Hôm qua, tại TPHCM, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phát động chương trình “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt”.
Nông dân vùng nguyên liệu sữa Phù Đổng uống sữa nội, chứng minh sữa không nhiễm melamine, kêu gọi người tiêu dùng mua sữa nội. Ảnh: T.L
Quảng cáo gây ngộ nhận
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) Nguyễn Trung Dũng cho biết, các cơ quan nhà nước đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý công tác quảng cáo sản phẩm. Nhiều dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh trong quảng cáo sản phẩm.
Một số mặt hàng lậu, chất lượng kém nhưng được tiếp thị, quảng bá qua hệ thống bán hàng đa cấp đã chiếm lĩnh được thị trường.
Ông Dũng dẫn chứng cụ thể đối với sản phẩm áo bơi nhập ngoại. Sản phẩm này được quảng cáo có tác dụng giảm cân nhanh nên được bán với giá cắt cổ 15 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, sau khi các cơ quan nhà nước kiểm tra thì hiệu quả không phải như vậy. Đặc biệt, giá nhập khẩu của sản phẩm này chỉ có 800 nghìn đồng. Việc quảng cáo này gây nhầm lẫn, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Dũng cũng bày tỏ, mặc dù cơ quan này đã phát hiện ra sự chênh lệch giá sữa ngoại và sữa nội, nhưng việc điều tra nguyên nhân còn rất nhiều khó khăn, bí ẩn.
Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi đang điều tra tình trạng độc quyền thống lĩnh của doanh nghiệp. Bởi, khi một doanh nghiệp chiếm 30 phần trăm thị phần, họ có thể thôn tính thị trường”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội - PGS – TS Nguyễn Đăng Vang cho rằng, việc một hàng sữa ngoại chi tới 50 phần trăm giá thành sản phẩm cho quảng cáo là điều không thể chấp nhận được.
Theo quy định, chỉ được chi quảng cáo tối đa 10 phần trăm, đây là mức hợp lý. Nhưng do không quản lý được khâu quảng cáo nên người tiêu dùng Việt Nam đang phải gánh thêm khoản tiền bằng 80 phần trăm giá thành cho mỗi hộp sữa ngoại, trong đó, 50 phần trăm là đổ vào quảng cáo và 30 phần trăm còn lại là lợi nhuận thực của hãng sữa.
TS Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay có tới năm bộ cũng quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa nhưng hiệu quả lại rất khiêm tốn.
Các tiêu chuẩn Việt Nam đối với mặt hàng sữa chỉ mang tính định hướng, thiếu rất nhiều những quy chuẩn kỹ thuật quy định mức giới hạn hàm lượng dinh dưỡng, yêu cầu an toàn và điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Bộ KH,CN&MT) Vũ Văn Diện thừa nhận, hiện chúng ta mới chỉ có 80 tiêu chuẩn Việt Nam về sữa. Hệ thống tiêu chuẩn về sữa còn thiếu là kẽ hở để các doanh nghiệp mặc sức quảng cáo về chất lượng sản phẩm, bổ sung chất này, chất kia vào sản phẩm của mình.
Giải pháp mà ông Diện đưa ra là cơ quan này đang xây dựng và sớm công bố thêm 43 tiêu chuẩn nữa về sữa.
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, nhiều ông bố, bà mẹ Việt Nam đang bị ngộ nhận bởi quảng cáo của các hãng sữa ngoại. Chính tâm lý này đã khiến nhiều người chệch hướng khi coi việc cho con uống sữa ngoại là bơm chỉ số IQ vào trẻ.
Sẵn sàng dùng hàng nội
Ông Nguyễn Trung Dũng cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam luôn là những người yêu nước, sẵn sàng mua hàng Việt Nam. Vấn đề ở đây là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có tốt, giá cả hợp lý hay không.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh bởi với sản phẩm nhập lậu, gian lận thương mại, không chịu bất cứ khoản thuế, phí nào thì hàng Việt Nam đành chịu thua.
TS Nguyễn Đăng Vang cho biết, mức tăng trưởng của mặt hàng sữa là 16- 17 phần trăm/năm, gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế. Mức tăng trưởng ấn tượng này là cơ hội lớn cho các hãng sữa. Điều quan tâm của người tiêu dùng là chất lượng và giá cả, trong đó yêu cầu chất lượng đối với mặt hàng sữa là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đồng tình, một doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu đã khó, việc duy trì và phát triển được thương hiệu còn khó hơn nhiều. Một lần cho ra sản phẩm chất lượng kém doanh nghiệp mất uy tín trong nhiều năm.
Ông Hồ Tất Thắng cho biết, người tiêu dùng đang đặt ra nhiều câu hỏi chờ sự giải thích của các nhà dinh dưỡng và cơ quan quản lý. Hàm lượng dinh dưỡng trong sữa như chất đạm, béo, đường bao nhiêu là đủ? Các vi chất, vi lượng vitamin bổ sung vào sữa với hàm lượng khác nhau liệu có phù hợp với trẻ em Việt Nam không?
Điều quan trọng hơn là, thực chất trong sữa ngoại có đầy đủ các chất với hàm lượng như đã công bố hay không? Khi người tiêu dùng được toàn quyền lựa chọn, mà không bị tác động bởi những hình thức cạnh tranh, quảng cáo gây ngộ nhận, họ sẽ chọn mua loại sữa tốt, giá rẻ. Bảo vệ quyền được tự do quyết định tiêu dùng là điều hết sức quan trọng.
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Công Khẩn khẳng định, các chất bổ sung như DHA có phổ biến trong khá nhiều thực phẩm, đặc biệt là cá. Do vậy, đây không phải là loại thần dược, cứ bổ sung nhiều vào sữa là giúp trẻ thông minh hơn.
Rõ ràng, khi tiếp cận được những thông tin xác thực từ cơ quan nhà nước, thì người tiêu dùng sẽ có lựa chọn đúng.
Hà Nhân
Kiến nghị Chính phủ lập đoàn kiểm tra liên ngành về giá sữa Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vấn đề quản lý giá sữa ngoại nhập khẩu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về chất lượng, cơ cấu hình thành giá, làm rõ những yếu tố bất hợp lý trong cơ cấu hình thành giá tại các doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu với số lượng lớn. Theo đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ giao Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương (cụ thể là Cục Quản lý Thị trường, Cục Quản lý Cạnh tranh), Bộ Y tế (Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm), Hiệp hội sữa Việt Nam cùng tham gia thực hiện việc kiểm tra này. Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng báo cáo về việc giá sữa ngoại trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 tại Việt Nam quá cao. Mặc dù giá nguyên liệu sữa trên thế giới thời gian qua giảm mạnh, thuế nhập khẩu sữa nguyên liệu của Việt Nam giảm và không cao hơn thuế của một số nước trong khu vực, giá sữa ngoại không tăng đột biến nhưng giá bán một số loại sữa vẫn tiếp tục được điều chỉnh tăng. Phạm Tuyên |