Bên cạnh những vấn đề đang gây tranh luận mà cả hai luật đều chưa đưa ra được giải pháp thấu đáo về lãi suất cơ bản và cơ chế xin - cho liên quan đến giấy phép con, còn là sự thiếu vắng các quy định căn bản phản ánh sự thay đổi đang diễn ra trên thị trường tài chính VN.
Vẫn chờ vẫn đợi!
“Hai dự thảo vẫn mang trong nó những nhược điểm vốn có trong cách làm luật của chúng ta. Đó là nhiều nội dung mang tính định hướng, những vấn đề xử lý cụ thể vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, của NHNN” – trưởng phòng pháp chế một ngân hàng nhận xét.
Ông dẫn chứng những vấn đề như giới hạn sở hữu của cổ đông; điều kiện để ngân hàng cổ phần được mua, bán, tham gia góp vốn của nhau; giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giới hạn cho vay của TCTD đối với hệ thống phi ngân hàng hay khách hàng có liên quan...đều phải chờ quy định của Chính phủ, của NHNN.
Một sự rà soát kỹ lưỡng chỉ ra rằng trong dự thảo Luật TCTD có đến 30 điểm mà TCTD phải thực hiện theo quy định hướng dẫn của NHNN và 28 điểm luật trao quyền cho NHNN quy định cụ thể (!!!).
Muốn tiến hành đủ các nghiệp vụ hoạt động, TCTD, như vậy, phải chờ đợi nhiều. Bên cạnh đó, có những vấn đề mà không chỉ giới ngân hàng mà cả xã hội trông đợi, thì lại không được quy định chi tiết.
Ai cũng biết hiện nay kênh thông tin về ngân hàng thiếu. Ngoài các thông tin trên website của NHNN, các nhà nghiên cứu, quan sát, doanh nghiệp... muốn tìm thông tin chính thức về chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, điều hành tỉ giá... không biết kiếm ở đâu.
Hai dự thảo luật chưa thể hiện rõ tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của NHNN và các TCTD đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như công chúng. Các quy định về trách nhiệm công bố thông tin của NHNN khá sơ sài, chưa rõ yêu cầu về nội dung cũng như thời hạn công bố thông tin và chủ thể được nhận cung cấp thông tin. Điều này có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình thực hiện. Trong dự thảo Luật TCTD cũng không có sự sửa đổi nào về công bố thông tin của TCTD.
Bỏ ngỏ tập đoàn tài chính, ngân hàng đầu tư
Không ít TCTD khi đọc dự thảo hai luật đã phàn nàn: Không thấy bóng dáng khái niệm ngân hàng đầu tư ở đâu. Họ băn khoăn bởi nghiệp vụ ngân hàng đầu tư hiện được không ít TCTD thực hiện hoặc hướng tới. Trong bản dự thảo đưa ra vào tháng 5.2009, Luật TCTD có quy định về hoạt động này, nhưng lần này thì bỏ hẳn. Mặc dù chúng ta đã có Luật Chứng khoán quy định các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, nhưng vẫn cần một văn bản pháp lý ở cấp độ Luật Ngân hàng, trong đó nói rõ những nghiệp vụ ngân hàng đầu tư nào mà TCTD được phép thực hiện và những nghiệp vụ nào bắt buộc phải tiến hành qua công ty con là công ty chứng khoán.
Mặt khác, dự thảo Luật TCTD cũng không điều chỉnh quy định về tập đoàn tài chính – ngân hàng. Những năm gần đây, hầu hết các TCTD chủ lực của Việt Nam đều tuyên bố hướng tới mô hình tập đoàn tài chính – ngân hàng. Trong sự thay đổi về cơ cấu kinh tế và môi trường kinh doanh, sự ra đời của các tập đoàn tài chính – ngân hàng là điều sẽ phải xảy ra không sớm thì muộn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2009/ND-CP về thành lập, quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước. Tuy nhiên tập đoàn tài chính – ngân hàng mang tính đặc thù chuyên ngành. Hơn nữa nghị định của Chính phủ không hướng đến điều chỉnh riêng tập đoàn tài chính – ngân hàng. Một khung pháp lý rõ ràng về tập đoàn tài chính – ngân hàng là cần thiết và nên chăng đưa nó vào các bộ luật ngân hàng.
Răn đe và độc lập
Hoạt động tài chính ngày càng phức tạp với những nghiệp vụ ngày càng tinh vi. Sự biến động trên thị trường tài chính quốc tế hai năm qua đã cho thấy rõ điều đó. Vì thế song song với các quy định mang tính mở cửa cho lĩnh vực tiền tệ, cũng cần có các quy định chế tài xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng nhằm ngăn ngừa rủi ro hệ thống.
So sánh lại, các biện pháp chế tài của dự thảo Luật TCTD không có gì mới so với luật hiện hành. Các biện pháp xử lý nêu ra tại Điều 59 dự thảo Luật TCTD hầu hết mang tính hành chính như hạn chế mở rộng mạng lưới, hạn chế hoặc đình chỉ một số nghiệp vụ hoạt động, thu hồi giấy phép...
Đáng nói là các mức chế tài này chỉ áp dụng cho TCTD, không thấy đề cập đến xử lý những cá nhân trong hội đồng quản trị, ban điều hành hoặc cổ đông lớn có hành vi vi phạm. Chính những thể nhân ấy cũng cần cơ chế xử lý nghiêm minh, đảm bảo hiệu lực của công việc giám sát.
Ngày nay, thực tế cho thấy do vị trí pháp lý đặc biệt của mình, các quyết định của NHNN có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều chủ thể khác nhau, từ Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội đến các nhóm lợi ích doanh nghiệp trong nước, ngoài nước. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những chủ thể đó có xu hướng tìm cách tác động, cách này cách kia, đến các quyết định và chính sách cụ thể của NHNN.
Điều này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và lợi ích chung của xã hội, ảnh hưởng đến quyết định của giới đầu tư vào những lĩnh vực khác nhau. Từ đây, có thể thấy rõ sự cần thiết phải ban hành những quy định nâng cao tính độc lập của NHNN trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội.
Tiếc rằng cả hai dự thảo luật chưa toát lên được tính độc lập cần thiết ấy. Nhìn rộng ra, có nên bổ sung vào dự thảo luật các khái niệm cũng như quy định về người có liên quan áp dụng cho cả NHNN và TCTD.
Theo đó, đối với các chức danh cấp cao hoặc vị trí có thẩm quyền của NHNN, thì cần hạn chế người có liên quan của họ được hoạt động, hành nghề trong lĩnh vực ngân hàng để tránh sự bất bình đẳng, thu lợi không chính đáng do bất cân xứng thông tin với đối tượng khác, doanh nghiệp khác.
Đây có lẽ cũng là phương cách tránh hiện tượng điều chỉnh, thay đổi chính sách tiền tệ để phục vụ cho một nhóm lợi ích nhất định nào đó. Sự phát triển và mâu thuẫn của những nhóm lợi ích trước đây không có hoặc hầu như rất ít, nhưng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nó đang ngày càng rõ nét. Hai dự thảo Luật Ngân hàng đã chưa nắm bắt được sự rõ nét đó của cuộc sống hôm nay.