Từ đào tạo đơn ngành vươn lên thành trường đào tạo đa ngành, đa cấp
Với tên gọi ban đầu là trường Đại học quản lý và kinh doanh Hà Nội, những năm đầu, Trường đào tạo 3 ngành: Quản lý kinh doanh, Tiếng Anh kinh doanh và Tin học quản lý, song chủ yếu là đào tạo ngành Quản lý kinh doanh. Mấy năm gần đây, nhà trường đã tách dần các chuyên ngành thuộc ngành Quản lý kinh doanh ra để đào tạo như những ngành độc lập. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao về kỹ thuật - công nghệ của xã hội, nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm một số ngành kỹ thuật - công nghệ. Hiện nay, Trường có các chương trình đào tạo bậc đại học cho 10 ngành: quản lý kinh doanh; thương mại; tài chính - ngân hàng; kế toán; du lịch; tiếng Anh kinh doanh; tiếng Trung kinh doanh; công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện tử; kỹ thuật cơ - điện tử.
Từ tháng 5 năm 2006, cùng với việc đào tạo mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, Trường đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ cho phép đổi tên thành Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Với cả 3 cấp độ đào tạo (Đại học, Cao đẳng 3 năm và Cao đẳng 2 năm) Trường đang có 20 chương trình đào tạo hướng vào 10 ngành nghề khác nhau, tạo thuận lợi cho sinh viên lựa chọn. Nhờ vậy mà mấy năm gần đây đã thu hút được 8.000-9.000 sinh viên, tăng 10 lần so với năm đầu thành lập. Bên cạnh các hình thức đào tạo truyền thống, hình thức hợp tác đào tạo với các trường đại học nước ngoài cũng đã được Trường mở ra từ năm 1999. Trường đã ký thoả thuận hợp tác đào tạo với trường Đại học Saxion - một trường đại học công lập lớn của Hà Lan, theo công thức 3 + 1: 3 năm đầu học tại Trường, rồi sang Hà Lan học tiếp năm thứ tư, và học bằng tiếng Anh, để nhận bằng Cử nhân. Đã có trên 100 sinh viên được gửi sang Hà Lan theo hình thức này. Cũng theo con đường hợp tác với trường Đại học Saxion, Trường đã gửi 20 sinh viên tốt nghiệp sang Hà Lan và Anh học chuyển tiếp thạc sĩ. Trường cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đào tạo với trường Đại học Hope (Mỹ). Đợt đầu tiên đã có 5 sinh viên sang Mỹ học thạc sĩ, chưa kể một số sinh viên tốt nghiệp Trường đã được một số trường đại học ở Mỹ trực tiếp tuyển chọn và cấp học bổng để học thạc sĩ. Mấy năm gần đây, để mở rộng quy mô hợp tác đào tạo, nhà trường đã tìm hướng sang Đài Loan là nơi có học phí chỉ bằng 20% các nước Âu - Mỹ, mà chất lượng đào tạo thì lại thuộc đẳng cấp quốc tế. Chỉ trong 3 năm, trường đã gửi 44 sinh viên tốt nghiệp sang học thạc sĩ tại Đài Loan và 100 sinh viên sang đào tạo cử nhân, theo công thức 2+2, và 1+3.
Với một đội ngũ Tiến sĩ - Giáo sư hùng hậu, dày dạn kinh nghiệm quản lý và với kết quả đào tạo bậc cao đẳng, đại học qua nhiều năm, Trường đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép mở bậc đào tạo thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Bên cạnh các chương trình đào tạo dài hạn, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý đương chức cũng được Trường triển khai ngay từ những năm đầu. Chương trình đã thu hút được trên 600 cán bộ quản lý doanh nghiệp từ cấp giám đốc, trưởng, phó phòng, đến quản đốc phân xưởng tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Trường cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở các Hệ đào tạo tại chức, đào tạo văn bằng II và đào tạo liên thông là những hình thức đào tạo đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của xã hội.
Đồng thời, đáp ứng nguyện vọng của nhiều bậc phụ huynh học sinh, Trường đã tổ chức một khoá học đặc biệt dành cho những thí sinh chưa đủ điểm vào đại học, gọi là khoá học hướng nghiệp - hướng vào những nghề nghiệp mà Trường đào tạo. Học sinh đã qua khoá học hướng nghiệp thường đạt tỷ lệ trúng tuyển vào đại học bằng 3-4 lần học sinh trung học phổ thông. Các khoá học hướng nghiệp mỗi năm thu hút trên dưới một ngàn học sinh theo học. Trong tổng số 14.800 thí sinh trúng tuyển vào Trường trong 10 năm qua, có tới 3.935 thí sinh đã qua khoá học hướng nghiệp, chiếm 26%.
Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao
Xác định nhiệm vụ của mình là đào tạo các nhà kinh tế thực hành - các nhà quản lý kinh doanh - tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các doanh nghiệp, gần đây mục tiêu đào tạo của Trường được mở rộng sang lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, nhằm bổ sung các nhà kỹ thuật thực hành cho các doanh nghiệp.
