Ảnh: KỲ ANH
Sau khi NHNN ban hành thông tư quy định về huy động và cho vay bằng vàng của TCTD, đã có nhiều luồng ý kiến về ảnh hưởng của thông tư này tới hoạt động của các TCTD và tới diễn biến giá vàng trên thị trường thời gian tới và cho tới hạn tất toán số vàng đã chuyển thành tiền của các TCTD quy định trong thông tư là 30.6.2011.
Còn một đối tượng cũng chịu ảnh hưởng của thông tư này là người dân đang nắm giữ vàng và gửi vào trong các NH. Liệu sau thời điểm tất toán trên, lượng vàng gửi trong các NH có giảm mạnh và người dân có bán ra như dự kiến?
Hết thời lợi ba đường
So với USD, truyền thống cất giữ vàng của người dân có lịch sử lâu dài và có tính ổn định hơn. Cho tới nay, việc nắm giữ vàng của người dân theo cách hiểu đơn giản nhất là để bảo toàn giá trị tài sản tích lũy. Tuy nhiên, khi hoạt động này ngoài lợi ích bảo toàn được giá trị thì còn mang lại nguồn lợi khi các NH huy động vàng và trả lãi suất. Như vậy, người dân được hưởng lợi kép từ họat động cất giữ này. Không chỉ dừng lại ở đó, thời gian gần đây, khi các đợt “sóng” tăng giá vàng trên thế giới liên tục “xô”, giá vàng trong nước cũng “xô” theo và liên tục tăng mạnh, nhanh và nhiều hơn mức tăng của giá cả hàng hóa và lãi suất VND.
Đến đây, nếu bán ra, người nắm giữ vàng đã thực hóa được lợi gộp từ 3 yếu tố: Yếu tố tăng giá của vàng cộng với hai yếu tố trước. Và như vậy, ngoài yếu tố là công cụ đảm bảo tài sản còn là công cụ đầu tư có lãi. Theo nhận định của một chuyên gia thì “khi người dân còn được hưởng lợi từ các yếu tố này thì người dân sẽ còn mua và nắm giữ vàng”.
Khi thông tư 22 được ban hành thì lợi nhuận gộp này sẽ kết thúc với động thái đầu tiên là các NH giảm lãi suất huy động vàng. Và như NHNN cho rằng, sau khi thu hẹp họat động huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD thì một khối lượng vàng đầu tư và đầu cơ trên thị trường trong nước sẽ chuyển dần thành vốn bằng tiền (VND, ngoại tệ) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh thông qua các công cụ huy động của ngân sách nhà nước, các TCTD, DN.
Giá vàng sẽ "rung lắc"?
Theo các chuyên gia, sau khi thông tư 22 có hiệu lực, giới đầu tư sẽ cân nhắc việc đầu tư vào vàng hay chuyển qua kênh đầu tư khác có lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, đối với những người dân lâu nay đã quen với việc lưu trữ vàng thì rất có thể nếu không có nhu cầu sử dụng vốn trong ngắn hạn thì họ vẫn tiếp tục cất giữ vàng. Biểu hiện là mới đây, khi NHNN ban hành văn bản yêu cầu đóng cửa sàn vàng và đóng, tất toán tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, các NH khi đó (do không có “đầu ra”) đã hạ lãi suất huy động vàng xuống 0%, thậm chí có NH còn thu thêm phí giữ vàng thì lượng vàng gửi trong két của NH có giảm nhưng không đáng kể. Lãi suất huy động vàng trong thời gian tới được dự báo sẽ giảm, nhưng cho tới nay vẫn chưa có NH nào công bố việc hạ lãi suất huy động vàng (cao nhất là tại NH SCB với mức lãi suất huy động vàng lên tới 3%/năm cho kỳ hạn 3 tháng).
Theo thống kê, lượng vàng trong dân gửi tại hệ thống các NH ước tính hiện khoảng hơn 90 tấn, chỉ bằng khoảng 1/5 so với lượng vàng mà người dân nắm giữ (khoảng 450 tấn vàng). Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay lượng tiền gửi bằng vàng đã được các NH chuyển đổi một phần thành tiền (khoảng 65% hạn mức cho phép) là khoảng 20 tấn. Đây cũng là số lượng mà các NH sẽ phải mua vào trước ngày 1.7.2011 để tất toán.
Như vậy, nếu cộng với khoảng 40 tấn vàng đã xuất khẩu dưới dạng nữ trang từ đầu năm tới nay thì theo lý thuyết cầu vàng trên thị trường sẽ thiếu hụt khoảng 60 tấn. Giả sử lượng vàng trên gửi NH được giải phóng hoàn toàn thì sẽ dư khoảng 30 tấn vàng. Và khi đó, “cung – cầu” không còn là yếu tố mang tính quyết định giá vàng trong nước như thời gian qua. Khi đó, giá vàng thế trong nước sẽ “đi” theo giá vàng thế giới theo quy đổi của tỉ giá tại thời điểm đó. Tuy nhiên, từ nay tới thời điểm tất toán, giới kinh doanh vàng đã “đánh tiếng” về việc giá vàng có thể “rung lắc” trước thời điểm 1.7.2011. Bởi rất có thể lượng vàng hơn 90 tấn kia sẽ không được đưa ra thị trường hoàn toàn, mà có thể sẽ chỉ chuyển từ két trong NH về két tại nhà. Như vậy, NHNN sẽ phải theo dõi sát tác động của cơ chế mới và diễn biến của thị trường để tiếp tục có giải pháp hợp lý.
Lưu Thủy