“Nhà quản lý tốt là người lo lắng cho công ăn việc làm, sự nghiệp của nhân viên dưới quyền, chứ không phải là lo lắng cho bản thân anh ta”

H. S. M. Burns

Giá vàng sẽ 'nóng' hay 'lạnh' trong 2010?

Xu hướng tăng giá vẫn khả quan. (Ảnh: Reuters)
 
So với những bước thành công rực rỡ vừa qua, 2010 được xem là năm đầy khó khăn cho vàng với bước khởi đầu không mấy suôn sẻ.

Tuy nhiên, trong dài hạn giá vàng vẫn có xu hướng tăng khả quan. Tất cả các nền kinh tế đã đón nhận một khối lượng tiền khổng lồ trong lưu thông.

Thời gian “phát bệnh” của lạm phát luôn có độ trễ, phải mất một khoảng thời gian để lượng tiền thẩm thấu trong lưu thông. Lạm phát bùng phát sẽ là cơ hội cho giá vàng chinh phục trở lại ngưỡng cao kỷ lục 1.226 USD/ounce trong năm 2009.


2009 - năm cực phát của thị trường vàng


Năm 2009 được đánh giá là năm thành công của giá vàng thế giới khi giá liên tiếp chinh phục đỉnh cao vào thời gian gần cuối năm.

Kinh tế toàn thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng sâu rộng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Các chính phủ buộc phải tung vào thị trường hàng ngàn tỷ USD để ứng cứu nền kinh tế. 

Trong 2 tháng đầu năm 2009, do những lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu bất ổn, giới đầu tư chạy vào đồng USD như kênh đầu tư trú ẩn an toàn bảo vệ tài sản.

Bên cạnh đó, vàng cũng được giới đầu tư lựa chọn do mối lo về lạm phát sau hàng loạt các chương trình kích cầu, nới lỏng chính sách tiền tệ. Giá vàng đã tăng lên trên ngưỡng 1.005,9 USD/ounce (ngày 20/02/2009) từ mức mở cửa 879,9 USD/ounce đầu năm 2009. 

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn này lại sụt giảm mạnh do giới đầu tư tháo chạy khỏi các kênh đầu tư rủi ro sau những diễn biến kinh tế bất ổn trong năm trước. Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã sụt giảm 16,58% từ mức mở cửa 921,5  xuống mức đóng cửa 768,75 trong cùng thời kỳ.

Như vậy trong thời gian này vàng và đồng USD lại có hướng chuyển động cùng chiều. Điều này được lí giải do tâm lý giới đầu tư lo sợ rủi ro và chạy vào kênh đầu tư an toàn.

Tuy nhiên, đà tăng giá vàng thế giới nhanh chóng chững lại và thoái lùi trở lại và test ngưỡng hỗ trợ 865,3 USD/ounce. Giá vàng thế giới từ giai đoạn cuối tháng 2 đến đầu tháng 9 giá vàng bước vào giai đoạn tích lũy cho đà tăng giá. Giá vàng giao dịch với biên độ hẹp dần, hình thành nên mẫu hình tam giác cân với trục đối xứng xoay quanh ngưỡng 940 USD/ounce.

Giá vàng nhận được lực hỗ trợ khá tốt trong giai đoạn này. Thứ nhất, giới đầu tư cực kỳ hưng phấn sau những gói kích cầu khổng lồ của Chính phủ. Thị trường vẫn luôn kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ nhận được tín hiệu khởi sắc khi Chính phủ ra tay hỗ trợ.

Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ. Chỉ số S&P 500 tăng từ mức mở cửa đầu tháng 3 tại 731,25 lên mức đóng cửa 996,25 vào ngày đầu tháng 9, tăng 36,24% chỉ trong vòng 6 tháng khi báo cáo lợi nhuận của các tập đoàn tài chính công bố khả quan. 

Giá dầu cũng gia tăng mạnh mẽ trong cùng thời kỳ từ mức 44,28 lên 68,19 (tăng mạnh 54%). Kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ đã đẩy dòng vốn chạy vào các kênh đầu tư rủi ro với tỷ suất sinh lời cao.

Đồng USD lại giảm mạnh trong giai đoạn này do thị trường kỳ vọng sự phục hồi kinh tế chưa đủ vững chắc để Fed nâng lãi suất và đồng USD trượt dài trong chuỗi ngày giảm giá. Chỉ số USD Index, chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD đã giảm mở cửa đầu tháng 3 tại 88,1 xuống 78,44 (đầu tháng 9), giảm 9,66 điểm, tương đương 11%.

