“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Khó ổn định lãi suất tiết kiệm

Theo các chuyên gia, không nên duy trì quá lâu trần lãi suất tiết kiệm. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại ACB

Ảnh: H.Thúy

Lãi suất thực tế cao hơn mức lãi suất được thể hiện trên sổ tiết kiệm. Ngân hàng sẽ phải lách luật để hợp thức hóa phần chênh lệch

Tuy tín dụng tăng trưởng không đáng kể nhưng hiện không ít ngân hàng (NH) vẫn tiếp tục cuộc đua huy động vốn khiến lãi suất tiết kiệm rất khó ổn định.

 

Các ngân hàng “so găng”


Do trần lãi suất đầu vào bị khống chế 10,5%/năm nên các NH lách quy định tiền gửi, đua nhau tặng vàng, tiền cho khách hàng. Tuy nhiên, đối tượng “so găng” trên “võ đài” huy động vốn chủ yếu là các NH nhỏ. Người dân chỉ cần thông báo số tiền gửi 500 triệu đồng, lập tức nhân viên NH đến tận nhà mở sổ tiết kiệm, lãi suất 13,5%/năm nhưng chứng từ chỉ thể hiện lãi suất 10,49%/năm; phần chênh lệch 3,01% lãi suất được NH chi trả ngay cho người gửi. Như vậy, lãi suất thực tế cao hơn mức lãi suất được thể hiện trên sổ tiết kiệm. NH sẽ phải lách luật để hợp thức hóa phần lãi suất chênh lệch.


Để tạo sự khác biệt và thu hút người dân, một số NH huy động vốn có khuyến mãi bằng vàng, thậm chí có NH đã mạnh tay tặng ngay 3 chỉ vàng (tương đương 8 triệu đồng) cho người gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng, kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên. Nhiều NH còn tung ra các loại hình tiết kiệm có khuyến mãi bằng tiền, kỳ hạn gửi do NH ấn định, lãi suất 10,499%/năm và sẽ thay đổi theo định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng... (nếu mặt bằng lãi suất tăng, NH sẽ tăng lãi suất cho người gửi và ngược lại) nhưng không tư vấn cho khách hàng mặt bằng lãi suất được xác định trên cơ sở nào.
 
Một số NH cũng khuyến khích người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài bằng cách trả lãi ngay thời điểm gửi tiền, đồng thời cho phép chọn định kỳ rút tiền trước hạn. Do đó, khi NH điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm hoặc thay đổi điều kiện rút tiền trước hạn rất dễ phát sinh mâu thuẫn hai bên.


Biến tướng nguồn vốn?

Trước thực trạng trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất trần tiết kiệm nên dỡ bỏ. Khi đó, các NH thương mại sẽ chấm dứt tình trạng lách luật huy động vốn. Cơ quan quản lý sẽ giám sát, nắm bắt thông tin thị trường chính xác. Mặt khác, việc bỏ trần lãi suất tiết kiệm còn tạo ra tính minh bạch trong huy động vốn và cho vay.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại không tán thành việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động vào thời điểm này vì các NH sẽ đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao hơn nữa (hiện lãi suất thực tế là 12%-13,5%/năm). Thị trường tiền tệ có thể hỗn loạn theo hướng tiền từ NH này chuyển dịch đến NH khác, buộc NH có mức lãi suất tiết kiệm thấp sẽ tăng lãi suất, mặt bằng lãi suất đầu vào có thể lên tới 14%-15%/năm, khiến mặt bằng lãi suất cho vay cán mức 19%-20%/năm, bất lợi cho nền kinh tế.


Trong khi đó, một số người trong cuộc cho biết đang có hiện tượng một số NH nhỏ lách luật bằng cách biến số vốn đã huy động được thành vốn điều lệ, bởi theo quy định, cuối năm 2010, mỗi NH phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỉ đồng hoặc nguồn vốn ra vào của NH đó đang gặp khó khăn phải “xé rào” huy động tiết kiệm từ dân cư để trả nợ vay NH bạn. Chính vì thế, NH Nhà nước đã tuyên bố tiến hành thanh tra toàn diện các NH có tỉ lệ vốn vay NH bạn lớn hơn 20% số vốn huy động từ dân cư và doanh nghiệp. 

 

Trần lãi suất đầu vào nên nới rộng


Thực tế cho thấy thị trường chỉ thực sự khát vốn lãi suất thấp vì với lãi suất cho vay 17%-18%/năm, bên vay cần bao nhiêu vốn, NH cũng sẵn sàng đáp ứng. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng việc nới rộng trần lãi suất đầu vào phải được tính đến, mức lãi suất hợp lý là 12%/năm. Các NH cho vay với lãi suất 15%- 16%/năm vẫn có lãi. Doanh nghiệp cũng có thể chấp nhận được. Khi đó, thị trường lãi suất sẽ ổn định bởi lợi ích giữa người gửi tiền, người vay tiền và NH đã được dung hòa. Điều mà cơ quan quản lý cần lưu ý là trần lãi suất tiết kiệm không nên duy trì quá lâu và phải được dỡ bỏ khi các NH thương mại có dấu hiệu hoạt động lành mạnh, cạnh tranh công bằng theo đúng luật định.

Thy Thơ