“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Hàng chục dự án thép ngoài quy hoạch chưa được xử lý

Sản xuất thép xây dựng đã đáp ứng được 100% nhu cầu                (ảnh: Phạm Huyền)

Có ít nhất 3 dự án thép lớn trong qui hoạch bên bờ vực phá sản, trong khi, 32 dự án thép được cấp phép sai quy định vẫn nhùng nhằng, chưa bị xử lý.
TIN LIÊN QUAN

Thông tin này vừa được Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) công bố theo kết quả rà soát các dự án thép trên toàn quốc mới nhất. 

Theo cơ quan trên, từ khi có quy hoạch thép đến nay, tổng số dự án có công suất thiết kế từ 100.000 tấn/năm trở lên được cấp phép trên toàn quốc, đã đi vào hoạt động hoặc đang triển khai đầu tư là 65 dự án, trong đó có 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 41.623 tỷ đồng và 19.878 triệu USD. 

Đáng chú ý là, trong số này, chỉ có 17 dự án nằm trong danh mục các dự án thép được quy hoạch. Trong số các dự án ngoài quy hoạch, có 16 dự án thép đã có ý kiến thoả thuận của Bộ Công Thương, và 6 dự án lớn trong số này đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư.

32 dự án thép khác được các địa phương cấp phép, nhưng chưa có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến thoả thuận của Bộ Công Thương.

Tiến độ và chất lượng hoạt động của một số dự án thép lớn cũng đang có vấn đề. Bộ này cho hay, 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có qui mô lớn, đã có tên trong quy hoạch, nhưng khả năng tiếp tục triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là các dự án như Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh, Dự án Khu liên hợp Cà Ná – Ninh Thuận và Dự án Nhà máy thép tấm cán nóng Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vụ Công nghiệp nặng đánh giá, việc các địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án chưa có trong quy hoạch ngành với quy mô từ 300 tỷ đồng trở lên, mà không lấy ý kiến thoả thuận của Bộ Công Thương và ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng (đối với các dự án có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên), là vi phạm quy định về đầu tư và cần phải được chấn chỉnh. 

Ngoài ra, việc cấp phép đầu tư cho các dự án sản xuất gang, thép tại một số địa phương chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết về quy mô, công nghệ sản xuất, chủng loại sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào, hạ tầng cơ sở, đánh giá tác động môi trường… Sự buông lỏng quản lý này đã dẫn đến tồn tại một số dự án thiếu tính bền vững, mất cân đối giữa sản xuất thượng nguồn với hạ nguồn, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. 

Đặc biệt, việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng chưa được giải quyết dứt điểm theo quy định tại Khoản 2, Điều 64 của Luật Đầu tư. 

Hậu quả của sự cấp phép tràn lan, tùy tiện trên đã dẫn tới, ngành thép hiện nay đang bội thực. Tính đến năm 2009, ngành thép đã đáp ứng khoảng 54% nhu cầu về phôi thép vuông, 40% thép cán nguội, 100% thép cán xây dựng. Tuy nhiên, sản lượng phôi thép được sản xuất từ quặng sắt là không nhiều, do vậy phôi thép chủ yếu được sản xuất từ thép phế hoặc dựa vào nhập khẩu.

Dự kiến, đến năm 2015, nhu cầu thép của Việt Nam cần khoảng 15 triệu tấn thép và năm 2020 là 20 triệu tấn thép. Nếu các dự án thực hiện theo đúng công suất thiết kế, đạt sản lượng 35,29 triệu tấn/năm thì cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần, đặc biệt là thép tấm, lá. 

Nếu như, 3 dự án sản xuất thép tấm cán nóng có trong quy hoạch trên không tiếp tục triển khai được thì sản lượng thép dự kiến giảm xuống còn khoảng 26 triệu tấn/năm. Như vậy, so với cầu, cung chỉ còn vượt khoảng 1,2 - 1,3 lần. 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề nghị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Thành phố và các Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp tăng cường phối hợp trong việc quản lý các dự án đầu tư sản xuất thép.

  • Phạm Huyền