Lạm phát vừa phải và kinh tế tăng trưởng mạnh luôn là mục tiêu hàng đầu của các chính phủ. Tuy nhiên, các chính phủ không thể đạt được 2 mục tiêu này cùng một lúc mà luôn có sự đánh đổi. Và trong thời điểm kinh tế vẫn đang khá mỏng manh và đối mặt với nhiều rủi ro chính phủ buộc phải hy sinh mục tiêu lạm phát và ưu tiên tăng trưởng đặt lên hàng đầu. 

Hàng loạt tỷ tiền giấy được tung vào thị trường mà chưa có bất kỳ công cụ nào rút lượng tiền này ra khỏi lưu thông. Mối lo về vấn đề lạm phát tiếp tục đe dọa thị trường mặc dù trong giai đoạn này lạm phát vẫn chưa thể hiện dấu hiệu rõ ràng.

Các nhân tố cơ bản đều tạo ra lực hỗ trợ tích cực cho đà tăng giá vàng. Đồng USD ngày càng suy yếu khi Fed cam kết giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục gần mức zero. Vấn đề lạm phát tiếp tục đe dọa thị trường.

Sau một thời gian tích lũy lực, giá vàng bắt đầu có những đợt bứt phá khá tốt vào tháng 9. Giá vàng đã có những bước giá test ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 USD/ounce trong gần 1 tháng và phá vỡ mức cao 1.005,9 USD/ounce thiết lập trong tháng 3 vào ngày 8/9/2009 khi giá vọt lên mức cao 1.007,4 USD/ounce. 

Các nhân tố cơ bản tiếp tục tạo đà tốt cho giá vàng tăng khá tốt trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên tháng 11 mới được đánh giá là tháng tăng mạnh mẽ trong lịch sử giá vàng. Giá vàng gần như tăng liên tục trong tháng 11 do lực đẩy từ việc mua vàng của các ngân hàng Trung ương.

Đầu tiên là ngân hàng Trung ương Ấn Độ với động thái mua 200 tấn vàng của IMF, tiếp đó là ngân hàng Trung ương Mauritius với 2 tấn vàng, ngân hàng Trung ương Sri Lanka với 10 tấn vàng. Các nền kinh tế mới nổi cũng như Nga, Trung Quốc… cũng đã có động thái mua vàng.

Đặc biệt Trung Quốc, quốc gia có dân số đông nhất thế giới và có truyền thống cất giữ vàng của người Á Đông lại bất ngờ có động thái khuyến khích người dân mua vàng sau nhiều năm ban hành đạo luật cấm sở hữu vàng cá nhân.

Những thông tin này đã đẩy giá vàng dần chinh phục mốc 1.100 USD/ và cao nhất là 1.226 USD/ounce vào ngày 3/12/2009. 

Tuy nhiên, đà tăng giá vàng nhanh chóng chững lại khi thị trường bất ngờ đón nhận thông tin Dubai xin hoãn các trả nợ khổng lồ lên đến 60 tỷ USD/ounce. Các kênh đầu tư rủi ro đồng loạt rớt mạnh sau thông tin này. Giới đầu tư bắt đầu tỏ ra lo ngại về tình hình tài chính thế giới sau một thời gian dài kỳ vọng quá mức.

Giá vàng đã rớt mạnh gần 60 USD/ounce trong ngày 04/12 từ mức cao 1.121 tuột dốc về mức thấp nhất 1.147 USD/ounce. Giá vàng tiếp tục giảm mạnh vào những ngày cuối năm và đóng cửa dưới mức 1.100 USD/ounce tại 1.097 USD/ounce.

Xu hướng tăng giá vẫn khả quan

So với những bước thành công trong năm 2009, năm 2010 được xem là năm đầy khó khăn cho vàng với bước khởi đầu không mấy suôn sẻ.

Sau 2 tuần khởi đầu suôn sẻ vấn đề nợ Hy Lạp tiếp tục đang gây ra làn sóng lo ngại trên thị trường. Giới đầu tư lo ngại rằng vấn đề này có thể sẽ lan truyền ra các nền kinh tế khác trong khu vực theo hiệu ứng domino.

