Các NHTMNN có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ. Ảnh: Giang Huy
Có nguồn vốn giá rẻ, các ngân hàng thương mại nhà nước đang chiếm ưu thế trong việc thu hút khách hàng so với ngân hàng thương mại cổ phần.
Có nguồn vốn giá rẻ
Lý do khiến khối NHTM nhà nước luôn có mặt bằng LS cho vay thấp hơn các NHTM cổ phần vì họ có nguồn vốn giá rẻ từ các khách hàng lớn (mà NHTM nhà nước có được nhờ uy tín của Nhà nước), đó là: Tiền gửi thanh toán của các tập đoàn DN; tiền gửi của các tổ chức bảo hiểm và Kho bạc Nhà nước; giải ngân vốn ODA.
Lấy ví dụ việc thu hút vốn ODA và hoạt động giải ngân qua NH phục vụ: Căn cứ vào quy định trong hiệp định vay, thoả thuận tài trợ và các quy định của các cơ quan quản lý trong nước, việc rút vốn, thanh toán bằng nguồn vốn ODA được thực hiện qua NH phục vụ theo một hoặc một số hình thức: Thanh toán trực tiếp/hoặc chuyển tiền: Thanh toán theo phương thức hoàn trả; thanh toán theo phương thức tín dụng/nhờ thu; thanh toán qua tài khoản tạm ứng/tài khoản đặc biệt.
Hoạt động giải ngân vốn ODA các NH được chỉ định phục vụ thu được một số lợi ích trong kinh doanh ngoại tệ, hoạt động tín dụng và thanh toán, đặc biệt là trong huy động vốn vì thông qua việc rút vốn ODA ngân hàng phục vụ đã thu hút được lượng tiền ngoại tệ (vốn ODA) và nội tệ (các nhà thầu) khá lớn duy trì trên các tài khoản mở tại NH phục vụ với chi phí rất thấp.
Bên cạnh đó, các NHTM nhà nước luôn nhận được sự hỗ trợ từ NHNN. Gần đây, NHNN tuyên bố sẽ đáp ứng nhu cầu vay vốn thiếu hụt thanh khoản tạm thời của các NHTM nhà nước với LS thích hợp và thời gian phù hợp (chắc LS thấp hơn khá nhiều so mặt bằng LS huy động thị trường và thời gian dài hơn cho vay tái cấp vốn và chiết khấu với các NHTM cổ phần). Các NHTM cũng chủ định hướng khai thác tối đa kênh hỗ trợ của NHNN.
Một ưu thế khác của các NHTM nhà nước nữa là họ có thể thực hiện khá hiệu quả việc huy động vốn nước ngoài thông qua các kênh vay thương mại, LC, reifinancing... BIDV đã dự kiến phát hành 300-500 triệu USD trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế để bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn. Các NHTM cổ phần khó đủ độ tín nhiệm để thu hút vốn nước ngoài.
Mạnh trong cạnh tranh tiền gửi dân cư
Vốn tiền gửi dân cư chiếm 43%/tổng nguồn vốn huy động của hệ thống NHTM. Tỉ trọng này cao hơn ở các NHTM cổ phần (trên 50%-70%/) do LS huy động của các NH này cao hơn. Ở NHTM nhà nước thường chỉ chiếm trên 30%. Ý thức được sự ổn định của tiền gửi dân cư trong bối cảnh tiền gửi tổ chức liên tục sụt giảm, năm 2010, các NHTM nhà nước cũng cạnh tranh gay gắt với các NHTM cổ phần.
Điều đáng chú ý ở đây là thay vì công bố mức LS huy động cao, NHTM nhà nước thường lẩn bằng hình thức khuyến mãi. Cộng thêm giá trị khuyến mãi thì thực tế LS huy động của các NHTM nhà nước có phần còn cao hơn NHTM cổ phần.
Hiện theo sự đồng thuận thì các NHTM nhà nước huy động VND dưới trần 11,5% và chuyển các chi phí khuyến mãi trước đây vào LS huy động niêm yết, nhưng BIDV đang có chương trình “Tiết kiệm siêu khuyến mãi” kéo dài từ ngày 2.4.2010 đến 2.7.2010 đối với tiền gửi tiết kiệm VND và USD từ 12 tháng trở xuống. Ngoài mức LS cạnh tranh được cố định trong suốt thời gian gửi tối đa là 11,5%/năm đối với VND. Tham gia chương trình, khách hàng còn nhận ngay quà tương đương mức tặng LS lên tới 1,5%/năm đến 2,2%/năm. Như vậy, LS thực BIDV đang chào người gửi là 13%-13,7%/năm.
Với những chiêu thế này thì NHTM nhà nước cũng không kém cạnh gì các NHTM cổ phần trong cạnh tranh hút tiền gửi dân cư. Có lẽ rất khôn ngoan khi một NHTM nhà nước định hướng: Không đẩy LS cao mà vẫn huy động được vốn, bảo đảm thanh khoản và vẫn giữ vai trò “chủ nợ lớn” trên thị trường liên ngân hàng.
Hút khách hàng của NHTM cổ phần
Cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là khách hàng chính của các NHTM nhà nước, nhưng cùng với tiến trình cổ phần hoá và những biểu hiện yếu kém, hạn chế của loại hình DN này trong kinh tế thị trường, các NHTM NN đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền khách hàng theo hướng điều chỉnh nâng tỉ trọng khách hàng là DN nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân. Đối với DNNN chú trọng các DN được xếp hạng tín dụng từ A trở lên.
Một khi mặt bằng LS cho vay không chênh lệch lắm thì khách hàng khu vực tư nhân thường vay vốn NHTMCP, vì thủ tục đơn giản và được chăm sóc tốt hơn, nhưng khi LS có sự chênh lệch lớn thì đương nhiên họ chọn NHTM nhà nước.
Hiện các NHTMCP quy mô trung bình và nhỏ có khối lượng lớn vốn tiền gửi LS cao của dân cư và của các NH khác từ quý I đang rất lo lắng vì LS cho vay trên thị trường đang giảm dần. Những NH này không thể hạ LS cho vay được (lỗ), họ sẽ mất các khách hàng tốt sang tay các NHTM nhà nước và phải chấp nhận cho vay các khách hàng xấu với mức độ rủi ro cao hơn.
Không thể phủ nhận vai trò của các NHTM nhà nước trong việc bình ổn thị trường tiền tệ. Sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và NHNN cho các NH này cũng là để các NHTM nhà nước phát huy tốt được vai trò của mình.
Tuy nhiên, thông tin tốc độ tăng trưởng dư nợ của các NHTM nhà nước lớn hơn tốc độ tăng dư nợ và một số NHTM nhà nước trở thành con nợ của các NHTM cổ phần cũng là những cảnh báo về quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản và đảm bảo các quy định an toàn trong hoạt động ngân hàng của một số NHTM nhà nước đang có vấn đề.
Người ta cũng lo ngại về tỉ lệ các khoản nợ xấu của một số NHTM nhà nước cũng đang tăng mạnh. Lợi thế, nhưng không lạm dụng để biến thành nguy cơ rủi ro là điều các NHTM nhà nước nên chú ý.
Đại An