Nhân viên Vinaphone đang tư vấn các gói cước kèm với điện thoại iPhone 3GS trong ngày bán đầu tiên, 26.3. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Sau đợt quảng bá rầm rộ, đến hôm qua (28.3), tại nhiều cửa hàng bán iPhone của Viettel và Vinaphone, khách đến mua ở dưới mức bình thường. Lèo tèo dăm ba khách hỏi chuyện, sau đó hứa sẽ quay lại…
“Ai mua iPhone không?” – đó là lời rao trên mạng của một khách hàng có nickname là hieudd. “Nhà buôn” này rao bán từ hôm 27.3 những chiếc iPhone 3G(s) của nhà mạng Vinaphone với lời cam kết: “mới 100%, bảo hành chính hãng, phiên bản quốc tế (không bị hạn chế nhà mạng), giá rẻ hơn xách tay...: 13,8 triệu đồng cho phiên bản dung lượng 16GB; 15,9 triệu đồng cho phiên bản 32GB.
Người dùng không cần xác máy
Khi phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị liên lạc với người bán thì được biết, giá trên chỉ là giá máy. Nghĩa là, người mua chỉ dùng máy, còn gói cước đi kèm theo máy sẽ do chủ nhân mua máy lần đầu sử dụng. Đối chiếu giá do Vinaphone bán ra, người bán đã lỗ 500.000đ/máy. Còn đối chiếu giá máy phiên bản quốc tế do Viettel bán theo hình thức bán máy mà không ràng buộc vào gói cước, giá máy trên rẻ hơn từ 400.000đ (phiên bản 16GB) – 600.000đ (phiên bản 32GB). Nhưng so với giá của hàng xách tay vẫn còn cao hơn từ 500.000 đến một triệu đồng tuỳ theo dung lượng bộ nhớ 16 hay 32GB. Theo lời ông Bình (quận 11, TP.HCM), một tay chuyên buôn bán hàng iPhone xách tay, các phiên bản quốc tế của dòng 3G(s) dạng hàng xách tay “khó kiếm” hàng xịn nhưng nếu có hàng cũng chỉ dao động từ 13 triệu đồng (16GB) cho đến 15 triệu đồng (32GB).
Theo ông Quang (Hà Nội), không chỉ trên mạng mà trên thực tế, đã có một vài khách sau khi mua máy (đăng ký gói cước kèm theo) chấp nhận lỗ từ một triệu đồng/ máy để bán xác máy, chỉ giữ lại gói cước. “Giá xác máy không quan trọng mà điểm hấp dẫn của chương trình này chính là gói cước mà các nhà mạng buộc người mua máy phải thụ hưởng như là cách ưu ái, hấp dẫn của những chiếc máy iPhone bán ra thị trường trong dịp này. Người bán máy chấp nhận lỗ vài triệu đồng nhưng tính ra họ tiết kiệm ít nhất khoảng 4 triệu đồng nếu sử dụng đủ thời gian cam kết với nhà mạng”. Tại 80 Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), điểm bán lẻ iPhone của Vinaphone, khách hàng chỉ quan tâm tới những gói cước mà các nhà mạng đưa ra, còn giá máy, họ cho rằng cao so với hàng xách tay đang bán trên thị trường từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng, tuỳ theo dòng máy.
“Mồi” nào ngon hơn?
Trong ba nhà mạng công bố bán iPhone trên thị trường, đến nay chỉ còn Mobifone chưa có động tĩnh gì. Hiện nay, Vinaphone có ba gói cước trả sau. Còn Viettel có bốn gói cước trả sau.
Nếu tính giá cước mà hai nhà mạng công bố, độ chênh lệch giữa những gói cước không cao lắm. Nếu “so đo” giữa gói iPhone 1 (Viettel) và gói iTouch 1 (Vinaphone), gói iTouch 1 sẽ đắt hơn 50.000đ nhưng hơn 50 phút gọi và 90 tin nhắn. Quy đổi thành tiền, gói iTouch 1 tiết kiệm được 20.000đ… Những gói cước còn lại, khách hàng cũng chỉ trả 295.000đ (gói 550.000đ) và 315.417đ (gói 650.000đ). Nếu sử dụng quá mức quy định của từng gói cước, người sử dụng phải thanh toán phần vượt trội theo mức cước hiện hành (còn được giảm 10%). Theo đại diện nhà mạng Vinaphone, cước thực tế nêu trên sẽ được áp dụng từ tháng đầu tiên hoà mạng.
Trong khi đó, khách hàng mua iPhone của Viettel, mức cước ưu đãi (từ số tiền ứng trước cho dịch vụ mà khách hàng tạm ứng trước cho nhà mạng khi mua máy) sẽ được tính vào cước thuê bao kể từ tháng thứ bảy (gói 12 tháng) hoặc từ tháng sử dụng thứ 14 (gói 24 tháng). Mức ưu đãi như thế nào chưa được công bố cụ thể.
Sau ba ngày quảng bá rùm beng tính từ ngày 26.3, số lượng máy iPhone được bán ra trên thị trường vẫn còn là một ẩn số. Ngày đầu tiên, Vinaphone cho biết đã bán được gần 500 chiếc. Còn Viettel cho rằng “vượt quá sự mong đợi” nhưng không cho biết con số cụ thể. Còn hai ngày sau đó, cả hai nhà mạng đều nói rằng, chưa thống kê. Nhưng quan sát trên thị trường, sự hào hứng của người tiêu dùng đã lắng lại. “Dù được ưu đãi về gói cước (Vinaphone) hay chiêu thức bán hàng bán giá máy “không đồng” (Viettel) nhưng số tiền ban đầu mà khách hàng “tạm ứng” cho nhà mạng đã vượt quá khả năng của nhóm người có thu nhập trung bình nên khó bán hàng. Mặt khác, tâm lý chờ đợi các nhà mạng giảm giá trực tiếp vào máy thay vì ưu đãi cước từng tháng của người tiêu dùng đã làm cho sản phẩm này không còn nóng như những ngày đầu tiên”, một chuyên gia về nhóm điện thoại di động bình luận.
Gia Vinh