“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Hợp thức hóa lãi suất :Thị trường có thể sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn 14%-15%/năm

Ngân hàng và doanh nghiệp đều trông đợi các khoản vay ngắn hạn được thực hiện theo lãi suất thỏa thuận. Ảnh: HỒNG THÚY

Thị trường có thể sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn 14%-15%/năm


Nguồn tin từ các ngân hàng thương mại cho biết trong vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành quyết định cho vay ngắn hạn (chủ yếu là vay vốn lưu động hay còn gọi hạn mức tín dụng hằng năm) theo lãi suất thỏa thuận. Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng lãi suất thỏa thuận sẽ hợp thức hóa lãi suất trên thị trường.

Thuận mua vừa bán
Theo các chuyên gia tài chính, khi lãi suất cho vay ngắn hạn được phép thỏa thuận, thị trường sẽ minh bạch hơn; tình trạng bất hợp lý về cào bằng lãi suất 12%/năm giữa NH với doanh nghiệp (DN) về phí dịch vụ sẽ chấm dứt; quan hệ bên vay và bên cho vay là thuận mua vừa bán. Hai bên có thể thỏa thuận lãi suất theo từng đợt giải ngân, thời hạn vay; thời điểm điều chỉnh lãi suất 3 tháng/lần hay 6 tháng/lần, cơ sở nào để tăng hay giảm lãi suất...

Bơm tiền cho NH để giảm lãi suất


Thông tin từ NHNN, những ngày gần đây, NHNN đã bơm 8.200 tỉ đồng kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 8%/năm và 2.500 tỉ đồng kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 7,5%/năm nhằm tăng thêm vốn cho các NH, giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, để thành công trong việc tiếp tục hạ lãi suất, tăng trưởng tín dụng VNĐ cao hơn ngoại tệ (hiện tại tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn VNĐ), không để thị trường tiền tệ méo mó, một số chuyên gia tài chính cho rằng NHNN nên tăng cung tiền có trọng điểm để không xảy ra tình trạng các NH đua tăng lãi suất huy động vốn.

Vấn đề các DN quan tâm là những khoản vay ngắn hạn cũ với lãi suất 12%/năm, phí dịch vụ 4%/hạn mức tín dụng mà NH cấp cho DN, NH sẽ xử lý ra sao? Một số NH cho biết sau khi hết thời hạn khoản vay cũ, bên vay có quyền đề nghị NH tính toán số tiền phí và lãi suất sao cho mức lãi suất thực tế của khoản vay mới phù hợp với mặt bằng lãi suất cho vay tại thời điểm giải ngân. NH nào không chấp nhận sẽ mất khách hàng. Ngược lại, đối với khoản vay cũ, lãi suất thực tế 12%/năm, NH có thể thương lượng điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1%-2%; nếu bên vay không đồng ý, NH cũng phải chấp nhận.

Doanh nghiệp tiếp tục gồng gánh

Do mặt bằng lãi suất cho vay thời gian gần đây ở mức 16%-18%/năm, chính sách lãi suất cũng chưa rõ ràng nên DN không dám tiếp cận vốn. NH cũng cố thủ chờ đợi chính sách lãi suất mới, không dám cho vay đối với DN sản xuất kinh doanh hàng hóa có độ rủi ro cao, khiến đầu ra của các NH không mấy khả quan. Điều này thể hiện khá rõ khi tín dụng quý I/2010 của ngành NH chỉ tăng 3,34%, hàng chục ngàn tỉ đồng của nhiều NH đang “đóng băng”.

Vì thế, khi áp dụng lãi suất thỏa thuận đối với khoản vay ngắn hạn, các NH không dám đưa ra mức lãi suất cao. Đặc biệt, năm NH thương mại có vốn Nhà nước đã “bật đèn xanh” cho vay ngắn hạn với lãi suất 14%/năm, buộc các NH cho vay với lãi suất từ 16%/năm trở lên phải hạ lãi suất để giữ chân khách hàng, nếu không sẽ tiếp tục ôm vốn. Thị trường có thể sẽ hình thành mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn 14%-15%/năm.

Nhiều NH cho biết nếu trong năm 2010, lạm phát được kiềm chế 7% - 8% thì lãi suất tiết kiệm sẽ là 10% - 11,5%/năm, bởi lãi suất huy động vốn cao hơn lạm phát 3% - 3,5% NH mới thu hút được tiền gửi. Như vậy, với chi phí kinh doanh 2,5% - 3%/năm, lãi suất cho vay từ 14% - 15%, NH đã có lời.

Trong khi đó, lãnh đạo một NH 100% vốn nước ngoài tại VN cho biết DN sản xuất kinh doanh chỉ đạt lợi nhuận 10% - 15% (chưa trừ chi phí lãi suất vay vốn). Giả sử, DN quay dòng tiền một hoặc hai vòng thì lợi nhuận chỉ vừa đủ để chi trả lãi. Do đó, chỉ có những DN quản lý vốn lưu động hiệu quả, biết tính toán sao cho vốn được quay nhiều vòng mới đủ sức chịu đựng lãi suất vay vốn ngắn hạn 14%-15%/năm.

Thy Thơ