“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Hoài nghi về cổ phiếu lỗ

Nhiều nhà đầu tư có xu hướng “săn” cổ phiếu lỗ nhưng hãy thận trọng nếu không sẽ bị hớ. Ảnh: H. Thúy

Do hành vi thao túng doanh nghiệp thường ít bộc lộ ra bên ngoài nên nhà đầu tư ít kinh nghiệm khó lòng nhận biết

Kinh doanh thua lỗ có thể là bình thường nhưng điều bất bình thường ở đây là có những công ty niêm yết trên sàn bị thua lỗ kéo dài, đến mức mất cả vốn chủ sở hữu mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Điều đó đặt ra nhiều nghi vấn cho các nhà đầu tư trên sàn.


Lỗ kéo dài


Trong danh sách các đơn vị bị lỗ trong năm 2009, Công ty CP Nước Giải khát Sài Gòn (TRI) được coi là “cựu binh”. Năm 2008, TRI đã làm sốc nhà đầu tư khi công bố bị lỗ 145 tỉ đồng, làm mất hết cả vốn chủ sở hữu. Sang năm 2009, để có thêm vốn hoạt động, TRI lại bán 20 triệu cổ phiếu (với giá 7.520 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mệnh giá 2.480 đồng), thu được 150,4 tỉ đồng.

Số vốn này TRI dùng cơ cấu lại nợ vay, bổ sung vốn lưu động để duy trì hoạt động kinh doanh. Tưởng mọi việc sau kinh nghiệm “xương máu” sẽ tốt hơn nhưng không ngờ sang năm 2009, TRI lại tiếp tục lỗ thêm 86 tỉ đồng.


 
“Quán quân” lỗ thuộc về Công ty CP Nam Việt (ANV), đơn vị hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản, lại làm nhà đầu tư chán nản khi kéo dài sự thua lỗ từ quý IV/2008 đến nay. Theo báo cáo tài chính, cả năm 2009, ANV đạt 1.859 tỉ đồng doanh thu, giảm 44% so với năm trước.

Do doanh thu thấp hơn giá vốn nên cả năm ANV bị lỗ 178 tỉ đồng. Trong 5 quý liên tục vừa qua, chỉ có quý III/2009, công ty lãi gần 5 tỉ đồng, còn lại đều bị lỗ. Đặc biệt có hai quý  công ty bị lỗ rất nặng là quý IV/2008 lỗ 131 tỉ đồng và quý IV/2009 lỗ 101 tỉ đồng.


Còn Công ty CP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (VSP – sàn Hà Nội), trong 3 quý đầu năm 2008 thu lãi lớn nhưng sau đó bị lỗ kéo dài cho đến nay. Theo số liệu công bố đến tháng 9-2009, VSP đã lỗ 4 quý liên tục, với số tiền “bốc hơi” khoảng gần 300 tỉ đồng. Riêng quý IV/2009 hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính nhưng trước tình hình khó khăn của ngành vận tải biển, VSP có thể tiếp tục bị lỗ.


Liệu có nằm trong chiến lược?


Cứ sau mỗi lần bị lỗ lớn, các đơn vị thường đưa ra một bản giải trình nhằm biện minh cho công việc làm ăn khó khăn. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra có kinh nghiệm thích săn những cổ phiếu lỗ để “lướt sóng”. Lý do? Không còn thông tin nào xấu hơn nữa. Tuần trước, khi ANV công bố bị lỗ tiếp, những người nắm mã này đã bán tháo, làm cho giá ANV bị giảm nhiều ngày.

Nhưng đến cuối tuần, một lực mua lớn, bất thường đổ vào thu gom làm cho ANV từ giảm sàn đã tăng trở lại. Nhưng sự trở “gió” này liệu kéo dài được bao lâu ? Chỉ biết rằng lúc lên sàn (cuối năm 2007), giá ANV giao dịch ở mức hơn 95.000 đồng, nay chỉ còn 16.000 đồng, làm cho những người đầu tư lâu dài, những người trung thành với ANV đã bị thiệt hại rất nặng.


Trong sách lược đầu tư, các chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư cần tìm mua những cổ phiếu lỗ bất thường nhưng với những cổ phiếu lỗ triền miên thì không ai dám chắc. Trên sàn, hiện tại có nhiều công ty đang được điều hành bởi người của gia đình hoặc người của những tập đoàn nắm cổ phần chi phối.
 
Họ có thể thao túng, có thể làm “xiếc” để biến lãi thành lỗ kéo dài nhằm làm cho nhà đầu tư bên ngoài chán nản, bán tháo, đẩy giá cổ phiếu xuống mức cực  thấp để cổ đông nội bộ tận dụng thu gom (tức gia tăng tỉ lệ sở hữu để chiếm quyền kiểm soát. Tất nhiên, trước khi mua họ thông báo công khai).

Do hành vi thao túng doanh nghiệp thường ít bộc lộ ra bên ngoài nên nhà đầu tư ít kinh nghiệm khó lòng nhận biết. Tuy nhiên, theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, những công ty lỗ dài hạn trên sàn hiện nay chủ yếu là do rủi ro bất khả kháng. Bản thân cổ đông lớn và CEO các công ty này có lẽ cũng không muốn đơn vị mình bị lỗ. Dẫu sao, khi mua cổ phiếu của những doanh nghiệp này, nhà đầu tư nên thận trong nếu không dễ bị hớ.

Trần Phú Minh