TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực tế, sau khi các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, trên thị trường đang hình thành mặt bằng lãi suất mới phổ biến ở mức 11,2% cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Mặc dù chưa thể lùi về mức 11%/năm như cam kết nhưng đây vẫn được đánh giá là một nỗ lực đáng kể của các ngân hàng khi đưa lãi suất từ trên 11,5% thậm chí gần 12%/năm về mức đã nêu trên.
Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện tình trạng rất nhiều các ngân hàng niêm yết đồng loạt lãi suất giống nhau ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Ngân hàng Kiên Long đồng loạt áp dụng mức 11,2% cho tất cả các kỳ hạn từ 1 – 12 tháng. Đây cũng là thực tế lãi suất huy động tại Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Phương Nam… Thậm chí, một ngân hàng quốc doanh lớn như Vietinbank cũng áp dụng đồng loạt lãi suất 11,2%. BIDV áp dụng đồng nhất 11,2% cho các kỳ hạn 3 – 12 tháng.
Đặc biệt, Ngân hàng Đại Tín còn áp dụng lãi suất 10,6% cho tất cả các kỳ hạn. Ngân hàng Nam Á áp dụng 11,22% cho các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên.
Không những thế, các ngân hàng lại còn duy trì lãi suất cao ở các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng nhưng lại để lãi suất thấp hơn cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng. Hiện tại, rất nhiều ngân hàng đang để lãi suất dài hạn dưới 11%. Vietinbank, lãi suất dưới 12 tháng là 11,2% nhưng trên 12 tháng chỉ là 10,8%, thậm chí Ngân hàng Đông Nam Á lãi suất trên 12 tháng chỉ là 10,5%, Ngân hàng Đại Á là 11%.
Trong khi đó, chỉ có rất ít các ngân hàng đảm bảo được đường cong lãi suất gửi càng dài hạn có lãi suất càng cao.
Thực tế này đã gợi lại tìng trạng khó khăn của hệ thống ngân hàng năm 2008. Khi đó, đó các ngân hàng cũng đồng loạt niêm yết lãi suất rất cao ở các kỳ hạn ngắn và thấp ở những kỳ hạn dài. Mất rất nhiều thời gian và công sức, đường cong lãi suất mới dần được tái lập lại. Thời điểm đó, việc đường cong lãi suất bị phá bỏ được lý giải là do những khó khăn về thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng nên buộc phải tăng huy động vốn đề bù đắp. Vì thế, việc tái diễn tình trạng này khiến cho nhiều người có những liên tưởng và lo ngại.
Tuy nhiên, trao đổi với các ngân hàng thì được khẳng định, không có tình trạng thiếu thanh khoản như trước đây. Việc một số ngân hàng niêm yết đồng loạt lãi suất ở các kỳ hạn giống nhau là một cách để giữ chân khách hàng.
Đa số khách hàng gửi tiền vẫn thích gửi ngắn hạn. Việc giảm lãi suất, nếu làm đúng quy luật sẽ buộc giảm sâu ở những kỳ hạn ngắn, điều đó có thể buộc các ngân hàng mất khách nên mới có tình trạng "ngắn cao, dài thấp" như một bước đệm để tránh sốc cho ngân hàng và cả khách hàng. Còn việc để lãi suất thấp hơn ở các kỳ hạn dài là có sự thận trọng để chờ đợi những diễn biến mới của nền kinh tế. Các ngân hàng hy vọng về dài hạn, kinh tế ổn định, lạm phát giảm thì lãi suất sẽ hạ thấp xuống.
Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia từ Hiệp hội Ngân hàng đều cho rằng, thực tế này xuất phát từ một đặc trưng của thị trường Việt Nam là các khoản tiền gửi chủ yếu là ngắn hạn. Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế chưa ổn định, các lĩnh vực đầu tư khác có nhiều hấp dẫn thì người dân thường chọn kỳ hạn ngắn để gửi tiền để dễ điều chỉnh. Khi kinh tế ổn định, chắc chắn lượng tiền vào ngân hàng sẽ nhiều, khách hàng yên tâm gửi dài hạn hơn. Đó sẽ là điều kiện các ngân hàng chỉnh lại đường cong lãi suất theo quy luật "dài cao, ngắn thấp"
-
Đông Hiếu