Lãi suất tăng ở các ngân hàng quy mô nhỏ nhưng khách hàng không có lợi đáng kể nếu gửi ít và ngắn hạn (trong ảnh: Giao dịch tại BIDV) - Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang siết tín dụng, vay tiêu dùng, bất động sản, chứng khoán bớt sôi động, khó khăn thanh khoản không lớn như 2008, nhưng nhiều NH vẫn lao vào cuộc đua tăng lãi suất huy động.
Cuối tuần qua, hàng loạt NH thông báo tăng lãi suất huy động và HDBank đang giữ kỷ lục với mức 10,3 phần trăm/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Với lãi suất trần 10,5 phần trăm/năm mà NHNN đang giữ nguyên thì với mức lãi suất huy động trên 10 phần trăm/năm, chắc chắn NH càng huy động càng lỗ. Các NH chỉ có cách đẩy đầu ra theo các khoản vay tiêu dùng, tín chấp của cá nhân.
Tuy nhiên với việc NHNN đang yêu cầu kiểm tra chặt các khoản vay cá nhân, siết các khoản vay đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng và, nhất là, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đang cạn dần, nhiều NH sẽ gặp khó khăn.
Tổng GĐ một NH lớn đánh giá tín dụng nửa cuối năm sẽ khó khăn và nguồn thu từ đây sẽ giảm mạnh. Ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng Giám đốc ABBank cho hay hoạt động cho vay bắt đầu có chiều hướng chững lại và, so với năm tháng đầu năm, có sự sụt giảm.
Tổng GĐ ACB Lý Xuân Hải nhận định cuộc đua lãi suất chưa dừng nhưng sẽ không tăng nóng vì vốn khả dụng của nhiều NH vẫn còn khá dồi dào. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định chưa nên đặt vấn đề thanh khoản của các NH vào thời điểm này vì lãi suất tăng chủ yếu tập trung vào kỳ hạn trên một năm.
Trên thực tế đa số các NH đưa ra siêu lãi suất cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, kỳ hạn mà hầu hết khách hàng đều không muốn gửi tiền mà chọn kỳ hạn dưới sáu tháng để dễ xoay xở.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nhiều NH, vốn huy động được trả lãi suất từ 10 phần trăm/năm trở lên không nhiều do vắng khách.
Đua giữ thị phần
Muốn giữ khách, tăng thị phần hơn, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất (trong ảnh Sacombank cho vay phụ nữ khởi nghiệp) - Ảnh: Hà Phan |
Phó Tổng GĐ một NH phân tích: “Khơi mào cho cuộc đua lãi suất luôn là những NH có quy mô nhỏ. Họ không có những lợi thế như NH lớn và cách tốt nhất là tăng lãi suất để hấp dẫn khách hàng”.
Ông này còn cho rằng, trong thời điểm tín dụng cá nhân được NHNN kiểm soát chặt hơn và tín dụng hỗ trợ bốn phần trăm/năm lãi suất bắt đầu tăng chậm lại, việc đua lãi suất của NH chủ yếu để cạnh tranh nhằm tăng thị phần huy động vốn.
Mặt khác, tăng lãi suất còn là cách quảng bá được xem là ít tốn kém, hiệu quả nhất, khi được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải ngay.
Ngoài ra nhiều NH còn đề phòng khách hàng nhảy sang NH khác nên cũng tăng lãi suất để giữ chân. Việc các NH lớn như VCB, ACB, Techcombank, Sacombank tăng lãi suất theo hoặc thực hiện các chương trình khuyến mãi cũng không nằm ngoài mục đích trên.
Một khi lãi suất NH không hấp dẫn như chứng khoán đang nóng, vàng lên giá và bất động sản tiềm ẩn tăng giá, nếu không tăng lãi suất huy động, khả năng tiền rời NH hoàn toàn có thể xảy ra.
Điều mà nhiều người lo ngại nhất trong cuộc đua lãi suất mấy ngày qua là lãi kỳ hạn ngắn đã tăng. Ngay cả VCB cũng nhích lãi suất huy động một tháng lên tới 7,14 phần trăm/năm. Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi có được, phần do NH muốn giữ khách khi nhiều NH đã tăng trước, phần khác muốn lấy ngắn nuôi dài.
Do huy động lãi suất 9-10 phần trăm/năm và cho vay lại 10,5-12 phần trăm/năm chỉ có hòa đến lỗ, không ít NH phải tìm nguồn vốn rẻ và, hiện nay, chỉ còn cách huy động kỳ hạn ngắn mới có lãi suất dưới 8 phần trăm/năm.
Không được khuyến khích nhưng, với nhiều nguồn vốn khác nhau, có NH vẫn có thể xoay xở được, nhất là trong thời điểm khách hàng vay thời hạn ngắn khá nhiều như hiện nay. Theo các số liệu từ báo cáo của NHNN gần đây nhất, tính thanh khoản, nguồn vốn của các NH vẫn tốt.
Vì thế, nhận định nhiều NH chạy đua lãi suất để quảng bá thương hiệu, giữ khách và giữ tiền nhằm hạn chế sang các kênh đầu tư khác xem ra thuyết phục hơn là họ cần vốn, thanh khoản yếu.
Do lãi suất giữa các NH không chênh lệch nhau nhiều nên khách hàng cần cân nhắc khi rút tiền từ NH này gửi NH khác. Hiện lãi suất cùng kỳ hạn của đa số các NH chỉ chênh cao nhất là 0,5 phần trăm/năm, có nghĩa khách hàng chỉ được lợi thêm nhiều nhất là 500.000 đồng/năm nếu rút 100 triệu đồng từ NH này sang gửi NH khác. Tuy nhiên, khách hàng nên để ý đến việc lĩnh lãi hàng tháng hay cuối kỳ, lãi suất thưởng, khuyến mãi… và nhất là điều kiện rút trước hạn khi bản thân cần tiền. Nhiều NH hiện có lãi cao nhưng lãi suất thường thấp, khuyến mãi ít, người gửi nếu rút trước bị thiệt nặng… Vậy nên khi lãi suất tăng dân không đáo hạn đôi khi còn có lợi hơn. Tuy lãi suất kỳ hạn dài ở nhiều NH đang tăng nhưng khách hàng không có lợi đáng kể nếu gửi ít và không gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên. Hiện kỳ hạn 12 tháng ở hầu hết các NH có lãi cao hơn kỳ hạn 3-9 tháng từ 0,25-0,5 phần trăm/năm, mức lãi không nhiều nếu khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở xuống. Nếu người gửi chọn kỳ hạn ngắn 1-3 tuần ở nhiều NH vừa tăng lãi suất thì chỉ được tăng thêm chưa đến 100.000 đồng/tháng cho khoản tiền gửi 100 triệu đồng. Hiện kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng được dân lựa chọn nhiều do rút dễ, lãi suất không thấp hơn nhiều so với kỳ hạn khác. Phần lớn các NH không quá cấp thiết cần vốn mà chủ yếu để quảng bá, giành thị phần và giữ khách qua cuộc đua này. |
Hà Phan