“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Nhiều ý tưởng phát triển Đà Nẵng

Rất nhiều ý tưởng phát triển Đà Nẵng đã được đóng góp tại  hội thảo “Các ý tưởng xây dựng TP Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á” được tổ chức sáng 5.3.
 
Đà Nẵng thành đô thị nước cửa ngõ hướng biển” là ý tưởng của TS-KTS Trương Văn Quảng - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị - nông thôn, Bộ Xây dựng. Cơ sở của ý tưởng này  xuất phát từ lợi thế tiềm năng có sẵn về cảnh quan “núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi” cùng ưu thế đặc biệt khi Đà Nẵng nằm ở trung điểm của 4 Di sản văn hóa thế giới của miền Trung, là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất việc phát triển không gian biển đi liền với việc xây dựng một thành phố có đặc trưng như xây dựng thành phố thể thao - du lịch  - dưỡng bệnh trên cơ sở khai thác lợi thế biển, khai thác các tiềm năng về thiên nhiên. Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, thì Đà Nẵng nên trở thành điểm du lịch biển xanh, hiện đại, hấp dẫn gắn với việc phát triển sân bay Đà Nẵng lên tầm cỡ khu vực. Cùng với đó là xây dựng cảng du lịch tiêu chuẩn quốc tế với điểm nhấn là phát triển thuyền buồm quốc tế và thể thao - giải trí…

Ý tưởng về việc xây dựng Đà Nẵng thành một đô thị sống tốt gắn với sự phát triển của các dịch vụ công của TS Trần Du Lịch đã gây khá nhiều chú ý tại hội thảo. Theo ông, việc phát triển phải mang tính bền vững mà ở đó, người dân được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển và mục tiêu sau cùng là hướng đến sự phát triển con người. TS Trần Du Lịch đưa ra  gồm 6 yếu tố của một đô thị sống tốt bao gồm môi trường chính trị và quản lý nhà nước, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa xã hội, môi trường y tế - giáo dục, hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị khác và môi trường tự nhiên.

Nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình phát triển của Đà Nẵng. Theo TS-KTS Trương Văn Quảng, bên cạnh những mặt tích cực của Đà Nẵng mà các đô thị khác chưa thể giải quyết được, thực tế còn có nhiều nghi ngờ về sự phát triển bền vững của đô thị này. Bởi theo ông, Đà Nẵng phát triển quá “bạo”, đang làm mất đi hoặc biến dạng hệ sinh thái nội và ngoại vùng, các quy hoạch đô thị, nhất là du lịch bị xé nhỏ, khu biệt, làm ảnh hưởng đến tổng thế chung.

TS-KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc TP.HCM băn khoăn: “Phát triển đô thị là phải mang lại lợi ích cho bản thân đô thị đó nhưng với thực tế hiện tại, dường như chúng ta đang đi kinh doanh đô thị thì đúng hơn”.

Vũ Phương Thảo - Trần Phương