Hôm nay, Tổng cục Thống kê sẽ chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý 1/2010. CPI quý 1 năm 2010 tăng khá nhanh, dự báo lên tới 4% - bằng 60% chỉ tiêu cả năm được Quốc hội cho phép. Liệu ba quý tới có thể gói trọn ở mức 3%?
Trả lời Tiền Phong, ông bình luận gì về CPI quý 1/2010, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng thông thường CPI tháng 3 luôn là chỉ dấu cho cả năm.
Ông nói: “Năm 2009, chỉ cần nhìn vào CPI quý 1 tôi đã tính xong cho cả năm. Còn hiện tại, tôi không thể bình luận và cũng không tính toán gì vì cần nhiều cơ sở chắc chắn hơn”.
Các tác động khách quan như giá nguyên liệu đầu vào của thế giới đang có dấu hiệu giảm mạnh, có giúp cho việc kiềm chế lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ thành công hơn? Ông Ánh cho rằng tình hình thế giới có biến động hay không phải chờ sau quý 2.
Hơn nữa, câu chuyện lạm phát của Việt Nam từ đầu năm đến nay không phải do nguyên nhân tăng giá đầu vào mà chủ yếu liên quan đến cung tiền (tăng tín dụng, tăng đầu tư 2009, bên cạnh hiệu ứng từ việc các mặt hàng đồng loạt tăng giá - PV).
Theo một quan chức Bộ Tài chính, Bộ này đang quyết tâm sẽ kiềm chế lạm phát ở mức 7%. Như thế có nghĩa là từ nay đến hết năm, CPI sẽ chỉ được tăng ở mức bình quân 0,37%/tháng. Dù Bộ Tài chính đang tung ra một loạt biện pháp như thanh tra giá (đối với 6 nhóm mặt hàng gồm xi măng, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, khí hóa lỏng, phân bón hóa học và đường ăn), ép doanh nghiệp tiết giảm chi phí..., tuy nhiên, thật khó xoay xở với 3% còn lại.
Cho đến thời điểm này, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận xét, muốn tăng trưởng trong bối cảnh hiện tại, phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều đó sẽ liên quan đến cung tiền, làm dâng lãi suất, đẩy giá thành, giá cả các mặt hàng leo thang theo. Như vậy, sẽ có hai kịch bản xảy ra: 1. Chấp nhận lạm phát để đảm bảo tăng trưởng 2. Theo đuổi mục tiêu chống lạm phát và tăng cường cho sản xuất, chấp nhận mức tăng trưởng vừa phải, có thể thấp hơn dự kiến. |
Khánh Huyền