“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Hội nghị các nhà tài trợ: Cam kết viện trợ 7,9 tỉ USD

Các nhà tài trợ cho VN tại Hội nghị - Ảnh: H.Giang
Ngày 8-12, các nhà tài trợ đã công bố viện trợ phát triển chính thức (ODA) cam kết dành cho VN vào năm 2011 là 7,905 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm ngoái. Ngân hàng thế giới (WB) tiếp tục là nhà tài trợ đa phương lớn nhất với 2,601 tỉ USD, còn Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất với 1,76 tỉ USD.

Vì sao ODA giảm và điều kiện vay cũng sẽ khó hơn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu nội dung trả lời báo chí của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cùng đại diện các nhà tài trợ.

Các đối tác kêu gọi VN ưu tiên phát triển bền vững

Các đối tác phát triển cam kết 7,905 tỉ USD ODA để giúp VN ổn định kinh tế vĩ mô và tập trung vào các khía cạnh quan trọng của phát triển bền vững. Thay mặt cho các đối tác phát triển, bà Jennifer Sarah, Giám đốc Ban Phát triển bền vững của WB tại VN đã lưu ý Chính phủ không chỉ về vấn đề sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững mà còn về các lĩnh vực ô nhiễm nước và không khí, cũng như thách thức mang tính toàn cầu như hiệu ứng nhà kính, những thiệt hại không khắc phục được trong đa dạng sinh học và môi trường sống.

Bà Victoria Kwakwa kêu gọi VN đưa nhóm nghèo đô thị vào diện xóa đói giảm nghèo, đa dạng hóa cách tiếp cận giảm nghèo theo nhóm đối tượng và từng địa phương khác nhau. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho hay nếu tính theo chuẩn nghèo mới, tỉ lệ nghèo của VN là 17%.

Hương Giang

* Liệu có sự mâu thuẫn giữa mong muốn tăng trưởng 7% năm tới và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô hay không?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn. Khi chuẩn bị kế hoạch 2010, chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng cao hơn. Nhưng trước tình hình lạm phát thì chính phủ và quốc hội điều chỉnh là khoảng 7%. Chính phủ đã có những biện pháp để thực hiện điều đó.

- Ông Masato Miyazaki (Quỹ Tiền tệ Quốc tế): Tôi nghĩ không có gì mâu thuẫn giữa tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Vấn đề ở đây là nếu lạm phát cao liên tục thì có lẽ tốc độ GDP tăng trưởng thực sẽ thấp hơn. Một trong những điều chắc chắn là nếu tiếp tục duy trì tỉ lệ lãi suất cao thì cũng khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.

- Bà Victoria Kwakwa: Bức tranh kinh tế và kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới cho thấy ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Nếu nhìn vào ngắn hạn thì hai mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô mâu thuẫn nhau. Còn trong dài hạn thì phải có ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững.

* Xin cho biết cam kết ODA mới dành cho VN được đưa ra dựa trên cơ sở đánh giá nào và đánh giá tỉ lệ giải ngân ODA ở VN?

- Bà Victoria Kwakwa: Theo cách hiểu truyền thống ở VN thì khối lượng cam kết thường được phản ánh mức độ hài lòng của các nhà tài trợ với chính phủ. VN đang bước vào giai đoạn có thu nhập trung bình, nguồn viện trợ sẽ giảm nhưng không có nghĩa là quan hệ đối tác của chúng tôi không phát triển hay chính sách của VN sai. Ở thời điểm này, giảm bớt nguồn viện trợ không có nghĩa là giảm sự ủng hộ.

- Ông Ayumi Konishi (Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB): Tổng số ODA cam kết của chúng tôi cho năm sau là 1,5 tỉ USD, trong đó chỉ có 25 triệu USD là viện trợ không hoàn lại. Chúng tôi sẽ dành 1,5 tỉ USD trực tiếp cho khu vực công và hi vọng một phần cho lĩnh vực đối tác công - tư. Nhiều đối tác phát triển khác cũng hướng tới cách hỗ trợ này, tức là hướng tới quan hệ đối tác công - tư.

Một đối tác phát triển đã nói rằng khi VN trở nên giàu có hơn, đã là nước có thu nhập trung bình, thì nhà tài trợ khó giải thích với người nộp thuế trong nước của họ là tại sao phải tiếp tục hỗ trợ. Sẽ ngày càng khó cấp các khoản viện trợ không hoàn lại cho VN.

Chúng tôi kỳ vọng giải ngân 1 tỉ USD cho một năm. Nhưng năm vừa rồi, giải ngân của VN thậm chí chưa được một nửa của số đó. Chúng tôi có chút lo ngại là luôn có sự chậm trễ trong việc chuẩn bị dự án và triển khai dự án.

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Trước đây ODA của ADB và của WB chủ yếu là ưu đãi, lãi suất 0,75%, thời hạn là 40 năm. Chúng ta lo là các nhà tài trợ bớt đi các khoản vay ưu đãi. Khi nói đến ODA, chúng ta nói đến yếu tố “cho không”. Ví dụ vay 10 năm ân hạn và 40 năm sau mới trả nợ thì yếu tố cho không lên tới trên 80% do yếu tố mất giá đồng tiền. Chúng ta phải tận dụng nguồn vốn này. Sắp tới các nhà tài trợ sẽ cho VN vay với điều kiện khó khăn hơn thì chúng ta phải tìm dự án để đảm bảo đầu tư vào đó thì kinh tế phát triển và có khả năng trả nợ.

Về giải ngân, các nhà tài trợ đánh giá giải ngân ngày càng tiến bộ hơn. Tuy nhiên vẫn còn một vài dự án chậm trễ và cả nhà tài trợ và chúng ta đang tìm cách khắc phục.

Vẫn còn chồng chéo trong lĩnh vực ODA

Trả lời Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc tại VN cho biết một trong những thách thức cần giải quyết là vẫn còn chồng chéo và trùng lặp trong lĩnh vực ODA, cả về phía chính phủ lẫn các nhà tài trợ. “Phải làm thế nào để tối đa hóa những đặc điểm mang tính bổ sung cho nhau của các nhà tài trợ: tài trợ đa phương, song phương, ngân hàng hay Liên hiệp quốc,... đều có những lợi thế khác nhau và làm sao để không xảy ra tình trạng tất cả mọi người đều cùng làm một thứ giống nhau.” - ông Hendra nói.

Năm nay, Liên hiệp quốc cam kết ODA cho VN là 140,19 triệu USD, cao hơn một chút so với năm ngoái. Điều này có phần ngược lại so với xu hướng giảm viện trợ chung trên toàn cầu của LHQ. Ông Hendra ước tính khoảng 25% số tiền viện trợ của LHQ cho VN đến từ ngân sách thường xuyên của tổ chức này; còn lại 75% là có được thông qua các hoạt động gây quỹ cho VN.

HƯƠNG GIANG ghi