“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất USD

Ngân hàng lo thiếu vốn USD trong dài hạn. (Ảnh: vnstock)
 
Lãi suất USD mới được các ngân hàng hạ xuống hơn hai tháng nay lại có xu hướng tăng lên để giữ chân người gửi tiền khi các kênh đầu tư khác đang hấp dẫn.

Đồng loạt tăng

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cho biết, từ đầu tháng 9/2009, lãi suất huy động USD được tăng khá đồng loạt ở trung và dài hạn. Lãi suất cao nhất của SeABank là 3,5%/năm ở kỳ hạn 60 tháng. Đây là mức tăng đáng kể so với lãi suất cao nhất 3% trước đây.

Cụ thể, lãi suất huy động USD mới áp dụng tại SeABank các kỳ hạn khác lần lượt là: 48 tháng 3,4%/năm, 36 tháng 3,3%/năm, 30 tháng 3,2%/năm, 24 tháng 3,0%/năm, 18 tháng 2,8%/năm, 12 tháng 2,7%/năm, 6 và 9 tháng 2,55%/năm.

Ngoài ra, ngân hàng này còn áp dụng chính sách thưởng 1 chỉ vàng cho khách hàng gửi USD các kỳ hạn từ 12-60 tháng đáp ứng được quy định về hạn mức tiền gửi và cam kết không rút tiền trước hạn.

Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã tăng lãi suất huy động USD với mức tăng 0,5%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vừa điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 1 tuần đến 60 tháng với biên độ tăng từ 0,35%/năm đến 1,8%/năm.

Thực tế, tín hiệu tăng lãi suất USD đã bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 8/2009 khi Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là ngân hàng đầu tiên thực hiện tăng lãi suất USD. Theo đó, lãi suất tiết kiệm bậc thang USD tăng dao động từ 0,5%/năm với hầu hết các loại kỳ hạn.

Làn sóng tăng lãi suất USD hiện nay còn có sự tham gia của một số ngân hàng cổ phần khác. HDBank, Maritime Bank, Southern Bank, SaigonBank, BaovietBank… khi họ điều chỉnh lãi suất USD với mức tăng cao nhất lên đến 0,5%.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận, bên cạnh việc tăng lãi suất huy động thì lãi suất cho vay đang tăng lên. Cụ thể, chỉ trong tuần qua, lãi suất cho vay USD tăng nhẹ, chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 3%/năm, trung và dài hạn từ 3,0 - 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức từ 4,5 - 7%/năm, trung và dài hạn 5,5 - 8%/năm.

Lo thiếu vốn trong dài hạn

Mới đây, các chuyên gia Ngân hàng Nhà nước đã thừa nhận, tác động ngược chiều đáng nói nhất của chính sách hỗ trợ lãi suất cho đến nay chính là gây sức ép lên bài toán tỷ giá.

Do lãi suất vay VND sau khi được hỗ trợ xuống thấp, gần bằng lãi suất USD, nên các DN đã tập trung vay VND, thậm chí vay VND để mua USD; trong khi đó lại găm giữ USD chờ tăng giá. Để giải tỏa tình trạng găm giữ, các ngân hàng đã đồng thuận hạ lãi suất USD cả huy động và cho vay.

Biện pháp này đã có hiệu ứng. Theo Ngân hàng Nhà nước, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu bán ra USD, chuyển sang VND để có lãi suất cao hơn, tỷ giá khá ổn định thời gian qua và lãi suất thấp cũng kích thích nhu cầu vay ngoại tệ tăng trở lại.

Tín dụng bằng ngoại tệ, đến cuối tháng 7/2009 tăng 1,2%, thay vì giảm như 2 quý đầu năm. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đang từ việc không đủ USD để bán cho DN thì trong 2 tuần gần đây đã mua vào nhiều hơn bán ra. Một phần là nhờ DN đã chuyển qua vay USD thay vì mua.

Một lý do khác được nhắc đến chính là sự kiên trì của cơ quan quản lý trong việc ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối khiến cho tâm lý kỳ vọng tăng giá VND đã không thể tiếp tục kéo dài. Nhiều người găm giữ USD đã buộc phải bán ra để kiếm lãi. Điều này khiến cho thị trường USD hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, trước đây, các DN trông chờ vào gói kích cầu, nhưng đã đến thời điểm gần cuối năm, thời gian được ưu đãi còn ít, thủ tục lại khó khăn nên chỉ những DN nào làm thủ tục từ trước mới tiếp tục vay. Các DN làm hồ sơ vay mới giảm mạnh. Hai tuần gần đây, lượng vốn hỗ trợ lãi suất đang giảm mạnh xuống còn khoảng 1.500 tỷ đồng so với mức 3.000 tỷ các tuần trước.

Tình trạng vay VND để chuyển sang USD giảm hẳn. Các DN có nhu cầu đang chuyển sang vay USD để hưởng lãi suất thấp, hơn là vay VND rồi lại chuyển sang USD trong khi thời gian hỗ trợ còn ít.

Về phía ngân hàng, nhu cầu vay USD đang tăng lên khá mạnh, một phần là do nguyên nhân trên, một phần là do nhu cầu vay vốn ngoại tệ để nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng lên vào cuối năm. Thực tế này đã làm xuất hiện khả năng thiếu vốn USD dài hạn, nhất là khi nền kinh tế hồi phục trở lại.

  • Phước Hà