HCTL để làm tốt đã rất khó, chưa nói tới việc thu hút, hấp dẫn các đối tác nước ngoài.
Bên cạnh đó cũng phải thừa nhận là bản thân các doanh nghiệp tổ chức HCTL, trừ một vài doanh nghiệp như Vinexad, Vietfair (Hà Nội), Trafac (TPHCM)… đã xây dựng được tên tuổi trên thị trường, thì số doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa tương xứng với tiềm năng, tiếng nói chung của Hiệp hội ngành chưa có.
Đó là chưa nói đến một yếu tố rất quan trọng làm nên sự thành công của một HCTL, đó là ý thức của các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Theo tôi, hiện tượng các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị bài bản cho việc tham gia; tham gia theo phong trào hay đơn giản chỉ tham gia để bán hàng tồn vẫn còn nhiều, thậm chí phổ biến.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng quy định các chương trình XTTM quốc gia bắt buộc phải thông qua các hiệp hội ngành hàng, như vậy sẽ lại đẻ ra hình thức bán pháp nhân giữa đơn vị được quyền tổ chức với các doanh nghiệp có chức năng hoạt động HCTL. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo tôi, các chương trình XTTM quốc gia hiện nay đã được giao cho các địa phương, có cả một hội đồng thẩm định. Doanh nghiệp tổ chức hội chợ muốn nhận được sự kiện này sẽ buộc phải tham gia đấu thầu. Đó là sự cạnh tranh bình đẳng để tìm ra nhà thầu chuyên nghiệp, phù hợp, chứ không phải là bán pháp nhân. Còn việc phải thông qua hịêp hội ngành hàng là rất cần thiết vì hơn ai hết, họ hiểu rõ doanh nghiệp ngành họ cần quảng bá cái gì và doanh nghiệp nào đủ năng lực tham gia hội chợ…
- Xin cảm ơn ông!