“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Những khu dân cư không người

 
 
 
Sau khi tách địa bàn hành chính, những quận ven TP.HCM trở thành trung tâm của những dự án mới. Hàng loạt khu dân cư xuất hiện với quy mô hàng ngàn ha. Nhưng hơn 10 năm sau khi được quy hoạch, nhiều dự án vẫn không có người ở.
Hạ tầng hoàn chỉnh nhưng chẳng ai vào ở
                                                                         - Ảnh: Thanh Tòng

Trung bình mỗi quận mới hiện có đến hàng trăm dự án đủ các kiểu, từ khu dân cư mới đến các dự án công cộng. Dự án sở hữu ít thì chục ha, nhiều thì hàng trăm ha, biến hàng ngàn ha đang trong tình trạng hoang hóa.

Đất dự án thành bãi xe container

Dọc theo tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường, Bưng Ông Thoàn thuộc quận 9, tồn tại có đến vài chục dự án đã xong hạ tầng, đường sá thẳng tắp, nhưng mỗi dự án chỉ có khoảng chục căn nhà được xây dựng. Nhìn từ xa, lam nham như những đốm da beo. Ngay từ đầu đường Liên Phường, những dự án khu dân cư mới như Kiến Á, Nam Long, nhà Phú Nhuận... một thời sốt “giá” giao dịch với hàng ngàn sản phẩm, nhưng giờ tại mỗi dự án chỉ vài chục căn nhà được xây dựng.

Nhiều khách hàng tại cụm dự án ven sông Rạch Chiếc ngao ngán vì dự án vướng giải tỏa nên cả chục năm nay để làm bãi xe container. Tạt qua đường Dương Đình Hội, dự án Khang Điền, Gia Hòa mặc dù có vị trí đẹp, nhưng số lượng nhà xây cũng chỉ đạt vài phần trăm. Cặp theo đường Nguyễn Duy Trinh, hàng loạt dự án như Bách Khoa, khu nhà ở Long Trường... cũng là những mảng đất trống, không người ở.

Tại quận 2, nơi được xem là có vị trí chiến lược, là thước đo nhiệt của thị trường địa ốc, các dự án cũng lâm vào cảnh đất nhiều người ít. Ngay tại dự án được đánh giá có vị trí đẹp nhất, nằm ven xa lộ Hà Nội, ngoài những chung cư mới, đất nền chủ yếu vẫn để cỏ mọc. Các dự án ven đường 25B cũng lởm chởm nhà chen lẫn với cỏ.

Khu vực quận 7, Bình Chánh, dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh, cách đây khoảng 8 năm, vào thời “vàng son” của thị trường địa ốc, bảng giới thiệu dự án mọc gần kín hai bên đường, đến nay chỉ còn trơ lại vài khung sắt hoen gỉ...

Lãng phí lớn

Trong những cuộc họp gần đây của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM liên quan đến những chính sách về đất đai, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP, từng lên tiếng rằng: “TP có bao nhiêu dự án, tiến độ dự án làm tới đâu, thực hiện thế nào, Sở không nắm được. Mỗi dự án nhanh hay chậm, phát triển hay không đành trông vào cái tâm, cái tầm của chủ đầu tư”. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án khu dân cư mới hiện nay tại TP.HCM vẫn chỉ là đất hoang?

Đất hoang lãng phí đã đành, lãng phí hơn nữa là hệ thống hạ tầng được xây dựng kèm theo các dự án. Điện, đường, trường, trạm là những hạng mục buộc phải có của từng dự án. Nhưng đầu tư xong thì để đó, hư hỏng, xuống cấp theo năm tháng. Chắc chắn một điều khi đưa vào sử dụng thì phải thay mới hoặc bỏ ra thêm một khoản tiền không nhỏ để duy tu, nâng cấp, bảo dưỡng. Hiện tượng này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước song dường như những cảnh báo đó không đủ “nặng” để các cơ quan quản lý tìm được giải pháp khắc phục.

Trung bình mỗi dự án dành ra khoảng 15% diện tích đường giao thông nội bộ. Theo số liệu của Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.9 thì tại địa bàn này hiện có hơn 230 dự án lớn nhỏ, với tổng diện tích đất khoảng 3.500 ha. Nếu tạm tính 15% trên tổng số đất thuộc các dự án, thì có đến khoảng gần 500.000m2 mặt đường nội bộ đã và đang được xây dựng. Nhân diện tích này với đơn giá làm đường ước tính khoảng 200.000 đồng/m2, thì có đến hàng trăm tỉ đồng đang bỏ hoang.

Tương tự tại các quận khác như quận 2, 7, 12, Bình Chánh, Nhà bè, Hóc Môn, số lượng dự án và tổng diện tích đất làm dự án cũng tương đương nhau. Đồng nghĩa với một số tiền khổng lồ đang bị lãng phí.

Trả lời báo chí bên lề một hội nghị về địa ốc, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, Nghị định 181 đã có quy định rõ, dự án nào không cất nhà sẽ thu hồi lại đất. Nói là vậy, nhưng các cơ quan bên dưới đều lắc đầu bảo khó thực hiện. Người mua đất đầu tư thì không muốn thêm tiền cho khoản xây dựng; người mua để ở thì cơ sở hạ tầng xã hội không có, chủ đầu tư không muốn xây dựng nhà vì sợ giá thành cao khó bán sản phẩm nên đẩy qua cho khách hàng. Không ít dự án, để “né” luật, thường ký với khách hàng hai hợp đồng, một là hợp đồng sang nhượng nền đất, hợp đồng còn lại là trách nhiệm xây dựng nhà. Thời hạn phải xây dựng là 1 năm. Tuy nhiên thời hạn này hết thì cũng... chẳng sao vì có thể xin gia hạn thêm.

Thanh Tòng