Hơn 400 hộ dân tại khu quy hoạch thương mại Hạnh Thông Tây, phường 11, quận Gò Vấp - TPHCM đã định cư gần 8 năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa được chủ đầu tư - Công ty Govimex – trao chủ quyền nhà (sổ hồng).
Hẹn năm này qua năm khác
Ông L.M.T, chủ một ngôi nhà tại khu quy hoạch thương mại Hạnh Thông Tây, cho biết ông mua đất nền của Công ty Govimex và đã xây nhà từ năm 2002. Mọi nghĩa vụ tài chính, trong đó có tiền sử dụng đất, ông T. đều đóng đầy đủ cho chủ đầu tư. Thế nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư gần như làm ngơ nghĩa vụ hoàn tất chủ quyền nhà cho bên mua.
“Chúng tôi đã nhiều lần hỏi chủ đầu tư rằng bao giờ mới có sổ hồng. Đầu năm, chủ đầu tư trả lời giữa năm sẽ có; mãi đến cuối năm, chúng tôi đến hỏi thì chủ đầu tư lại cho biết năm sau mới có, cứ thế kéo dài năm này qua năm khác” - ông T. bức xúc.
Hàng trăm hộ dân khác sống tại khu quy hoạch thương mại Hạnh Thông Tây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Qua tìm hiểu, họ biết được Công ty Govimex đang nợ Nhà nước khoảng 18 tỉ đồng tiền sử dụng đất nên chưa được cấp sổ đỏ để tiến hành hoàn tất chủ quyền nhà cho khách hàng trong khu quy hoạch. Việc chủ đầu tư chậm hoàn tất chủ quyền khiến người đã có nhà lâm vào tình trạng “vô chủ” về mặt pháp lý. Do đó, nhà khi bán thường rẻ hơn giá thị trường hoặc chủ nhân muốn mở rộng kinh doanh thì không thể thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng.
Bên mua thất thế
Cũng tại TPHCM, giới kinh doanh bất động sản cho biết một số dự án nhà ở thuộc phường An Khánh, quận 2 đã hoàn chỉnh 10 năm nay nhưng đến giờ người mua vẫn chưa có sổ hồng. Nguyên nhân chủ yếu là chủ đầu tư chây ì đóng tiền sử dụng đất nên không có cơ sở để làm chủ quyền nhà cho khách hàng. Trong khi đó, chủ đầu tư đã thu tiền sử dụng đất của bên mua. Vì thế, bên mua nhà có quyền cho rằng chủ đầu tư chiếm dụng vốn của họ. Hiện nay, việc đóng tiền sử dụng đất được thực hiện rất nhanh, quan trọng là chủ đầu tư có quyết tâm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước hay không.
Theo ông Nguyễn Thúc Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư - Kinh doanh nhà Intresco, các chủ đầu tư có uy tín thường công bố rộng rãi thông tin liên quan đến dự án. Trường hợp chủ đầu tư cung cấp thông tin chưa rõ ràng, người mua nhà đất cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án, nhất là thông tin về sổ đỏ, sổ hồng có hay chưa, khi nào có... để tránh tình trạng dài cổ chờ chủ quyền nhà đất.
Một luật sư cho rằng nếu chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ hoàn tất sổ hồng theo đúng thời hạn, bên mua nhà có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hợp đồng mua - bán sẽ vô hiệu nếu người đại diện cho chủ đầu tư không đúng quy định pháp luật nên không phát sinh quyền và nghĩa vụ của hai bên. Khi đó, chủ đầu tư không có nghĩa vụ hoàn tất sổ hồng cho bên mua. Hợp đồng mua - bán sẽ được hủy bỏ. Bên mua trả lại nhà cho chủ đầu tư, đồng thời bên bán trả lại tiền.
Lách thuế đất nông nghiệp
Theo quy định về việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, cơ quan thuế tính thuế thu nhập cá nhân 5%/giá trị chuyển nhượng, được thể hiện tại hợp đồng mua - bán. Tuy nhiên trên thực tế, bên bán có thể lách luật bằng cách thỏa thuận với bên mua kê khai giá trị chuyển nhượng ở mức thấp nhằm giảm thiểu số tiền đóng thuế.
Ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết nếu giá trị chuyển nhượng đất nông nghiệp thấp hơn mức giá tối thiểu do UBND TP quy định, cơ quan thuế áp dụng theo mức giá của UBND TP, đồng thời khung giá đất nông nghiệp cũng được Nhà nước điều chỉnh và công bố hằng năm. |