“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Ngành thu âm Mỹ hốt bạc sau khi Michael Jackson ra đi

Fan hâm mộ vẫn chưa hết bàng hoàng sau cái chết của Michael Jackson. Ảnh: Reuters

Số ablums nhạc bán ra trên thị trường Mỹ bỗng nhảy vọt. Đã gần 15 năm qua, ngành giải trí Mỹ mới lại có dịp hốt bạc như vậy.
> Michael có bao nhiêu tiền? / Thương vụ kỳ lạ của Jacko

Cơn bão khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ phố Wall đã nhanh chóng lan ra và thấm sâu vào đời sống từng hộ gia đình Mỹ. Khi thắt lưng buộc bụng, người Mỹ không còn dám mạnh tay chi tiền cho những album nhạc - thứ được xem là món ăn tinh thần phổ biến. Ngành công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới cũng phải gián tiếp chịu hệ lũy từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với doanh thu liên tục sụt giảm theo từng quý.

Sự ra đi của ông vua nhạc pop giống như cơ hội cho ngành công nghiệp truyền thanh Mỹ vốn đang ở giai đoạn trũng nhất trong lịch sử. Năm 1994, sau khi nghệ sĩ nhạc rock Kurt Cobain - ông vua chơi guitar tay trái tự tử, niềm đam mê âm nhạc của người Mỹ về những album và video nhạc bốc lửa đã trỗi dậy mạnh mẽ, như để tưởng nhớ một tượng đài đã đi vào huyền thoại. Doanh thu của làng giải trí khi đó bỗng chốc nhảy vọt hẳn lên so với những giai đoạn cùng kỳ trước, thậm chí nhiều công ty truyền thanh đã phải tạm dừng các hoạt động kinh doanh giải trí mới chỉ để tập trung ghi lại đĩa CD và ablum để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của thị trường.

Và lần này, sự kiện một tài năng trẻ bạc mệnh qua đời sẽ lại thổi phùng làn sóng âm nhạc của 40 năm về trước - khi lần đầu tiên cái tên Michael Jackson được xướng trên bầu trời âm nhạc Mỹ. Những điệu nhảy moonwalk sẽ lại được dịp bùng cháy trong tiềm thức mỗi người đam mê nhạc pop. “Bữa tiệc âm nhạc” trên toàn nước Mỹ để tưởng nhớ ông vua nhạc pop mới chỉ thực sự bắt đầu và giới truyền thanh cũng như các công ty giải trí hy vọng đây sẽ là dịp làm ăn tốt nhất trong năm nhằm vớt vát lại những thất bát của năm 2008 và nửa đầu 2009.

"Tôi không nghĩ người ta có thể tránh khỏi thực tế rằng khi một biểu tượng lớn qua đời, họ sẽ thu được món hời từ việc kinh doanh hình ảnh và sản phẩm của nhân vật đó", giáo sư Elayne Rapping của Đại học Buffalo tại New York nhận định.

Theo thống kê của Hãng truyền thanh giải trí Mỹ Nielsen Co.'s SoundScan, 4 ngày sau sự ra đi của Michael Jackson, đã có 415.000 album ca nhạc được bán trên toàn nước Mỹ - cao gấp 4 lần so với mức tiêu thụ trung bình của nhiều tuần trước đó. Trong đó, phần lớn các ablums được đặt mua bởi các cư dân mạng thông qua các kênh phân phối trực tuyến như Apple Inc.'s iTunes, hay AmazonMP3.

Thêm vào đó, số ca khúc được download (có kèm phí bản quyền) trên các trang giải trí Internet cũng theo đó bùng nổ kỷ lục lên con số 2,3 triệu bài - gấp 60 lần so với mức 37.000 bài hát của tuần kết thúc trước khi ông vua nhạc Pop qua đời.

Tuần qua, những ablum nhạc bất hủ của ca sĩ huyền thoại Michael Jackson đã quay trở lại lọt vào top những ablum bán chạy nhất trong tuần trên tất cả các bảng xếp hạng. Sau hai ngày Michael qua đời, 14 album cũ của anh đã chiếm lĩnh top 20 đĩa hát bán chạy của trang web Amazon. Riêng ablum mới nhất “Jackson 5” đã bán vèo 32.000 bản chỉ sau 4 ngày, so sánh với 1.000 bản được tiêu thụ trên toàn nước Mỹ vào tuần kết thúc ngày 19/6.

Những đóng góp đáng kể nhất của Michael Jackson cho làng giải trí Mỹ phải kể đến ablum “Thriller” - giữ vị trí thứ 2 trong danh sách 10 album bán chạy nhất mọi thời đại, sau “Eagles: Their Greatest Hits 1971–1975”, theo bảng xếp hạng của Hiệp hội ngành thu âm Mỹ.

Chiều 25/6, Michael Jackson đột quỵ tại nhà và bất tỉnh hoàn toàn trước khi các nhân viên cứu thương tới. Siêu sao ca nhạc được đưa tới trung tâm y tế UCLA và qua đời cùng ngày. 40 năm đã qua trong sự nghiệp của Jackson, nhạc pop thế giới đã đi một chặng đường khá dài với bao thăng trầm. Nhưng không chỉ riêng người Mỹ, tất cả các fan yêu âm nhạc trên thế giới cùng công nhận một điều, đã có thời thế giới này là của “Mike” Jackson, bên cạnh hai “Mike” khác mà nước Mỹ vẫn luôn tự hào, một “Mike” có họ Jordan và đi những đôi giày Nike, còn "Mike" kia mang họ Tyson với những cú đấm thôi sơn.

Nguyễn Hùng (Theo WST)