“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Những chiêu hút khách của công ty chứng khoán

                                              Cty chứng khoán hỗ trợ khách hàng bằng các dịch vụ khác nhau.

 

 

Trong bối cảnh thanh khoản bất ngờ của thị trường vừa qua, ngoài dòng tiền mới đổ vào thị trường từ những kênh đầu tư khác, còn phải kể đến dòng vốn được nhiều Cty chứng khoán hỗ trợ khách hàng bằng các dịch vụ khác nhau, từ công khai đến "bí mật".

Từ tiện ích...

Một trong những tiện ích nổi bật nhất được khách hàng đánh giá cao là giao dịch trực tuyến. Mặc dù vẫn phụ thuộc lớn vào đường truyền Internet nhưng dịch vụ này "văn minh" hơn hẳn cảnh chen chúc đặt lệnh tại quầy, nhất là khi hiện nay việc truy cập mạng rất đơn giản. Điều này càng tiện lợi khi cả HoSE và HaSTC đã cho phép giao dịch trực tuyến.

Đặc biệt, một số Cty chứng khoán (CTCK) mới đây đã cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán trực tuyến. Tiện ích này đã thay thế một loạt các thủ tục giấy tờ mất thời gian đang diễn ra phổ biến. NĐT sau khi bán có thể thực hiện nhận tiền ứng trước ngay lập tức để đảo danh mục. Toàn bộ quy trình chỉ mất vài giây. Tiện ích này vừa qua đã góp phần không nhỏ đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn và độ linh hoạt của NĐT, tăng tính thanh khoản cho thị trường. 

... đến dịch vụ rủi ro


Bên cạnh những cải tiến mang tính quy trình nghiệp vụ để hút khách, một số CTCK mới đây còn cung cấp giới hạn những ưu đãi có rủi ro. Dịch vụ ứng trước tiền bán, cầm cố CK với giá cao, lãi suất thấp bây giờ không còn là mốt nữa. Một số Cty đã xé rào thực hiện cho vay tiền theo dạng tài khoản ký quỹ và cho vay CK để vượt giới hạn T+4.

Dịch vụ được quảng bá công khai mới đây nhất là của CTCK An Bình. Thực chất dịch vụ này là cho vay trên cơ sở tài sản đảm bảo là CK đang có. Chẳng hạn với dịch vụ T+0, khi tài khoản NĐT đang có tổng giá trị CK (không bị cầm cố) là 100 triệu đồng, NĐT chỉ cần có thêm 30 triệu là có thể vay được 70 triệu nữa từ Cty. Thời hạn trả là từ buổi sáng đến 3 giờ chiều. Hết thời hạn kể trên, nếu không nộp đủ 70 triệu đồng còn thiếu trong ngày T+1, T+2, T+3, Cty sẽ bán số CK có sẵn trong tài khoản của NĐT để thu tiền thanh toán còn thiếu.

Cũng là một cách hỗ trợ vốn, CTCK KimEng mới đây phối hợp với CTCP Đầu tư Tài chính công đoàn dầu khí VN (PVFI). Khách hàng thông qua Cty để lập hồ sơ đề nghị PVFI hợp tác đầu tư kinh doanh CK. Giá trị đầu tư tối thiểu cho 1 hợp đồng là 400 triệu đồng, PVFI góp tối đa 50% giá trị. Lợi nhuận ăn chia theo thời hạn hợp đồng, chẳng hạn ngắn hơn 1 tháng là 1,41%/tháng, trên 3 tháng là 1,29%/tháng... Thời hạn hợp tác đầu tư tối đa là 6 tháng.

Không ồn ào, nhưng một CTCK nằm trên đường Láng Hạ mới đây cũng đã hút được nhiều nhóm NĐT vì dịch vụ cho vay tới 1:1, tức là 100% giá trị vốn có sẵn, với điều kiện là khách hàng VIP hoặc lôi kéo được nhiều bạn bè đến mở tài khoản. Cty còn giúp NĐT thực hiện bán thời điểm T+3.

Hiện quy trình thanh toán T+3 thực chất là T+4 vì đến chiều T+3 CK mới về đến tài khoản, trong khi giao dịch chỉ tiến hành trong buổi sáng. Cty đã linh động cho mượn CK nếu có sẵn để khách hàng thực hiện bán ngay T+3 và CK sẽ được trả lại vào chiều cùng ngày. Dịch vụ này cung cấp giới hạn cũng như không hề công khai.

Theo bà Vũ Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch UBCKNN, UBCK đã trình Bộ Tài chính dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch. Tại dự thảo này, NĐT được phép mua bán CK cùng mã trong cùng một phiên cũng như cho phép mở nhiều tài khoản, hướng dẫn cụ thể về giao dịch ký quỹ. Tuy nhiên, dù văn bản chưa ban hành, nhiều CTCK vẫn đang tự tung ra những gói dịch vụ có tính rủi ro cao để thu hút khách, nhất là khi thị phần dịch vụ đang có sự cạnh tranh khốc liệt.

Hoàng Nguyên