Giá vàng thế giới trong ngắn hạn vẫn chịu áp lực giảm giá do những lo ngại về tình hình tài chính của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Vấn đề nợ Hy Lạp và một số quốc gia hiện đang là tâm điểm chú ý của thị trường. Giá vàng chỉ có thể có tín hiệu khởi sắc khi vấn đề nợ Hy Lạp được giải quyết.

Do những diễn biến xấu đi của thị trường trong những ngày gần đây, chủ tịch Jean - Claude Trichet đã sớm kết thúc chuyến thăm Úc và sớm trở về tham dự hội nghị các quan chức cấp cao của khối liên minh Châu Âu. Thị trường đã tiên đoán rằng Châu Âu sẽ có những động thái can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Chính phủ Hy Lạp giải quyết vấn đề nợ.

Thị trường cũng đã đón nhận thông tin khá khả quan khi Chính phủ Đức tiếp tục khẳng định hỗ trợ Hy Lạp giải quyết vấn đề nợ. Tâm lý nhà đầu tư khá hưng phấn sau thông tin này, thị trường hàng được đẩy lên khá tốt. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang tỏ ra thận trọng trước cuộc họp các quan chức cấp cao khối liên minh Châu Âu EU vào ngày 11/02.

Bên cạnh đó, diễn biến kinh tế Mỹ vẫn gây ra những tác động mạnh trên thị trường vàng trong thời gian sắp tới. Thực tế nền kinh tế Mỹ cải thiện có 2 luồng ý kiến trái chiều nhau. Nếu kinh tế Mỹ có những tín hiệu khởi sắc tốt thị trường chứng khoán và dầu sẽ tạo ra sức hấp dẫn cao thu hút giới đầu tư khi các kênh đầu tư này tạo ra tỷ suất sinh lời cao hơn so với đầu tư vào đồng USD.

Dòng vốn sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ kênh đầu tư an toàn và chảy vào kênh đầu tư rủi ro, trong đó có vàng với lợi nhuận cao hơn. Đồng USD có tỷ suất sinh lời thấp không còn đủ sức hấp dẫn để níu kéo nhà đầu tư.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nền kinh tế Mỹ cải thiện sẽ là dấu hiệu tích cực cho Fed thực hiện thắt chặt tiền tệ và nâng lãi suất đồng USD. Điều này sẽ hỗ trợ khá tốt cho đà tăng giá của đồng USD. Giá vàng sẽ chịu áp lực giảm mạnh mẽ từ những thông tin này.

Theo Công ty cổ phần Vàng Vi Na, thực tế, trong dài hạn giá vàng vẫn có xu hướng tăng khả quan. Tất cả các nền kinh tế đã đón nhận một khối lượng tiền khổng lồ trong lưu thông.

Thời gian “phát bệnh” của lạm phát luôn có độ trễ, phải mất một khoảng thời gian để lượng tiền thẩm thấu trong lưu thông. Lạm phát bùng phát sẽ là cơ hội cho giá vàng chinh phục trở lại ngưỡng cao kỷ lục 1.226 USD/ounce trong năm 2009.

Những nguy cơ trong năm 2010

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trung Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vàng Vi Na, nguy cơ lớn nhất đối với thị trường vàng trong năm 2010 có lẽ là đến từ các chính sách thắt chặt của Fed.

Thời gian qua vàng luôn chạy ngược chiều với đồng USD, khi đồng USD giảm mạnh trong năm 2009 vừa qua thì vàng cũng liên tiếp thiết lập những mức kỷ lục. Nhưng nếu thời gian tới Fed bất ngờ tiến hành thắt chặt chính sách sớm hơn so với kỳ vọng, khi đó đồng USD sẽ được hỗ trợ tăng mạnh trở lại trong tất cả các thị trường, và khi đó một cuộc bán tháo trong thị trường vàng là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Ngoài ra, lượng vàng 200 tấn còn lại trong kế hoạch bán 403,3 tấn của IMF cũng được xem là thùng thuốc nổ đối với thị trường vàng. Nếu lượng vàng này không được một tổ chức chính thức nào đó đồng ý mua, thì với khối lượng lớn như thế đổ vào thị trường sẽ khiến giá vàng có thể sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nếu nền kinh tế phục hồi hoàn toàn, khó tránh khỏi việc giao dịch vàng sẽ yếu dần, và giá vàng cũng không còn biến động mạnh như trước nữa. Điều này sẽ khiến một bộ phận giới đầu tư rời khỏi thị trường vàng, khi thấy rằng mức sinh lợi từ thị trường này không còn hấp dẫn nữa.

  • Hà Linh