“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Giải bài toán lãi suất theo lạm phát

Để hạn chế lạm phát, lãi suất huy động phải điều chỉnh ở mức 8% - 10%/năm và cho vay 12% - 13%/năm.
Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng Việt Á. Ảnh: H.Thúy

Từ nay đến cuối năm 2010, lãi suất nên định hướng sao cho đầu vào ở mức 8%-10%/năm, đầu ra 12%-13%/năm, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Năm 2010, Chính phủ đã đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 10%, giảm bội chi ngân sách dưới 6%, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế... Để thực hiện được các mục tiêu đó, đòi hỏi chính sách lãi suất gắn liền với quá trình kiềm chế lạm phát.

Ổn định giá xăng dầu, hạn chế đầu tư công
Do đặc thù kinh tế VN là khi giá xăng dầu giảm thì giá hàng hóa trong nước lại không giảm nên cần phải có giải pháp riêng để ổn định giá xăng dầu. Cụ thể, Chính phủ cần xem xét giảm thuế đối với xăng dầu, tăng số tiền quỹ bình ổn xăng dầu, từ đó ổn định được giá cả nhiều loại hàng hóa khác, giảm các khoản chi ngân sách. Điều này có nghĩa Chính phủ chi một khoản nhỏ nhưng bù lại không phải bỏ ra khoản chi lớn, bởi khi giá xăng dầu tăng sẽ làm giá cả nhiều loại hàng hóa leo thang, đẩy lạm phát đi lên khiến các khoản chi của ngân sách tăng theo. Mặt khác, việc sử dụng ngân sách phải hợp lý. Chính phủ chỉ tập trung đầu tư những dự án cần thiết, hạn chế tối đa tình trạng tạm ứng vốn cho dự án trước khi phát hành trái phiếu Chính phủ. Cơ chế phát hành trái phiếu Chính phủ phải được nghiên cứu sao cho chính sách tiền tệ và chính sách tài chính hỗ tương cho nhau trong việc bơm vốn cho sản xuất kinh doanh, hay rút tiền về góp phần kiềm chế lạm phát.


Một trong những nguyên nhân thường làm lạm phát gia tăng là giá nguyên liệu sản xuất, lãi suất vay vốn... quá cao; trong khi kinh tế bắt đầu hồi phục, tức nhu cầu tiêu dùng sẽ đi lên nên tổng cầu của nền kinh tế ngày càng tăng. Vì thế, chính sách tiền tệ không nên thắt chặt hay nới lỏng mà phải linh hoạt theo tín hiệu thị trường.


Cần định hướng đầu vào lẫn đầu ra


Thế nhưng, quan trọng là lãi suất đầu vào và đầu ra phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Lãi suất cho vay thỏa thuận cần áp dụng đối với tất cả các khoản vay, giúp các ngân hàng (NH) cạnh tranh công bằng theo hướng có lợi cho nền kinh tế. Đồng thời, NH Nhà nước mạnh tay can thiệp thị trường, không để lãi suất gặp sốc như năm 2008. Đối với lãi suất tiết kiệm, nên tiếp tục khống chế mức trần, song phải đủ bù đắp cho người gửi khi tiền đồng mất giá nhưng cũng không nên quá cao làm hạn chế đầu tư, tạo ra một lực lượng sống nhờ vào tiền gửi NH. Tuy nhiên, lãi suất đầu vào phải được điều hành phù hợp với giá cả của thị trường.
 
Hiện tại giá cả quý I/2010 đă tăng trên 4% nhưng nếu tính theo năm (tháng 3-2010 so với tháng 3-2009) thì giá cả đã tăng gần 10%  nên trần lãi suất tiết kiệm phải ở mức 11%-12%/năm. Sau đó, NH Nhà nước tác động thị trường để trần lãi suất tiết kiệm diễn biến theo quá trình kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Nếu lạm phát được kiểm soát ở mức 7%-8% thì trần lãi suất tiết kiệm phải dưới 10%/năm. Khi NH Nhà nước đã định hướng lãi suất đi xuống, các NH thương mại sẽ không dám lách luật để vượt trần lãi suất đầu vào. Tuy vậy, trần lãi suất tiết kiệm phải được dỡ bỏ khi các NH không còn hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh.


Như vậy, từ nay cho đến cuối năm 2010, chính sách lãi suất phải được điều hành sao cho lãi suất huy động ở mức 8%-10%/năm, lãi  suất cho vay 12%-13%/năm. Đây là mức lãi suất hợp lý cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Từ đó, các NH thương mại và doanh nghiệp dựa vào định hướng của NH Nhà nước để hoạch định sản xuất kinh doanh. 

Nên công bố “sức khỏe” ngân hàng


 Thông thường NH là một trong những địa chỉ hàng đầu để người dân đặt trọn niềm tin, cho nên xã hội không chấp nhận NH có biểu hiện huy động vốn hay cho vay ngoài khuôn khổ pháp luật. Do đó, cơ quan quản lý cần xử lý quyết liệt các NH kinh doanh phạm luật, có thể đóng cửa, sáp nhập hoặc cắt giảm một số mảng kinh doanh tiền tệ... Đặc biệt, NH Nhà nước nên thông báo rộng rãi NH nào hiện đang có nguy cơ rơi vào diện kiểm soát đặc biệt; công bố “sức khỏe” của từng NH, định kỳ 6 tháng/lần, sau đó tiến tới 3 tháng/lần để các NH hoạt động nền nếp, thị trường tiền tệ ổn định. 

 

Trần Hoàng Ngân (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM)