“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Nguy cơ ế thừa căn hộ cao cấp

Với thu nhập bình quân 1.000 USD/năm, người dân khó có thể mua được bất động sản cao cấp. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong khi các căn hộ hiện hữu giá trên 1.000 USD mỗi m2 đang bán chậm, thì một loạt dự án mới vẫn được tung ra. Một số chuyên gia lo ngại sự tập trung quá nhiều vào nhóm hàng cao cấp có thể gây một cuộc khủng hoảng thừa.

Thời gian qua, hàng loạt khu bất động sản cao cấp tại Hà Nội và Đà Nẵng liên tục được khởi công hoặc công bố giá bán. Tập đoàn VinaCapital vừa tung ra dự án biệt thự The Ocean Villas thuộc Danang Beach Resort, với giá hơn 300.000 USD mỗi căn, có căn lên đến hàng triệu USD. Khu biệt thự Olalani Resort & Condotel cũng tại Đà Nẵng gồm 88 căn hộ có giá khoảng 2.750 USD mỗi m2. Ở Hà Nội, các chung cư cao cấp giá trên dưới 2.000 USD mỗi m2 cũng nhan nhản. Từ các khu mới tung giá bán như Mipec Towers 1.850-2.100 USD mỗi m2, Hanoi Sky City Towers thấp nhất 1.900 USD mỗi m2 cho đến những khu đã tung ra được khoảng 1 năm như tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower giá dao động 2.400-3.200 USD mỗi m2.

Theo khảo sát của VnExpress.net, nhiều dự án cao cấp qua khoảng 1 năm chào bán vẫn còn rất nhiều hàng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh dự án Olalani Resort & Condotel, cho hay, Olalani mới chỉ bán được khoảng 1/3 tổng số sản phẩm. Trong số 88 căn hộ, Olalani đã bán được 38 căn. Trong 3 căn biệt thự, Olalani mới bán được một với giá 2,8 triệu USD, 2 căn còn lại giá 2,4-2,5 triệu USD mỗi căn vẫn chưa có chủ. Ông Dũng Minh, Giám đốc bộ phận Đại lý bán hàng Công ty Savills Việt Nam, đại diện độc quyền của Mipec Towers và Keangnam Hanoi Landmark Tower cho hay, các căn hộ Keangnam giao bán từ tháng 8/2008 đến nay vẫn còn 50%, Mipec Towers bán được gần 70%

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, mức thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2008, đầu 2009 của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 1.000 USD mỗi năm. Với mức thu nhập này, tính trung bình, mỗi người dân, nếu không ăn uống trong suốt cả năm trời, mới đủ khả năng mua được 1m2 nhà ở cao cấp.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE, cho rằng, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, thay vì mua chung cư cao cấp, những người có nhu cầu mua nhà thực sự đang quan tâm tới các dự án nhà ở và văn phòng bình dân. "Chỉ khi nào nền kinh tế thực sự hồi phục, triển vọng thị trường được hoạch định rõ ràng, nhà đầu tư phải thực sự có tiềm năng mới nên tập trung vào phân khúc cao cấp", ông Marc Townsend nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cũng lo ngại về phát triển phân khúc cao cấp thời gian gần đây. Bất động sản Mỹ rơi vào khủng hoảng vì phát triển quá nóng trong khi khả năng chi trả của người dân có hạn. Theo ông Hà, qua sự đổ vỡ này, Việt Nam nên thận trọng với phân khúc nhà cao cấp. Việt Nam phải phát triển thị trường cân đối ở tất cả các phân khúc từ cho người có thu nhập thấp, trung bình, đến cao.

Tập trung quá vào phân khúc cao cấp là một trong những nguyên nhân có thể gây ra khủng hoảng, đổ vỡ thị trường bất động sản. "Vì nguồn cầu của phân khúc thị trường này bao giờ cũng nhỏ. Nếu tập trung lớn vào phân khúc này, sẽ xảy ra tình trạng nhà nhiều, nhưng sức mua của người dân lại có hạn dẫn đến tiêu dùng vượt quá khả năng của nền kinh tế. Giá quá cao trong khi người dân không có khả năng thanh toán có thể dẫn tới thị trường đóng băng", ông Hà lý giải.

Ông Nguyễn Đỗ Việt, Chánh văn phòng tập đoàn Nam Cường, lý giải, giá bất động sản cao cấp bao gồm chất xám của nhà đầu tư trong khâu thiết kế, chất lượng công trình, vị trí, thương hiệu... Khách hàng là những người có tiềm lực về tài chính, sẵn sàng trả chi phí cao. Ông Việt cũng khẳng định, phân khúc cao cấp nên được đặt trong tầm nhìn 30-50 năm vì đây là sản phẩm kén khách.

Hoàng Lan