|
Dự án khu nhà ở thu nhập thấp của Vincon tại Đà Nẵng có nguy
cơ phải trả lại do không vay được vốn từ VDB - Ảnh: Anh Vũ |
Do không tiếp cận được vốn vay ưu đãi, rất nhiều chủ đầu tư dự án đã tự đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó có vay tại các ngân hàng thương mại (NHTM) với lãi suất cao. Đó là lý do, nhiều dự án đang rơi vào khả năng thua lỗ, phá sản và chương trình xây dựng nhà ở giá rẻ của Chính phủ có nguy cơ dừng lại dù mới đang trong giai đoạn thí điểm đợt 1. Và đây cũng là lý do chính dẫn đến cuộc họp tháo gỡ vướng mắc trong triển khai cho vay đối với dự án nhà ở cho người thu nhập thấp hôm qua tại Hà Nội.
Thủ tục đẩy giá cao
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, vướng mắc lớn nhất là chủ đầu tư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên không thể dùng làm tài sản thế chấp để cho vay, không đăng ký được giao dịch đảm bảo.
Ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Sơn An, chủ đầu tư 408 căn hộ tại Đồng Nai (336 tỉ đồng) lập tức phản biện, dự án Sơn An của công ty có sổ đỏ, được Sở Tài nguyên - Môi trường Đồng Nai cho đăng ký giao dịch đảm bảo, muốn vay 100 tỉ đồng, nhưng VDB họp đi họp lại và không cho vay. Vì quá bế tắc, công ty phải đi vay của NHTM với lãi suất cao. "Các NHTM đồng ý cho vay còn VDB khi thực thi chính sách của Chính phủ lại từ chối", ông Sơn thắc mắc.
Ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Công ty Vincon, cho rằng VDB nói dự án không khả thi nhưng không giải thích rõ với DN vì sao không khả thi, mà đưa ra nguyên nhân vốn chủ sở hữu của Vincon không đủ để triển khai dự án. Nhưng theo vị giám đốc này, dự án tại Đà Nẵng khởi công ngày 29.5.2010, công ty được giao 3.000 căn, hiện đang xây dựng 1.000 căn, hoàn thiện phần móng và bắt đầu bán 300 căn theo danh sách 776 đối tượng được UBND Đà Nẵng phê duyệt. Chi nhánh VDB yêu cầu chủ đầu tư có 15% vốn đối ứng, trên thực tế tài sản đầu tư của công ty đã lên tới 200 tỉ đồng. Ngoài ra, 2.000 căn còn lại đã hoàn thiện được 60%, đến tháng 4 sang năm có thể bán hết. “VDB vẫn cho rằng vốn đối ứng, vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư chưa đảm bảo là sao?”, ông Long đặt câu hỏi. Với những quy trình thủ tục quá nhiêu khê, theo ông Long cũng đồng nghĩa với việc dự án không được vay vốn. Và nếu dự án nhà thu nhập thấp không được vay vốn ưu đãi, thì sẽ không có nhà giá rẻ cho dân. “Nếu không vay được vốn, Vincon sẽ trả lại 2.000 căn còn lại cho Đà Nẵng, và kể cả ở Huế 1.200 căn cũng chỉ đầu tư 600 căn”, ông nói.
Nếu được vay ưu đãi, giá bán là 8 triệu đồng/m2. Nhưng nếu không vay được vốn rẻ từ VDB mà phải vay với lãi suất lên tới 18%, các DN khẳng định, sẽ không thể có nhà giá rẻ. Người thu nhập thấp cũng không chịu được mức giá 9-10 triệu đồng/m2 thậm chí còn có thể cao hơn.
Gỡ vướng mắc từ giao dịch đảm bảo
Vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo ông Dũng, cần phải tháo gỡ là thủ tục thế chấp, giao dịch đảm bảo. Do quy định của pháp luật khi ký hợp đồng tín dụng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản phải được đăng ký giao dịch đảm bảo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, sẽ ngay lập tức làm việc với Bộ Tư pháp để ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn theo hướng cho cơ chế mềm để DN có thể thế chấp tài sản trên đất. Phương án thứ hai là xin phép Thủ tướng ban hành một cơ chế riêng cho chương trình để VDB có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Về đối tượng có thu nhập thấp, Bộ Xây dựng đã có thông tư hướng dẫn người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là người thu nhập thấp. Hiện tiêu chí để được mua, Bộ Xây dựng đã có thang chấm điểm 100, trong đó 90 điểm của Bộ đã ban hành và 10 của tỉnh sẽ đốc thúc các địa phương nhanh chóng ban hành.
Trong khi chờ đợi vướng mắc trên được tháo gỡ, các DN kiến nghị VDB và Bộ Xây dựng nên có ngay những cơ chế để giải quyết trước, vì càng để lâu DN càng bị đọng vốn, nhiều chủ đầu tư đã rút lui, bỏ cuộc. Về vấn đề này, ông Dũng đưa ra một phương án giải quyết linh động, chấp nhận ký hợp đồng tín dụng với các DN chưa có đăng ký giao dịch đảm bảo quyền sử dụng đất, nhưng với điều kiện Bộ Xây dựng có công văn cam kết, khẳng định tồn tại các vướng mắc trên và chờ được tháo gỡ. Đồng thời, trong hợp đồng tín dụng với các DN nếu sau này vướng mắc trên không tháo gỡ được thì các DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Anh Vũ