“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Giấy phép con trói DN

 

Có thể giảm một nửa trong tổng số 157 ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện

Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời từ năm 2000 đã cởi trói cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ngay sau đó, lần lượt VN cũng chính thức gia nhập các thị trường khu vực và sân chơi toàn cầu WTO. Lẽ ra theo xu thế chung, môi trường kinh doanh ngày càng phải thuận tiện nhưng các chuyên gia kinh tế và pháp luật lại cho rằng đối với DN VN, kinh doanh ngày càng khó.

 
10 năm lượng giấy phép con tăng 500%!
 
Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện vừa tổ chức ở Hà Nội, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho biết trong 10 năm nay, số lượng giấy phép con đã tăng đến 500%.
 
Cụ thể, năm 1999 mới chỉ có 29 loại hàng hóa, dịch vụ bị đặt vào vòng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì đến năm 2010 đã tăng lên 157 loại. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của VN thuộc nhóm tăng trưởng cao của thế giới cũng chỉ đạt 7%-8%/năm. Trong quá trình quản lý, các cơ quan Nhà nước thấy khó quản là cấm.
 
Theo ông Đức, chưa bàn đến chuyện rào cản nhiều là tốt hay không tốt, nhưng chắc chắn đó là các chướng ngại vật mà DN buộc phải vượt qua trên con đường sinh tồn. Bên cạnh đó, còn có các hàng rào “đồng dạng” khác mà các DN khó có thể phân biệt được trong hoạt động kinh doanh. 
 
Đó là các quy định tại Nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 05-9-2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN năm 2005, có 4 nội dung: Quy định về ngành, nghề và danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề; ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định...
 
Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh cho DN đâm đầu vào bụi rậm, phạm luật mà không biết thì hoặc là phải ít rào cản hoặc là đòi hỏi rào cản phải rõ ràng, minh bạch.
 
Dễ lạm quyền trong cấp phép
 

“Nếu tiếp tục làm luật theo hướng không quản được thì cấm hoặc hạn chế kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền trong cấp phép, nảy sinh tiêu cực rất lớn”- ông Lê Bá Lịch, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, phát biểu.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, Công ty Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự, chúng ta có các văn bản pháp luật hạn chế, cấm kinh doanh, ảnh hưởng đến việc làm ăn của DN nhưng khi ban hành chưa nói rõ vì sao cấm, ngành nghề đó có hại cho ai. Trong thực tế, có những vấn đề rất bức xúc từ việc cấm đoán này.
 
Ví dụ trước đây, chúng ta đã từng cấm việc điều tra bí mật nên có thời kỳ khái niệm bí mật quốc gia bị lạm dụng. Các bộ, ngành và cả DN Nhà nước đua nhau đưa ra các quy định mật, làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của hoạt động kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang cấm môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm mục đích kiếm lời.
 
Trong bối cảnh tự do hóa toàn cầu không cấm được quyền tự do đi lại, việc cấm môi giới hôn nhân dẫn đến môi giới chui và chúng ta đã phải trả giá. Ông Khoát đề nghị đưa dịch vụ này vào hoạt động kinh doanh đặc biệt có điều kiện thay vì cấm. Việc kết hôn giữa người Việt và người nước ngoài thông qua môi giới có hợp đồng kết hôn thay vì đăng ký kết hôn. Căn cứ vào các điều khoản hợp đồng, cô dâu Việt có thể kiện ra tòa đòi quyền lợi trong trường hợp bị xâm hại...
 
Theo luật sư Trương Thanh Đức, chúng ta có thể giảm bớt một nửa trong tổng số 157 ngành nghề cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Ví dụ quy định cấm kinh doanh giấy, máy in và mực in tiền là không cần thiết vì ở tất cả các quốc gia nhà máy in tiền đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. “Cầu” hạn chế như vậy thì không thể có “cung”, quy định cấm là thiếu thực tế. “Hiện nay, hệ thống quản lý của cơ quan pháp luật quá yếu kém nên phải quay ra trói chặt thêm. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều DN sẽ chết” - ông Đức bình luận.
 
Ông Lê Bá Lịch cho rằng nếu tiếp tục làm luật theo hướng không quản được thì cấm hoặc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền trong cấp phép, nảy sinh tiêu cực rất lớn.