Với quan điểm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sinh viên của trường, dù học bất cứ ngành nào cũng đều phải thành thạo kỹ năng tin học ứng dụng và tiếng Anh (trình độ C). Nhà trường đã trang bị 1.100 máy vi tính (bình quân 8 sinh viên /1 máy) đủ cho mỗi sinh viên 1 máy trong giờ học và thực hành tin học. Không chỉ sinh viên đại học, cao đẳng, mà cả sinh viên trung cấp chuyên nghiệp cũng được đào tạo “bài bản” về kỹ năng tin học ứng dụng. Một chuyên viên kế toán, mỗi chuyên viên thương mại xuất thân từ Trường đồng thời là một kỹ thuật viên máy tính. Việc đào tạo công phu hai kỹ năng này đã tạo nên nét đặc trưng riêng của sinh viên Đại học Quản lý và Kinh doanh Hà Nội, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Để khắc phục tình trạng “dạy chay, học chay”, nhà trường đã tổ chức biên soạn 90 bộ giáo trình (bằng 270 đơn vị học trình) để cung cấp cho sinh viên làm tài liệu tự học, tự nghiên cứu. Thư viện nhà trường được bổ sung lượng sách báo ngày càng phong phú và được trang bị máy vi tính để sinh viên truy cập Internet theo nhu cầu.Việc bồi dưỡng tư duy phân tích, sáng tạo cho sinh viên đòi hỏi nhà trường phải đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy của giảng viên: giảm thuyết trình độc thoại, tăng đối thoại giữa thầy và trò, tăng thảo luận tình huống, tăng thảo luận xêmina, thầy với trò cùng giải đáp thắc mắc, cùng sửa chữa bài tập, v.v…Lãnh đạo nhà trường cũng hạ quyết tâm bài trừ tận gốc tệ quay cóp trong thi cử, bằng cách chuyển từ phương thức thi tự luận sang phương thức trắc nghiệm khách quan trên máy vi tính. Phương thức thi này tuy còn có một số nhược điểm, song, ưu điểm của nó rất cơ bản: diện kiến thức được kiểm tra rộng hơn, không còn đất cho hiện tượng “mua thầy bán điểm”, không còn đất cho quay cóp. Để làm được việc này, nhà trường đã từng bước trang bị thêm máy vi tính, thiết kế phần mềm chấm thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (hiện đã có 32.000 câu).
Chất lượng đào tạo của nhà trường được minh chứng bằng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm đựơc việc làm phù hợp rất cao. 10 năm qua, trong số sinh viên từ khoá 1 đến khoá 6 có 96% đã có việc làm, trong đó 38% có việc làm trong khu vực nhà nước, 9% có việc làm tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 42% có việc làm tại các doanh nghiệp tư nhân trong nước, 3,3% tự tạo ra việc làm bằng cách lập ra doanh nghiệp của chính mình.
Đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện
Năng lực đào tạo và chất lượng đào tạo của một trường đại học phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Năm đầu thành lập, Trường mới có trên 30 cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy và nhân viên phục vụ, bảo đảm được 20% số tiết giảng cho 800 sinh viên. Đến nay, số cán bộ, giảng viên, nhân viên đã tăng lên 320 người, bảo đảm được 80% số tiết giảng cho 9.000 sinh viên.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường hiện nay gồm có 209 người, trong đó, 73 người có trình độ TS, TSKH, PGS và GS, chiếm 35%, 85 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 40%, chiếm 75% tổng số giảng viên cơ hữu. Ngoài giảng viên cơ hữu, Trường còn có sự cộng tác của 147 giảng viên thỉnh giảng, trong đó, 31 người có trình độ TS -GS, 41 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 49% tổng số giảng viên thỉnh giảng. Là một trường dân lập, Trường được tổ chức theo mô hình tư thục nhưng không kinh doanh giáo dục, mà là một tổ chức phi lợi nhuận, lấy việc đào tạo thế hệ trẻ làm mục đích của mình.
Theo GS. Trần Phương,- Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, thời gian qua nhờ xử lý một cách thoả đáng, hài hoà các lợi ích, Trường đã không vấp phải những tranh chấp về lợi ích. (Người góp vốn thì nhận được lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Người lao động thì nhận được lương và thưởng tương đương với mặt bằng lương của xã hội. Sinh viên thì nhận được dịch vụ đào tạo tương xứng với học phí đã trả).
Vừa qua, với sự đóng góp của các cổ đông, sau 9 năm hoạt động, nhà trường đã đưa vào sử dụng ngôi trường mới với 2 khối nhà 6 tầng và 7 tầng, với diện tích sàn 20.000 m2, đủ chỗ làm việc và học tập cho 300 cán bộ nhân viên và 8.000 sinh viên, chấm dứt một chặng đường đầy khó khăn: “trường thuê, thày mướn”. Đây cũng là một cái mốc ghi nhận thành công của thể chế dân lập - tư thục: chỉ dựa vào sức mình mà xây được trường sở khang trang cho sinh viên học tập.
Thanh Tùng