“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Không dễ hưởng lãi suất tiết kiệm cao

Dù các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiết kiệm nhưng với điều kiện ngặt nghèo, người gửi khó hưởng được lãi suất cao

Tuy lãi suất kỳ hạn dài tăng cao nhưng ngân hàng chỉ thu hút được tiền gửi ngắn hạn. Ảnh: H.THÚY

Cuộc đua lãi suất tiết kiệm giữa các tổ chức tín dụng dường như chưa có điểm dừng. Nhiều ngân hàng (NH) liên tục điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn tiền gửi theo hướng đi lên.
“Người giàu cũng khóc”

Để hưởng được lãi suất ở mức 9%-10%/năm, người dân phải gửi tiền kỳ hạn 18 tháng đến 36 tháng và gần như không được rút trước hạn. Nhân viên NH Phát triển nhà TPHCM cho biết chương trình “Tiết kiệm siêu lãi suất” chỉ có kỳ hạn 4 tháng trở lên. Khách hàng không được rút trước hạn. Trong khi đó, NH Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho phép người gửi rút tiền trước hạn nhưng lãi suất được tính rất thấp. Cụ thể, với kỳ hạn 1 năm, lãi suất gần 9%/năm nếu  khách hàng rút trước hạn; thời gian gửi được 3 tháng, MHB sẽ tính lãi suất không kỳ hạn khoảng 3%/năm. Một số NH khác cũng “cột chân” người gửi theo phương thức tương tự.


Một số NH cho phép khách hàng rút trước hạn nhưng đưa ra điều kiện quá  ngặt nghèo. Đơn cử, NH Sài Gòn – Hà Nội ấn định kỳ hạn 18 – 36 tháng, lãi suất 9%-9,45%/năm nhưng số tiền gửi phải từ 100 triệu đến 3 tỉ đồng. 

NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nâng lãi suất kỳ hạn 36 tháng lên 9,12%/năm nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp khách hàng có số tiền gửi trên 10 tỉ đồng trở lên. Người dân đến NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) gửi tiết kiệm hy vọng sẽ được tặng “tiền tươi”, song khá nhiều khách hàng thất vọng khi Eximbank áp dụng số tiền gửi tối thiểu 100 triệu đồng thì số tiền được tặng là 200.000 đồng (kỳ hạn 1 năm), còn để được tặng 1 triệu đồng phải gửi kỳ hạn 5 năm. Nếu rút vốn trước hạn 6 tháng, khách hàng hoàn lại cho NH số tiền thưởng. Nhiều người cho biết khó với tới tiết kiệm lãi suất cao, điều kiện gửi tiền mà các NH đưa ra đến cả “người giàu cũng khóc”.


Không thiếu vốn


Theo Cục Thống kê TPHCM, 6 tháng đầu năm 2009, huy động vốn của các NH trên địa bàn TP đạt 688.000 tỉ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt 580.000 tỉ đồng, tăng 16,9% so với đầu năm.


Số liệu trên cho thấy các NH vẫn dồi dào về vốn. Hiện nay, điều mà các NH lo ngại là người dân  đã chuyển một lượng tiền khá lớn sang gửi không kỳ hạn để thuận tiện khi chuyển hướng đầu tư. Nếu khách hàng ồ ạt rút số tiền gửi không kỳ hạn, NH sẽ gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Do đó, nhiều NH tăng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh khi mà nhu cầu vay vốn được dự báo sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2009.


Theo các chuyên gia tài chính, dù lãi suất kỳ hạn dài tăng mạnh nhưng lãi suất bình quân của các NH vẫn ở mức 8%-8,5%/năm. Trong khi các NH cho vay sản xuất kinh doanh 10,5%/năm, cho vay tiêu dùng với lãi suất 12%-16%/năm nên vẫn bảo đảm lợi nhuận. Nhiều NH đua nhau tăng lãi suất kỳ hạn dài, đa dạng hóa chương trình tiết kiệm, song khách hàng vẫn tập trung gửi tiền kỳ hạn ngắn. Việc nâng lãi suất tiết kiệm lên 10%/năm chẳng qua là chiêu tiếp thị, thu hút khách hàng đến với NH.

Nhìn nhau tăng lãi suất


Ngày 1-7, NH Việt Á (VAB) trình làng chương trình “Tiết kiệm linh hoạt”, lãi suất cao nhất là 9,1%/năm (kỳ hạn 36 tháng). MHB phát hành kỳ phiếu ghi danh VNĐ lãi suất 8,7% đối với kỳ hạn 364 ngày. Trước đó, Sacombank tung ra thị trường “Tiết kiệm đại cát”, lãi suất các kỳ hạn tái tục bao gồm lãi suất tiết kiệm thông thường cộng với lãi suất thưởng 0,36%/năm. Lãi suất tiết kiệm của NH Quốc tế (VIB) cũng tăng từ 0,2% đến 0,6%/năm. Riêng người mua chứng chỉ tiền gửi VIB được hưởng lãi suất lên tới 9,9%/năm... Một số NH khác cũng đang nghe ngóng thị trường để điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong vài ngày tới.

Thy Thơ